Sau khi Luật Căn cước chính thức có hiệu lực vào ngày 1/7/2024, Công an Hà Tĩnh đã vào cuộc với quyết tâm cao và triển khai hàng loạt giải pháp nhằm hướng tới mục tiêu: Phủ đầy tỷ lệ cấp thẻ căn cước cho công dân trên địa bàn, đặc biệt là công dân dưới 14 tuổi. Chiến dịch cấp thẻ căn cước càng được đẩy cao khi Công an tỉnh ban hành Kế hoạch số 252/KH-PC06 về việc mở đợt cao điểm triển khai thực hiện Luật Căn cước. Thời gian thực hiện cao điểm từ ngày 22/7 - 2/9/2024, được chia làm 2 giai đoạn: đợt 1 từ 23/7 - 2/8/2024 và đợt 2 từ 3/8 - 2/9/2024.
Công dân được cán bộ Công an tỉnh Hà Tĩnh thu nhận thông tin sinh trắc học mống mắt để làm thẻ căn cước.
Nhớ lại lúc đưa 2 con đến Công an phường Nam Hồng (TX Hồng Lĩnh) để làm thủ tục cấp thẻ căn cước trước thềm năm học mới vào tháng 8/2024, chị Nguyễn Thị Hằng Nga (phường Nam Hồng) chia sẻ: “Thời điểm đó, người dân thường xuyên được ban cán sự tổ dân phố (TDP) thông báo qua loa phát thanh để vận động đưa trẻ đi làm căn cước. Nhờ Công an phường sắp xếp lượt người làm thủ tục khoa học, hợp lý, quy trình làm thẻ diễn ra nhanh gọn, người dân không phải chờ đợi lâu. Không chỉ 2 con của tôi mà các bạn nhỏ khác cũng rất hào hứng khi được làm giấy tờ tùy thân”.
Công dân dưới 14 tuổi là đối tượng chính trong chiến dịch thực hiện Luật Căn cước.
Xác định đối tượng chính trong chiến dịch thực hiện Luật Căn cước là công dân từ 0-6 tuổi và 6-14 tuổi, công an các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp phù hợp với lứa tuổi của các em. Công an địa phương đã liên hệ với từng gia đình để hướng dẫn nộp hồ sơ đề nghị cấp thẻ căn cước qua Cổng Dịch vụ công Bộ Công an; tích cực phối hợp với các trường học trên địa bàn tuyên truyền về lợi ích khi làm thẻ căn cước. Đối với các trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt như bố mẹ hoặc người giám hộ không đi được xe máy, lực lượng công an đã tới nhà vận động và chở cả phụ huynh cùng các em học sinh tới điểm thu nhận để kịp thời nộp hồ sơ…
Phụ huynh sinh sống trên địa bàn phường Hà Huy Tập (TP Hà Tĩnh) dẫn các con đến Công an phường để làm thẻ căn cước.
Tại TP Hà Tĩnh, Công an thành phố đã chủ động tham mưu chủ tịch UBND cùng cấp - Tổ trưởng Tổ Công tác triển khai Đề án 06 trực tiếp chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc quyết liệt. Toàn thành phố thực hiện tốt công tác tuyên truyền về lợi ích của thẻ căn cước, đa dạng về hình thức triển khai; huy động sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Đặc biệt là sự vào cuộc của Phòng GD&ĐT TP Hà Tĩnh và nhà trường để thông qua các nhóm phụ huynh tuyên truyền, vận động công dân.
Công an các địa phương cũng đã chỉ đạo công an xã, phường căn cứ tình hình thực tế để lựa chọn địa bàn làm điểm với phương châm dễ làm trước, khó làm sau. Thành lập các tổ công tác gồm nhiều đơn vị cùng phối hợp tham gia như ĐVTN, lực lượng công an, bảo vệ dân phố, tổ trưởng TDP. Đồng thời, tổ chức các cuộc thi đua, khen thưởng giữa các thôn xóm, TDP, tạo nên ngày hội trên toàn địa bàn, nhận được hưởng ứng tích cực của đa số quần chúng nhân dân.
Hà Tĩnh là một trong các địa phương có cách làm hay về thực hiện Luật Căn cước.
Nhờ những cách làm linh động, quyết liệt, từ ngày 1/7 đến nay, Công an TP Hà Tĩnh đã thu nhận 31.891 hồ sơ cấp căn cước. Trong đó, thu nhận 11.117 hồ sơ cho công dân từ 0-6 tuổi, 17.893 hồ sơ công dân từ 6-14 tuổi và 2.881 hồ sơ cho công dân trên 14 tuổi. Đặc biệt, Đồng Môn là địa phương “về đích” trên toàn tỉnh khi hoàn thành việc cấp căn cước với 3 tiêu chí. Trong đó, thu nhận 789/789 hồ sơ cấp thẻ căn cước cho công dân 0-6 tuổi, thu nhận 1.064/1.064 hồ sơ cho công dân từ 6-14 tuổi và hoàn thành thu nhận 6.255/6.255 đối với công dân từ 14 tuổi trở lên.
Công dân 6-14 tuổi đến tại Đội Cảnh sát QLHC về TTXH (Công an huyện Hương Sơn) để làm thủ tục cấp thẻ căn cước.
Trên địa bàn tỉnh, Vũ Quang cũng là đơn vị được đánh giá có kết quả nổi bật trong thực hiện đợt cao điểm. Theo Trung tá Nguyễn Huy Sơn - Đội trưởng Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an huyện Vũ Quang), bí quyết để tạo nên thành công trong thực hiện đợt cao điểm là phát huy chức năng của ban chỉ đạo chuyển đổi số cấp xã, tổ chuyển đổi số cộng đồng, đoàn thanh niên, hội phụ nữ trong công tác tuyên truyền, vận động người dân đưa con em đi làm căn cước và hướng dẫn người dân nộp hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến, kích hoạt tài khoản định danh điện tử. Chủ động chuẩn bị trang thiết bị, máy móc thu nhận và tăng cường lực lượng cho các tổ thu nhận lưu động đến công an cấp xã; phân công cán bộ khép kín giờ làm việc, tuần 7 ngày, mỗi ngày 3 ca, với phương châm “làm hết việc chứ không hết giờ”.
Sau gần 6 tháng thực hiện Luật Căn cước, toàn tỉnh đã thu nhận 429.953 hồ sơ cấp thẻ căn cước. Đặc biệt, trong đợt cao điểm, Hà Tĩnh là địa phương xếp thứ 2 toàn quốc về số lượng hồ sơ cấp căn cước (sau tỉnh Hà Nam).
Mô hình xác thực sinh trắc được triển khai tại Phòng Công chứng số 1 (Sở Tư pháp).
Ngoài việc thực hiện Luật Căn cước, Hà Tĩnh chú trọng thực hiện 44 mô hình điểm theo Đề án 06. Theo đó, toàn tỉnh đã hoàn thành triển khai 27 mô hình, tạo được nhiều giá trị lợi ích cho xã hội, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trên địa bàn như: mô hình điểm thông báo lưu trú hành khách đi xe giường nằm tại nhiều nhà xe trên địa bàn; mô hình thông báo lưu trú qua phần mềm ASM tại 308/308 cơ sở lưu trú.
Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục duy trì vị trí đứng đầu cả nước về chi trả lương hưu, chế độ BHXH không dùng tiền mặt. Theo đánh giá, 4 đơn vị cấp huyện đã đạt tỷ lệ 100% (TP Hà Tĩnh, TX Hồng Lĩnh, TX Kỳ Anh và huyện Kỳ Anh), các đơn vị còn lại đều đạt trên 97%...
Lãnh đạo Công an tỉnh, Sở Tư pháp và đại diện các sở, ngành trực tiếp trực tiếp hướng dẫn người dân thực hiện cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID.
Đặc biệt, việc triển khai cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID được Sở Tư pháp phát động vào sáng 22/10/2024 đã đánh dấu bước đi quan trọng trong tiến trình số hóa các dịch vụ công, mang lại nhiều tiện ích cho người dân. Sau gần 2 tháng triển khai, toàn tỉnh tiếp nhận 3.570 hồ sơ cấp phiếu trên ứng dụng VNeID, đạt tỷ lệ trên 60%. Với thủ tục đơn giản, nhanh chóng, thuận tiện, việc thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID tại Hà Tĩnh (từ 22/10/2024 - 30/6/2025) đã được đông đảo người dân đồng tình, ủng hộ.
Mô hình thanh toán không dùng tiền mặt đang được triển khai tại 100% cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn...
Chị Nguyễn Thị Mỹ Cảnh (trú phường Nam Hồng, TX Hồng Lĩnh) chia sẻ: “Với thủ tục đơn giản, nhanh chóng, thuận tiện, chúng tôi dễ dàng tiếp cận và thao tác thuần thục về quy trình cấp phiếu. Theo đó, người dùng tiến hành 7 bước, toàn bộ quá trình chỉ mất khoảng 15-20 phút, tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức đi lại. Những thao tác chúng tôi còn lúng túng được ĐVTN Sở Tư pháp tận tình giải thích, hướng dẫn cụ thể”.
... qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.
Đại tá Đặng Hoài Sơn - Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết: “Đề án 06 đã đi được hơn nửa chặng đường với mục tiêu hoàn thành trong năm 2025. Hà Tĩnh tiếp tục đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, nhất là 53 dịch vụ công thiết yếu đã được xác định trong Đề án 06; triển khai rộng rãi việc ứng dụng các tính năng của chip điện tử trên thẻ căn cước; thực hiện có hiệu quả các giải pháp về 44 mô hình điểm về Đề án 06”.
Phó Giám đốc Công an tỉnh cũng khẳng định, xác định việc thực hiện đề án là một trong những công tác trọng tâm, lực lượng công an quyết tâm chính trị cao trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện; tiếp tục rà soát dữ liệu thông tin cấp xã để bảo đảm dữ liệu dân cư luôn “đúng, đủ, sạch, sống”; “làm sạch” dữ liệu và duy trì thường xuyên, hằng ngày việc bổ sung, cập nhật dữ liệu dân cư; tập trung thực hiện tốt các dịch vụ công của lực lượng Công an nhân dân trên môi trường điện tử theo đúng tiến độ, cải cách triệt để các thủ tục, quy trình, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp.
Thùy Dương