ĐBSCL: Ngày càng chìm sâu, thu hẹp do thiên tai bủa vây

ĐBSCL: Ngày càng chìm sâu, thu hẹp do thiên tai bủa vây
3 giờ trướcBài gốc
Mỗi năm mất từ 300 - 500ha đất do sạt lở
Chia sẻ về tình hình vùng ĐBSCL trong diễn đàn "Nâng cao năng lực cộng đồng phòng, chống thiên tai vùng ĐBSCL" do Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam (TLMN) phối hợp Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức, ông Trần Duy An, Phó trưởng Phòng Quy hoạch thủy lợi, Viện Quy hoạch TLMN nhận định, thiên tai đã và đang đe dọa trực tiếp đến sinh hoạt và sinh kế của người dân. Toàn vùng hiện có hơn 800 khu vực sạt lở và 686 vị trí sạt lở bờ sông, với tổng chiều dài trên 1.000km; trung bình mỗi năm ĐBSCL mất từ 300 - 500ha đất do sạt lở bờ sông, bờ biển.
Ngoài ra, hạn hán và xâm nhập mặn làm suy giảm nguồn nước sinh hoạt và sản xuất, đặc biệt tại các tỉnh ĐBSCL. Nhiều hệ thống thủy lợi vẫn chưa hoàn chỉnh, hệ thống cống không có tính chủ động trong điều tiết hoặc kiểm soát nguồn nước, hệ thống trạm bơm điện còn thiếu so với nhu cầu, có khoảng gần 1 triệu hộ dân có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt.
Năm 2020, diện tích lúa bị thiệt hại do xâm nhập mặn lên tới 59.624ha, tương đương 14,8% so với năm 2016. Từ trước đến nay, lũ lụt đã cướp đi sinh mạng của 1.830 người, gây ngập 488.827 căn nhà và làm sạt lở 15.928m³ đất đê bao. Sụt lún cục bộ ghi nhận 2.059 điểm, ảnh hưởng tới 51km đê và đường giao thông. Cà Mau là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất với 1.685 điểm sụt lún.
Hạn năm 2024 ở tỉnh Cà Mau
Theo ông Lê Thanh Chương - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chỉnh trị sông và phòng, chống thiên tai, Viện Khoa học TLMN thông tin: Trong trường hợp 133 đập trên sông Mê Kông hoàn thành thì dự báo lượng phù sa về tới ĐBSCL giảm còn 4% (6-7 triệu tấn/năm). Bờ sông và bờ biển ĐBSCL hiện nay đang trong giai đoạn biến động mạnh về hình thái, ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế, xã hội và môi trường. Để bảo vệ bờ sông, bờ biển hiệu quả cần xem xét kết hợp nhiều giải pháp khác nhau, như: giải pháp công trình cứng, giải pháp mềm, giải pháp kết hợp và giải pháp quản lý. ĐBSCL đã tập trung nguồn lực giải quyết các loại hình thiên tai. Công tác chống sụt lún đất, sạt lở bờ sông, kênh rạch, xói lở bờ biển đã có hiệu quả nhất định nhưng hệ thống chưa được đầu tư đồng bộ.
Còn ông Đỗ Đức Dũng - Viện trưởng Viện Quy hoạch TLMN nhận định, tình hình thiên tai nói chung và thiên tai ở ĐBSCL nói riêng đang có xu hướng gia tăng cả về tần suất và mức độ nguy hiểm. Đặc biệt sẽ càng nguy hiểm hơn trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nước biển dâng và những tác động ở phía thượng nguồn ĐBSCL. Do đó, cần phải có sự chủ động chuẩn bị giải pháp thích hợp để giảm thiểu những tác động này.
Thành phố lớn ngày càng chìm sâu?
Theo các chuyên gia, sụt lún đất tại ĐBSCL đã trở thành một hiện tượng nghiêm trọng với tốc độ trung bình 1,07cm mỗi năm. Nguyên nhân chủ yếu là do khai thác nước ngầm quá mức để phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp. Khi nền đất ngày càng yếu, các đô thị trong khu vực không thể đối phó hiệu quả với những cơn mưa lớn.
Năm 2024, hiện tượng mưa trái mùa xảy ra thường xuyên, với lượng mưa trung bình tăng 20-30% so với nhiều năm trước. Những cơn mưa lớn kéo dài, kết hợp triều cường đã khiến nhiều khu vực nội đô ngập úng nghiêm trọng. Đáng chú ý, mưa trái mùa xảy ra ngay thời điểm các công trình thoát nước cần được duy tu, bảo dưỡng, khiến tình trạng ngập lụt càng trầm trọng hơn.
Lũ đến sớm, người dân ra đồng đánh bắt cá tôm
Một nguyên nhân cốt lõi khác dẫn đến tình trạng ngập lụt là hệ thống thoát nước lạc hậu, không đáp ứng được nhu cầu phát triển đô thị. Cần Thơ được xem là trung tâm kinh tế - văn hóa của ĐBSCL, nhưng vẫn phải đối mặt với hệ thống cống thoát nước lỗi thời, chủ yếu được xây dựng từ nhiều thập niên trước. Các tuyến cống này không đủ kích thước để thoát nước trong các đợt mưa lớn kéo dài, dẫn đến ngập sâu và kéo dài nhiều giờ.
Ngoài ra, việc phát triển đô thị thiếu đồng bộ cũng là một trong những yếu tố chính. Nhiều khu vực đô thị mới được xây dựng mà không tích hợp các giải pháp thoát nước, chẳng hạn như hồ điều hòa hay kênh thoát nước phụ. Các chuyên gia nhận định rằng, tốc độ đô thị hóa tại ĐBSCL đang vượt xa khả năng đầu tư vào hạ tầng thoát nước, khiến nhiều khu vực mới trở thành điểm ngập nặng sau mỗi trận mưa lớn.
Theo báo cáo từ Ban chỉ đạo Phòng, chống thiên tai khu vực Nam Bộ, hơn 50% diện tích nội đô Cần Thơ bị ngập lụt ít nhất 3 lần trong mùa mưa năm nay. Những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nhất bao gồm trung tâm quận Ninh Kiều, các tuyến đường lớn như: 30/4, Trần Hưng Đạo, bến Ninh Kiều, CMT8... Nhiều khu vực ngập kéo dài từ 6-12 giờ, gây tê liệt giao thông và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt của người dân.
Tại Bạc Liêu, ngập lụt cục bộ xảy ra thường xuyên, đặc biệt tại các khu vực thấp trũng như P.Nhà Mát và ven QL1A. Theo ông Phạm Thanh Hải, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Bạc Liêu, triều cường tại Gành Hào trong tháng 11/2024 đạt mức cao kỷ lục 2,65m, vượt báo động 3 tới 0,41m. Khi kết hợp với các đợt mưa trái mùa, nước không thể rút kịp, dẫn đến ngập sâu và kéo dài. Một nguyên nhân khác là sự mâu thuẫn trong vận hành các công trình thủy lợi. Khi triều cường lên cao, các cống ngăn mặn được đóng lại để bảo vệ nguồn nước ngọt cho sản xuất, điều này làm hạn chế khả năng thoát nước, gây ngập úng trong nội đô. Hệ thống kênh rạch tại Bạc Liêu cũng đang bị bồi lắng nghiêm trọng, khiến khả năng tiêu thoát nước tự nhiên ngày càng giảm.
Dự báo hạn mặn 2025 không gay gắt nhưng có bất ngờ
Tại Cà Mau, với hơn 254km đường bờ biển, chịu nhiều áp lực từ biến đổi khí hậu, bao gồm ngập lụt và sạt lở bờ biển. Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Cà Mau, mùa mưa năm nay mang lại lượng mưa cao nhất trong 10 năm qua, khiến nhiều tuyến đường tại trung tâm TP.Cà Mau ngập nặng, ảnh hưởng lớn đến giao thông và kinh doanh. Ngoài ra, việc mất đi các khu vực đất ngập nước do phát triển đô thị đã làm giảm khả năng điều tiết nước tự nhiên. Nhiều tuyến đê biển cũng đang xuống cấp, không đủ sức bảo vệ nội đô trước triều cường và mưa lớn.
Dự báo về hạn hán 2025
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL phân tích, mùa khô năm 2025 vùng ven biển ĐBSCL ít khả năng bị hạn, mặn gay gắt vì một số lý do. Về thời tiết, hiện nay vẫn đang trong giai đoạn ENSO trung tính và có khả năng khoảng 57% sẽ xuất hiện tình trạng La Nina trong tháng 12, có thể kéo dài sang tháng 3/2025. Theo đó, mùa khô năm 2025 sẽ ít có khả năng nắng nóng gay gắt.
Về tình hình mực nước sông Mê Kông, hiện nay mực nước trong lưu vực Mê Kông bắt đầu hạ và chuyển sang mùa khô. Đến thời điểm này, diện tích ngập trong toàn lưu vực vẫn còn khoảng 14,900km2, tức là cao hơn trung bình cùng kỳ nhiều năm. Đáng lưu ý là đỉnh lũ năm nay đến muộn hơn một tháng so với trung bình nhiều năm. Theo đó nước sẽ rút chậm hơn, có nghĩa là đầu mùa khô năm 2025 nước sông Mê Kông vẫn sẽ dồi dào, tương tự như hồi đầu mùa khô 2024 vừa qua.
Về tình hình các đập thủy điện sông Mê Kông, 58 đập trên lưu vực Mê Kông do Trung tâm Stimpson theo dõi gồm các đập ở Trung Quốc và các đập chi lưu ở hạ lưu vực Mê Kông đang trữ khoảng 46 tỷ m3 (chiếm 86% tổng dung tích). Thông thường vào cuối mùa mưa thì các đập đóng lại để dành nước và sang các tháng mùa khô sẽ xả ra phát điện.
Với các lý do trên có thể suy đoán khả năng cao mùa khô 2025 vùng ven biển ĐBSCL sẽ ít bị khô hạn. Tuy nhiên, vẫn sẽ có những thời điểm mặn thọc sâu vào đất liền theo các nhánh sông Cửu Long vào những đợt nước ròng vào ngày rằm và ba mươi âm lịch trong các tháng mùa khô. Hiện tượng này chỉ xảy ra trong vài ngày theo thủy triều, sau đó rút ra nên không thực sự là "xâm nhập mặn" trong thời gian dài như hồi mùa khô 2016 và 2020.
"Một trong các lý do mặn càng ngày càng thọc sâu vào trung tâm ĐBSCL theo thủy triều, thậm chí cả khi mực nước sông Mê Kông không cạn kiệt trong mùa khô là vì tất cả các nhánh sông Cửu Long từ biển vào đều có đê cao ven sông và cống ngăn mặn đóng bít lại vào mùa khô, đồng thời vùng ven biển có nhiều vùng ngọt hóa. Thủy triểu từ biển vào không có không gian lan tỏa vào sông nhánh và đất đai hai bên sông nên đi thẳng trong lòng sông vào vùng trung tâm đồng bằng", chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện phân tích thêm.
Theo ông Lê Thanh Chương - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chỉnh trị sông và phòng, chống thiên tai, ĐBSCL cần thiết lập một ủy ban liên ngành để điều phối các dự án thoát nước đô thị. Ủy ban này sẽ chịu trách nhiệm từ khâu lập kế hoạch, triển khai đến giám sát, bảo đảm các dự án được thực hiện đồng bộ và hiệu quả. Các đô thị lớn như: Cần Thơ, Bạc Liêu, Cà Mau... cần xây dựng hồ điều hòa nước mưa tại các khu vực trũng thấp. Những hồ này sẽ đóng vai trò như "kho chứa tạm thời" trong mùa mưa lớn, giúp giảm áp lực lên hệ thống thoát nước chính. Song song đó, cần cải tạo hệ thống cống thoát nước ngầm với đường kính lớn hơn, bảo đảm khả năng tiêu thoát nước hiệu quả ngay cả trong điều kiện triều cường dâng cao.
PV
Nguồn CA TP.HCM : http://congan.com.vn/doi-song/ngay-cang-chim-sau-thu-hep-do-thien-tai-bua-vay_171268.html