Phập phồng nước sản xuất
Đúng như dự báo của các chuyên gia khí tượng, mùa khô 2025, hạn hán, xâm nhập mặn tại ĐBSCL đến sớm hơn. Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng, mới đầu tháng 2-2025, trên sông Hậu, khu vực Đại Ngãi (huyện Long Phú) cách cửa sông khoảng 30km, độ mặn đo được là 7,8‰ (cao hơn cùng kỳ năm trước 4,5‰); tại xã Song Phụng (huyện Long Phú), cách cửa sông khoảng 41km, độ mặn đo được là 4,3‰ (cao hơn cùng kỳ năm trước 3,3‰). Dự báo đến ngày 12-2, rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn trên sông Hậu và sông Mỹ Thanh ở cấp độ I.
Cống Rạch Mọp tại Sóc Trăng (vốn đầu tư 550 tỷ đồng) đang được thi công khẩn trương để hoàn thành, ngăn xâm nhập mặn bờ Nam sông Hậu. Ảnh: TUẤN QUANG
Tại Bến Tre, ông Đặng Hoàng Lam, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh này, cho biết, độ mặn 4‰ đã xâm nhập vào các huyện Châu Thành, Mỏ Cày Bắc, Bình Đại… Trên sông Hàm Luông, mặn xâm nhập đến ấp Thanh Sơn 4, xã Thanh Tân (huyện Mỏ Cày Bắc), cách cửa sông 51,2km. Trên sông Cổ Chiên, mặn xâm nhập đến ấp Cầu Cống, xã Nhuận Phú Tân (huyện Mỏ Cày Bắc), cách cửa sông 51km. Đến giữa tháng 2-2025, cách cửa sông Cổ Chiên khoảng 8km, độ mặn có thể lên đến 21‰. Đài Khí tượng thủy văn Tiền Giang dự báo, xâm nhập mặn trong mùa khô 2024-2025 sẽ cao hơn trung bình nhiều năm, đặc biệt một số thời điểm còn gay gắt hơn mùa khô 2023-2024.
Thực tế trên đang khiến hàng ngàn hộ nông dân ở vùng ĐBSCL lo lắng về trữ lượng và chất lượng nguồn nước sản xuất nông nghiệp. Những ngày qua, mỗi ngày 2 lần (sáng và chiều), ông Nguyễn Văn Bé Chính, ngụ xã Tân Thiềng, huyện Chợ Lách (Bến Tre) và các thành viên trong gia đình, thay nhau mang máy ra sông đo độ mặn. “Ngày nào cũng kiểm tra nhưng gia đình vẫn lo, vì độ mặn liên tục tăng, nếu sơ sót, bơm phải nước nhiễm mặn cao vào vườn sầu riêng, coi như phá sản”, ông Chính thận trọng.
Năm 2020, gia đình ông mất trắng 1,2ha sầu riêng đang ra trái non (trị giá hàng trăm triệu đồng), vì tưới phải nước nhiễm mặn. Ngoài theo dõi độ mặn trên sông, gia đình ông Chính đang đầu tư, xây hồ chứa nước trong vườn với sức chứa trên 1.000m3 để ứng phó với đợt hạn mặn được dự báo gay gắt sắp tới. Lượng nước trong hồ chỉ đủ tưới cho vườn cây ăn trái hơn 2 tháng, nếu hạn mặn kéo dài, nguy cơ thiếu nước tưới rất lớn.
Ghi nhận ở vùng ngọt hóa tỉnh Cà Mau và một số địa phương như Gò Công (Tiền Giang), Vĩnh Châu (Sóc Trăng), Hồng Dân (Bạc Liêu), Thới Bình (Cà Mau), Gò Quao (Kiên Giang)…, từ cuối tháng 1-2025 đến nay, hệ thống kênh rạch nội đồng dần cạn, người dân gấp rút cải tạo mương vườn, xây hồ tạm, trữ nước ngọt. “Bà con tập trung ứng phó từ sớm. Hy vọng mùa khô năm nay, lúa, rau màu, cây ăn quả không chết nhiều như năm ngoái”, ông Công, nông dân ở Gò Quao (Kiên Giang) chia sẻ.
Ở Hậu Giang, địa phương này đang cấp bách thực hiện các giải pháp ứng phó hạn mặn trong mùa khô 2025, dự báo có 90.000-110.000ha lúa, cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản có thể bị ảnh hưởng.
Lo thiếu nước sinh hoạt
Là tỉnh ven biển duy nhất ở khu vực ĐBSCL không được bổ sung nguồn nước ngọt từ các sông lớn đầu nguồn, do đó việc đảm bảo nguồn nước, nhất là nước sạch sinh hoạt là một thách thức lớn của chính quyền và người dân tỉnh Cà Mau trong mùa khô. Ông Danh Phương, ngụ huyện U Minh (Cà Mau) cho biết, 2 nguồn nước chính để bà con ở đây sử dụng sinh hoạt là nước ngầm và nước mưa.
Cống Rạch Mọp tại Sóc Trăng đang khẩn trương được hoàn thành để ngăn xâm nhập mặn bờ Nam sông Hậu. Ảnh: Tuấn Quang
Để ứng phó với đợt hạn mặn trong mùa khô 2025, từ cuối năm 2024, gia đình ông Danh Phương và hàng trăm hộ dân ở địa phương đã mua thùng, xây bồn trữ nước mưa. Tuy nhiên những tháng qua, mưa không nhiều nên lượng nước tích trữ được không đáng kể. “Lo thiếu nước sử dụng, nhiều hộ dân đào thêm giếng, nhưng không phải chất lượng nước ở giếng nào cũng dùng ăn uống được. Rất nhiều giếng có nước bị nhiễm phèn, mặn, chỉ để tưới tiêu, giặt quần áo”, ông Danh Phương cho hay.
Trước tình hình trên, UBND tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Cà Mau khẩn trương đầu tư xây dựng 6 công trình cấp nước tập trung nông thôn, với kinh phí 180 tỷ đồng từ nguồn vốn của Bộ NN-PTNT và vốn đối ứng của địa phương. “Khi đưa vào khai thác, các công trình trên sẽ cấp nước sinh hoạt cho khoảng 14.000 hộ dân, chủ yếu tại các địa phương khan hiếm nước ngọt như các huyện U Minh, Trần Văn Thời và Thới Bình”, đại diện Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Cà Mau cho hay.
Tại Bến Tre, ông Trương Văn Trọng (ngụ xã Hưng Lễ, huyện Giồng Trôm) cho biết, sau đợt hạn mặn khốc liệt trong mùa khô 2023-2024, gia đình ông đã xây bồn bê tông tích trữ được hơn 30m3 nước mưa. Cả nhà có 5 người, nếu mùa khô kéo dài, lượng nước tích trữ trên vẫn không đủ sinh hoạt. Ông đang bàn với các hộ xung quanh, cùng góp tiền để đào thêm giếng. Trường hợp nước giếng bị nhiễm phèn, mặn thì sử dụng tắm, giặt, tưới tiêu, tiết kiệm được nước tích trữ trong bồn.
Kiên Giang, Cà Mau: Nguy cơ cháy rừng cao
Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kiên Giang cho biết, trước thông tin dự báo mùa khô năm 2025 nắng nóng gay gắt và hanh khô kéo dài trên diện rộng, đơn vị đã khảo sát và ghi nhận toàn tỉnh có hơn 40.000ha rừng có nguy cơ cháy cao. Trong đó, TP Phú Quốc có khoảng 16.000ha; huyện U Minh Thượng có khoảng 10.200ha; huyện An Minh có khoảng 2.783ha; huyện Hòn Đất có khoảng 7.475ha; huyện Kiên Lương có khoảng 2.249ha…
Ông Giang Thanh Khoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, đã ký quyết định phê duyệt phương án phòng cháy và chữa cháy rừng trên địa bàn, với tổng kinh phí hơn 17 tỷ đồng. Tỉnh yêu cầu Sở NN-PTNT cùng các đơn vị liên quan, chủ rừng phải đảm bảo mục tiêu đầu tư các công trình phòng cháy, chữa cháy rừng; bố trí lực lượng, phương tiện, thiết bị ứng trực 24/24 giờ theo phương châm 4 tại chỗ; tăng cường tuần tra kiểm soát, không để xảy ra cháy rừng.
Tại Cà Mau, đại diện lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh này cho hay, toàn tỉnh có hơn 45.679ha rừng dễ xảy ra cháy; trong đó, rừng U Minh Hạ có 45.109ha, trên các cụm đảo có 570ha. Để phòng ngừa cháy rừng xảy ra, nhất là trong những tháng mùa khô sắp tới, đơn vị đã làm việc với 15 chủ rừng là tổ chức, 1.734 chủ rừng là hộ gia đình/cá nhân, 8 UBND xã, 1 hợp tác xã, yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định phòng cháy rừng (không đốt thực bì, tạo đường băng ngăn lửa, tăng cường lực lượng tuần tra, kịp thời xử lý nguy cơ cháy và nguồn lửa phát sinh…); tập trung tuyên truyền cho các hộ dân sống quanh các cánh rừng thực hiện nghiêm các quy định PCCC rừng; phối hợp lực lượng cảnh sát PCCC diễn tập các phương án chữa cháy ở khu vực có địa hình, địa thế hiểm trở, khó khăn; đặc biệt hoàn thiện hệ thống trụ bơm nước, tăng cường tích trữ, đảm bảo nguồn nước chữa cháy…
- Ông LÊ VĂN HẲN, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh:
Tỉnh đã chỉ đạo các sở ngành, đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thi công 412 công trình thủy lợi nội đồng, đến nay đã hoàn thành. Đồng thời, yêu cầu Công ty TNHH MTV Quản lý Khai thác Công trình thủy lợi tỉnh vận hành tốt hệ thống công trình thủy lợi để tích trữ nguồn nước phục vụ sản xuất, dự trữ nguồn nước sạch phục vụ cho sinh hoạt của người dân.
Ngoài ra, để sống “thuận thiên” thích ứng với hạn mặn, tỉnh đã khuyến cáo người dân chuyển đổi gần 850ha đất trồng lúa sang các loại cây trồng khác và nuôi thủy sản; chuyển đổi mạnh hình thức nuôi thủy sản khác sang nuôi thâm canh và thâm canh mật độ cao, nâng diện tích đến nay (ước) khoảng 11.300ha; tiếp tục duy trì nuôi tôm sinh thái kết hợp với trồng rừng, mô hình lúa - thủy sản ở các địa phương ven biển; bảo vệ, phục hồi, phát triển rừng, trong đó trồng mới và trồng bổ sung 416 ha rừng…
- Ông NGUYỄN NGHĨA HÙNG, Phó Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Nam:
Từ tháng 2 đến 4-2025 là thời kỳ mặn cao, vì vậy các địa phương ven biển cần chủ động giải pháp ứng phó phù hợp với điều kiện của vùng. Hiện việc tích nước ở các thủy điện trên lưu vực Mê Công cao hơn so với cùng kỳ các năm trước. Vận hành hợp lý các hồ này sẽ tạo thuận lợi cho sản xuất trên đồng bằng trong năm; ngược lại, vận hành tích nước bất thường có thể gây ra các tác động bất lợi. Nên xem xét khuyến nghị các nước thượng lưu Mê Công xả nước gia tăng từ nay đến giữa tháng 3-2025, góp phần giảm thiểu thiệt hại không đáng có ở điều kiện khí hậu thủy văn như năm nay.
Ngoài ra, các địa phương cần chủ động xuống giống sớm nhằm né thời kỳ mặn cao nhất ở giai đoạn cuối tháng 2 đến tháng 4 và tích trữ nước hợp lý để đảm bảo nguồn nước cho sản xuất đủ diện tích theo kế hoạch.
Nhóm PV