ĐBQH Trần Kim Yến: Không có khái niệm 'vắt chanh bỏ vỏ' khi sắp xếp bộ máy

ĐBQH Trần Kim Yến: Không có khái niệm 'vắt chanh bỏ vỏ' khi sắp xếp bộ máy
2 ngày trướcBài gốc
Ngày 17-4, Tổ Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị 2 đã có buổi tiếp xúc cử tri quận 3, TP.HCM trước kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Tổ ĐBQH đơn vị 2 có bà Trần Kim Yến, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM; ông Đỗ Đức Hiển, Ủy viên Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội.
Cử tri quan tâm chính sách đối với cán bộ không chuyên trách sau sắp xếp
Cử tri Lê Văn Hiến (phường 9) cho biết tại TP.HCM có nhiều cán bộ không chuyên trách đã gắn bó công tác trên 10 năm, thậm chí 20 năm, nhiều người từng là Phó Ban Chỉ huy quân sự chuyển qua làm cán bộ phường. Họ làm việc liên tục, kể cả ngày nghỉ, lễ, Tết theo yêu cầu nhiệm vụ.
Ông Hiến kiến nghị Quốc hội và các cơ quan chức năng cần xem xét, có chính sách hợp lý, coi họ như người lao động tại các cơ quan, doanh nghiệp. Bởi theo Kết luận số 137-KL/TW, lực lượng này sẽ kết thúc nhiệm vụ nhưng phần lớn đã lớn tuổi, khó tìm việc mới.
Cử tri Trần Thị Hạnh (phường 11) nêu ý kiến tại buổi tiếp xúc. Ảnh: HỒNG THẮM
Cử tri Trần Thị Hạnh (phường 11) nêu thực tế quận 3 dự kiến giảm từ 10 phường còn 3.
“Với những người xin nghỉ hoặc không còn đủ điều kiện tiếp tục công tác thì việc được hưởng các chế độ sau khi nghỉ cần có thông tin cụ thể, rõ ràng để họ yên tâm hoàn thành nhiệm vụ, đồng thời có thêm kinh phí chăm lo cho gia đình trong thời gian tìm kiếm việc làm mới”- bà Hạnh nói.
Cũng theo bà Hạnh, lực lượng không chuyên trách đa phần còn trẻ nhưng hạn chế chuyên môn, sẽ gặp khó khăn trong mưu sinh sau nghỉ việc.
Không có khái niệm "vắt chanh bỏ vỏ"
Trả lời ý kiến cử tri, ĐB Đỗ Đức Hiển cho biết hiện Chính phủ đang rà soát, xây dựng và sửa đổi Luật Cán bộ, công chức theo hướng liên thông từ cấp xã đến cấp tỉnh. Đồng thời, Nghị định 33 và Nghị định 29 cũng đang được xem xét sửa đổi để giải quyết chế độ chính sách cho cán bộ không được sắp xếp lại sau tinh giản biên chế.
“Theo tinh thần sửa đổi Nghị định 33 mà tôi được biết, Chính phủ sẽ tiến hành rà soát, xem xét cán bộ không chuyên trách cấp xã nào còn đủ điều kiện, tiêu chuẩn, sức khỏe để bố trí tiếp tục công tác tại thôn hoặc khu phố”- ĐB Đỗ Đức Hiển cho hay.
ĐBQH Đỗ Đức Hiển, Ủy viên Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội, trả lời ý kiến cử tri. Ảnh: HỒNG THẮM
Đối với những trường hợp còn lại, ĐB Đỗ Đức Hiển cho biết sắp tới Chính phủ sẽ sửa đổi Nghị định 29 để thực hiện việc tinh giản biên chế và giải quyết các chế độ liên quan.
Chia sẻ với cử tri liên quan việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM Trần Kim Yến, cho biết việc sắp xếp lại bộ máy chính quyền lần này là một cuộc cách mạng và đòi hỏi sự đồng thuận, chia sẻ từ cả hệ thống chính trị và Nhân dân.
Theo bà Yến, qua theo dõi thông tin đại chúng, dư luận xã hội phần lớn đồng tình với chủ trương tinh gọn, kỳ vọng mô hình chính quyền mới sẽ hoạt động hiệu quả, phục vụ người dân tốt hơn.
“Đây là một cuộc cách mạng thì sẽ có sự hy sinh, mà sự hy sinh ở đây chính là sự chia sẻ của người dân với đội ngũ cán bộ, trong đó có những cán bộ không chuyên trách – những người sắp tới sẽ không còn được bố trí chức danh, việc làm"- bà Yến nói.
ĐBQH Trần Kim Yến, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM, trả lời ý kiến cử tri tại buổi tiếp xúc. Ảnh: HỒNG THẮM
Bà Yến cho biết việc sắp xếp không chỉ diễn ra ở cấp cơ sở mà còn ở cấp cao hơn.
Theo lộ trình, số lượng tỉnh, thành phố sẽ giảm từ 63 còn khoảng 34, tức giảm gần 50%. Mô hình cấp huyện cũng sẽ được điều chỉnh, kéo theo việc tinh giản nhiều cơ quan như Huyện ủy, HĐND, UBND và các phòng ban chuyên môn. Ở cấp xã, tỷ lệ tinh giản có thể lên tới 60-70%, đồng nghĩa với việc giảm mạnh số lượng cán bộ.
“Quan trọng là phải tinh gọn một cách hợp lý, lựa chọn đúng người vào bộ máy mới để phù hợp với mô hình và xu thế phát triển chung của đất nước và thế giới. Đây là bài toán không dễ đối với lãnh đạo các cấp”- bà Yến nói.
Tuy nhiên, ĐB Yến khẳng định từ Trung ương đến địa phương đều đã xây dựng phương án cụ thể, thảo luận kỹ lưỡng và thống nhất theo từng cấp để thực hiện hiệu quả việc sắp xếp.
Bà Yến cũng nhấn mạnh mặc dù số lượng cán bộ dôi dư sẽ lớn nhưng Thành phố cũng như cả nước không có khái niệm "vắt chanh bỏ vỏ".
Theo đó, lãnh đạo các cấp luôn quan tâm, tạo điều kiện để những cán bộ không tiếp tục công tác vẫn có cơ hội lao động, phát triển bản thân và chăm lo cho gia đình.
"Một cuộc cách mạng luôn đòi hỏi sự hy sinh. Việc các anh chị lui lại một bước để nhường chỗ cho bộ máy mới là sự hy sinh vì chính quyền, vì mục tiêu phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn"- bà Yến chia sẻ.
Theo ĐB Yến, để đáp ứng yêu cầu phục vụ Nhân dân trong bối cảnh mới, cán bộ phải thay đổi từ tư duy, kỹ năng đến thái độ làm việc và tinh thần trách nhiệm, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong công tác.
“Cần khắc phục dần tình trạng cán bộ ‘sáng cắp ô đi, tối cắp ô về’. Dù tiếp tục công tác hay không, mỗi người đều cần chủ động học hỏi, rèn luyện để thích ứng với yêu cầu mới”- bà Yến nhấn mạnh.
HỒNG THẮM
Nguồn PLO : https://plo.vn/dbqh-tran-kim-yen-khong-co-khai-niem-vat-chanh-bo-vo-khi-sap-xep-bo-may-post844985.html