ĐBQH: Xây đủ, cải tạo lại nhà công vụ cho giáo viên là nhiệm vụ bức thiết

ĐBQH: Xây đủ, cải tạo lại nhà công vụ cho giáo viên là nhiệm vụ bức thiết
3 giờ trướcBài gốc
Chính sách về nhà ở cho giáo viên có thể coi là giải pháp để giữ chân các thầy cô giáo gắn bó và hướng đến sự phát triển bền vững giáo dục ở vùng khó. Tuy nhiên, với tình hình khó khăn của các địa phương, cần có các chính sách đồng bộ và hiệu quả hơn.
Nếu chỉ dựa vào nguồn lực của tỉnh, rất khó giải quyết triệt để trong ngắn hạn
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Cầm Thị Mẫn - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: “Việc đảm bảo chỗ ở ổn định cho nhà giáo là một yếu tố vô cùng quan trọng. Khi giáo viên có được nơi ăn, chốn ở ổn định, họ sẽ không phải lo lắng về đời sống cá nhân và gia đình. Điều này giúp các thầy cô tập trung hơn vào công việc, có thêm thời gian và tâm trí để chăm lo cho học sinh.
Chỗ ở ổn định không chỉ mang lại sự an tâm mà còn tạo ra một nền tảng vững chắc để giáo viên gắn bó lâu dài với nghề. Đây là yếu tố rất quan trọng trong việc thúc đẩy tình yêu nghề, trách nhiệm với công việc và sự tận tâm đối với học sinh. Khi giáo viên không còn phải loay hoay tìm chỗ ở hoặc lo lắng về điều kiện sống khó khăn, họ sẽ có động lực để làm việc tốt hơn; từ đó, đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển chung của ngành giáo dục.
Không chỉ riêng khu vực miền núi khó khăn, ngay cả ở các địa phương ở vùng thuận lợi, việc xây dựng cơ sở vật chất đầy đủ để phục vụ đời sống giáo viên vẫn luôn được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Các khu vực trung tâm, dù có điều kiện thuận lợi hơn, cũng không thể thiếu những chính sách hỗ trợ giáo viên về nơi ở, bởi điều này tác động trực tiếp đến chất lượng giảng dạy. Việc giáo viên có điều kiện sinh hoạt tốt không chỉ giúp họ yên tâm giảng dạy mà còn khuyến khích họ dành thêm thời gian nghiên cứu, nâng cao năng lực chuyên môn và mang đến những phương pháp giảng dạy hiệu quả hơn”.
Cũng theo nữ đại biểu, việc xây dựng hệ thống nhà công vụ không chỉ đơn thuần đáp ứng nhu cầu thiết yếu về đời sống, mà còn là sự thể hiện sự quan tâm, tôn trọng đối với nhà giáo. Đây cũng là mong muốn của xã hội nói chung và đặc biệt là của các nhà giáo - những người luôn khao khát có được điều kiện sống và làm việc tốt hơn để đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp giáo dục. Nếu làm được điều này, tôi tin rằng, chất lượng giáo dục ở vùng khó sẽ có sự cải thiện rõ rệt, mang lại lợi ích lâu dài cho cả xã hội.
Đại biểu Cầm Thị Mẫn - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: quochoi.vn.
Cùng chung quan điểm, Đại biểu Bế Minh Đức - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng cho biết: “Sự thiếu hụt nhà công vụ có tác động rất lớn đến đời sống và tâm lý của giáo viên. Khi không có nơi ở ổn định, giáo viên thường xuyên phải di chuyển hoặc sống tạm bợ trong điều kiện không đảm bảo, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tinh thần và khả năng tập trung vào công việc.
Mặt khác, ở những khu vực đặc biệt khó khăn, việc thiếu nhà công vụ có thể khiến giáo viên từ chối công tác, dẫn đến tình trạng thiếu hụt giáo viên, gây ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục trong thời gian dài. Vì vậy, việc đầu tư xây dựng nhà công vụ không chỉ là giải pháp hỗ trợ đời sống giáo viên, mà còn góp phần quan trọng trong việc ổn định lực lượng lao động ngành giáo dục, tạo nền tảng để nâng cao chất lượng giáo dục ở địa phương”.
Bên cạnh đó, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng cũng chỉ ra khó khăn trong công tác khắc phục tình trạng thiếu nhà công vụ, nhà công vụ xuống cấp: “Tại điểm a, khoản 2, Điều 28 dự thảo Luật Nhà giáo đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo chỗ ở cho nhà giáo đến công tác tại vùng khó khăn.
Chính vì vậy, xây đủ và cải tạo lại nhà công vụ là nhiệm vụ bức thiết. Tuy nhiên, để triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách, tôi cho rằng, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Trung ương và địa phương, với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ ngân sách nhà nước.
Đơn cử như đối với riêng tỉnh Cao Bằng, thực tế cho thấy, để đáp ứng nhu cầu hơn 600 nhà công vụ cho giáo viên, cần nguồn kinh phí lên tới hơn 288 tỷ đồng. Đây là con số rất lớn so với khả năng tự cân đối của ngân sách địa phương. Nếu chỉ dựa vào nguồn lực của tỉnh, rất khó có thể giải quyết triệt để tình trạng thiếu nhà công vụ trong ngắn hạn”.
Đồng quan điểm đó, Đại biểu Hoàng Ngọc Định - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang cũng đánh giá, việc xây dựng cơ chế hỗ trợ tiền thuê nhà ở cho giáo viên tại các vùng khó khăn là cần thiết. Điều này sẽ giúp giáo viên không phải lo lắng về chỗ ở, từ đó tạo điều kiện cho các thầy cô giáo tập trung vào công tác giảng dạy.
Bên cạnh đó, việc tạo điều kiện cho các địa phương phối hợp với các doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ để huy động nguồn lực xã hội hóa xây dựng nhà công vụ, cũng là một giải pháp tiềm năng, giúp giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Đại biểu Hoàng Ngọc Định - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang. Ảnh: quochoi.vn.
Cần linh hoạt trong các giải pháp hỗ trợ nhà ở cho giáo viên
Tình trạng thiếu nhà công vụ ở tại vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đang đòi hỏi các giải pháp linh hoạt và phù hợp với từng địa phương.
Chia sẻ về vấn đề này, Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai cho rằng, rất cần những giải pháp linh hoạt, như hỗ trợ kinh phí thuê nhà cho giáo viên ở những nơi không có sẵn nhà công vụ.
Cụ thể, nữ đại biểu phân tích: “Tại điểm a, khoản 2, Điều 28 dự thảo Luật Nhà giáo đã đưa ra quy định về việc bố trí nhà ở công vụ hoặc thuê nhà ở công vụ theo quy định của Luật Nhà ở.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy tại các khu vực tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, hệ thống nhà ở công vụ cho giáo viên vẫn còn thiếu hụt nghiêm trọng. Tình trạng này đặt ra một thách thức lớn đối với công tác thu hút và giữ chân giáo viên tại những khu vực khó khăn.
Vì vậy, cần bổ sung quy định hỗ trợ kinh phí thuê nhà ở cho giáo viên trong trường hợp không có nhà ở công vụ sẵn có.
Theo đó, giáo viên có thể tự thuê nhà ở với sự hỗ trợ tài chính từ Nhà nước, giúp các thầy cô ổn định cuộc sống và yên tâm công tác. Việc này đảm bảo tính linh hoạt trong thực hiện, phù hợp với thực tế ở từng khu vực: tại những nơi có sẵn nhà công vụ, ưu tiên bố trí cho giáo viên; ở các khu vực có nhà ở xã hội phù hợp, thực hiện thuê theo quy định của Luật Nhà ở; còn tại các địa phương thiếu nhà công vụ hoặc nhà ở xã hội, cần hỗ trợ kinh phí để giáo viên có thể tự thuê nhà.
Bên cạnh đó, cần chú trọng việc bố trí nguồn vốn kịp thời để các địa phương xây dựng và hoàn thiện hệ thống nhà ở công vụ còn thiếu, nhằm tạo điều kiện sống và làm việc tốt nhất cho đội ngũ giáo viên. Điều này sẽ giúp giáo viên an tâm công tác và gắn bó lâu dài với nghề dạy học tại các vùng khó khăn”.
Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai. Ảnh: quochoi.vn.
Bàn về giải pháp xử lý tình trạng thiếu nhà công vụ cho giáo viên, Đại biểu Quốc hội Bế Minh Đức cũng chia sẻ thêm về kinh nghiệm thực tiễn tại địa phương: “Hiện nay, tỉnh Cao Bằng đã giao Liên đoàn Lao động tỉnh xây dựng một đề án tổng thể về phát triển nhà công vụ cho giáo viên. Đề án này không chỉ tập trung vào khảo sát thực trạng và nhu cầu cụ thể tại từng khu vực mà còn đưa ra kế hoạch đầu tư theo từng giai đoạn.
Ngoài ra, đề án cũng đề xuất các giải pháp huy động nguồn lực, bao gồm cả việc phối hợp với các doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ để hỗ trợ kinh phí và nguồn lực. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất vẫn là bài toán tìm kiếm nguồn kinh phí đủ lớn để triển khai đồng bộ và dài hạn. Nếu không có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Trung ương, rất khó để tỉnh tự mình giải quyết vấn đề này một cách triệt để.
Để tháo gỡ khó khăn trước mắt, việc huy động các nguồn lực xã hội hóa là một giải pháp cần thiết.
Tuy nhiên, tại Cao Bằng, triển khai xã hội hóa cũng gặp không ít thách thức. Địa hình phức tạp, điều kiện giao thông hạn chế và chi phí xây dựng cao là những rào cản lớn. Ví dụ, tại một số điểm trường vùng sâu, chi phí xây dựng một nhà công vụ có thể cao gấp đôi, thậm chí gấp ba so với các khu vực đồng bằng, chủ yếu do chi phí vận chuyển nguyên vật liệu và yêu cầu san lấp mặt bằng lớn. Điều này đòi hỏi cần có cơ chế chính sách phù hợp để khuyến khích sự tham gia của các tổ chức, cá nhân, đồng thời, phải đảm bảo việc sử dụng nguồn lực này được minh bạch, hiệu quả”.
Đại biểu Bế Minh Đức - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng. Ảnh: quochoi.vn.
Đồng thời, Đại biểu Bế Minh Đức cũng nhấn mạnh về khía cạnh giám sát sao cho công tác xây dựng nhà công vụ được triển khai hiệu quả: “Việc thiết lập cơ chế giám sát và đánh giá hiệu quả thực hiện các chính sách hỗ trợ nhà ở cho giáo viên là rất cần thiết.
Điều này không chỉ giúp đảm bảo rằng các nguồn lực được sử dụng đúng mục đích mà còn giúp phát hiện và khắc phục kịp thời những bất cập trong quá trình triển khai.
Các cơ quan chức năng, cơ quan dân cử và cả cộng đồng cần tham gia vào quá trình giám sát này để đảm bảo các chính sách được thực hiện đúng, đủ và thực sự mang lại lợi ích cho giáo viên”.
Anh Tú
Nguồn Giáo Dục VN : https://giaoduc.net.vn/dbqh-xay-du-cai-tao-lai-nha-cong-vu-cho-giao-vien-la-nhiem-vu-buc-thiet-post248414.gd