Với tinh thần chủ động, đổi mới, sáng tạo, bứt phá trong thực hiện nhiệm vụ, việc triển khai Đề án 06 trên địa bàn tỉnh đã và đang tạo ra nhiều thành quả, trở thành điểm sáng, mô hình hay trong chuyển đổi số.
Ngày 6.1.2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 06 phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06). Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nòng cốt là lực lượng Công an, Đề án 06 được triển khai bài bản, khoa học, tạo nên 5 nhóm tiện ích phục vụ giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), dịch vụ công (DVC) trực tuyến trên Cổng DVC quốc gia; phát triển KT-XH; phát triển công dân số; kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư và phục vụ chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp. Đi liền với các nhóm tiện ích này, tỉnh ta triển khai 33 mô hình nhằm tạo đột phá trong thực hiện hiệu quả Đề án 06.
Cán bộ Bộ phận một cửa xã Tân Lập (Bắc Quang) giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.
Nổi bật có thể kể đến mô hình triển khai 53 DVC theo Đề án 06. Đây là 1 trong 3 mô hình thuộc nhóm tiện ích phục vụ giải quyết TTHC, DVC trực tuyến trên Cổng DVC quốc gia. Cụ thể, từ tháng 5.2023, tỉnh ta vận hành Hệ thống phần mềm VNPT iGate kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phần mềm liên thông của Bộ Công an. Trên cơ sở này, đưa hơn 1.000 TTHC lên Cổng DVC quốc gia; 193/193 xã, phường, thị trấn có điểm DVC tại bộ phận “một cửa”. 100 điểm bưu chính cấp xã được bổ sung máy tính kết nối internet, hỗ trợ công dân thực hiện DVC trực tuyến. Thông qua mô hình, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, tiện ích phục vụ giải quyết TTHC và cung cấp DVC trực tuyến. Một số tiêu chí thuộc Bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp của tỉnh trên Cổng DVC quốc gia đạt tỷ lệ cao như: Tiến độ giải quyết hồ sơ TTHC đúng hạn và trước hạn đạt 97,9%; cung cấp DVC trực tuyến đạt 81,4%; thanh toán trực tuyến đạt 89,5%; mức độ hài lòng của người dân đạt 97,7%. Riêng kết quả triển khai 25 DVC thiết yếu đạt 95,9%, vượt 25,9% so với chỉ tiêu được giao. Bên cạnh đó, tỉnh ta còn triển khai 3 mô hình số hóa, tạo lập dữ liệu dùng chung trên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ cải cách TTHC.
Để trở thành công dân số, một trong các điều kiện cần phải đáp ứng là có thẻ Căn cước công dân (CCCD), tài khoản định danh điện tử (VNeID) mức 2, tài khoản thanh toán điện tử, chữ ký số để thực hiện TTHC hay giao dịch dân sự trên môi trường điện tử… Chính bởi vậy, tỉnh ta đã triển khai mô hình đảm bảo điều kiện công dân số. Tính đến 10.9.2024, toàn tỉnh thu nhận 910.300 hồ sơ cấp thẻ CCCD, giấy chứng nhận căn cước; kích hoạt 520.794 tài khoản VNeID/662.793 nhân khẩu từ đủ 14 tuổi trở lên, đạt tỷ lệ 78,6%. Đồng thời, triển khai chữ ký số ngành Giáo dục; đăng ký tài khoản ngân hàng cho các đối tượng an sinh xã hội để nhận chi trả không dùng tiền mặt… Riêng với ứng dụng Công dân số Hà Giang, đã có hơn 21.200 lượt tải, cài đặt. Đây là kênh tổng hợp kết nối người dân, doanh nghiệp với chính quyền; hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong việc khai thác, sử dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt…
Ngoài mô hình đảm bảo điều kiện công dân số, tỉnh ta đã, đang triển khai 9 mô hình khác thuộc nhóm tiện ích phục vụ công dân số như: Chuẩn hóa xác thực tập trung (SSO); tuyên truyền chính sách, hỗ trợ pháp lý qua ứng dụng VNeID; tố giác tội phạm qua ứng dụng VNeID; triển khai tích hợp thông tin Sổ sức khỏe điện tử, Sổ lao động điện tử trên VNeID… Triển khai 10 mô hình thuộc nhóm tiện ích phát triển KT-XH theo Đề án 06 như: Khám, chữa bệnh sử dụng Qrcode, thẻ CCCD và VNeID; khám, chữa bệnh sử dụng sinh trắc học, kiosk tự phục vụ; triển khai nền tảng quản lý́ lưu trú các cơ sở có phòng cho khách du lịch thuê…
Thông qua các mô hình trên, nhiều ngành, lĩnh vực đã ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, CCCD, định danh và xác thực điện tử phục vụ phát triển KT-XH, tạo nên phương thức chuyên nghiệp, hiện đại hơn. Thay vì sử dụng thẻ bảo hiểm y tế như cách làm truyền thống thì nay, tỷ lệ sử dụng thẻ CCCD để làm thủ tục khám, chữa bệnh đạt 96,5%. Thay vì sử dụng học bạ giấy, 172/215 trường học thí điểm học bạ số ở cấp tiểu học; 60% học bạ số nộp thành công về Bộ GD&ĐT. Trước đây, việc chi trả chính sách an sinh xã hội bằng tiền mặt có thể gây nhiều bất tiện, tiềm ẩn rủi ro tài chính thì nay dần được thay thế hiện đại, tiện ích hơn thông qua tài khoản ngân hàng, thực hiện chi trả không dùng tiền mặt. Trên địa bàn tỉnh hiện có 53.716 đối tượng thuộc diện hưởng chế độ an sinh xã hội, trong đó 33.850 đối tượng đã được cấp tài khoản. Tại kỳ chi trả tháng 9 vừa qua, cơ quan chuyên môn đã chi trả số tiền gần 23,4 tỷ đồng qua tài khoản ngân hàng cho đối tượng thụ hưởng chính sách an sinh xã hội.
Đặc biệt, tính đến 5.9.2024, thông qua ứng dụng VNeID, toàn tỉnh ghi nhận 346 tin báo, tố giác tội phạm. Ngoài các mô hình trên, tỉnh ta còn có 5 mô hình thuộc nhóm phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp đang được triển khai thực hiện liên quan đến: Phân tích tình hình dân cư, trật tự, an toàn xã hội, tình hình du lịch thông qua lưu trú; triển khai Trung tâm Giám sát an ninh mạng (SOC); tổ chức đào tạo, tập huấn an ninh, an toàn, bảo mật thông tin cho người sử dụng cuối.
Với quan điểm: Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm của chuyển đổi số, hiện nay tỉnh ta tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và Nhân dân, triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp theo Đề án 06; đẩy mạnh thực hiện 33 mô hình hiện có. Qua đó, không chỉ tạo đột phá trong thực hiện Đề án 06 mà còn thúc đẩy mạnh mẽ phong trào chuyển đổi số sâu rộng, hiệu quả trên địa bàn tỉnh.
Bài, ảnh: THU PHƯƠNG