Sau 3 năm thực hiện Đề án “Phát huy vai trò của lực lượng Quân đội nhân dân tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động Nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở giai đoạn 2022 - 2027” (Đề án 1371) đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần xây dựng tinh thần thượng tôn pháp luật cho cán bộ, chiến sĩ, Nhân dân và đảm bảo tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
Ban Chỉ đạo Đề án 1371 tỉnh Đồng Tháp tổ chức tuyên truyền pháp luật bằng hình thức sân khấu hóa tại Trung đoàn bộ binh 320
Để cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ và đưa Đề án 1371 đi vào cuộc sống, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Đề án 1371 tỉnh Đồng Tháp xác định việc khảo sát nhu cầu các nhóm đối tượng, địa bàn dân cư để có nội dung phù hợp tuyên truyền, vận động người dân chấp hành pháp luật là khâu quan trọng với phương châm tuyên tuyền những nội dung pháp luật mà người dân cần.
Ban Chỉ đạo Đề án 1371 của các huyện, thành phố triển khai đồng bộ, sâu rộng cả về nội dung và hình thức tổ chức; cấp ủy, chỉ huy cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là lực lượng Quân đội phát huy tốt vai trò trong lãnh đạo, điều hành công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) tại cơ sở. Qua khảo sát của Bộ CHQS tỉnh, hầu hết cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ và quần chúng nhân dân có nhu cầu cao về tìm hiểu pháp luật, tham gia tuyên truyền, PBGDPL tại cơ sở; 100% cán bộ, công chức, viên chức và quần chúng nhân dân đồng tình, hài lòng với nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền, PBGDPL. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức chấp hành pháp luật, giảm bớt tình trạng vi phạm pháp luật, đồng thời nâng cao trách nhiệm cho cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của địa phương.
Qua 3 năm thực hiện Đề án 1371, Bộ CHQS tỉnh phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương tham mưu UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo công tác PBGDPL mang lại hiệu quả thiết thực. Trong đó, Bộ CHQS tỉnh và Ban Chỉ đạo Đề án 1371 của các huyện, thành phố phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức hơn 330 buổi tuyên truyền, PBGDPL và trợ giúp pháp lý lưu động thu hút gần 42.000 lượt cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, hội viên, sinh viên, học sinh và Nhân dân tham gia; biên soạn hàng trăm đề cương, tài liệu tuyên truyền các luật, văn bản dưới luật; in và cấp hơn 50.000 tờ rơi, tờ gấp phục vụ công tác tuyên truyền; hệ thống tủ sách, ngăn sách pháp luật ở các đơn vị cơ sở được củng cố, bổ sung; tổ chức nhiều cuộc thi tìm hiểu pháp luật thu hút hàng chục nghìn lượt người tham gia.
Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai thực hiện Đề án 1371, có nhiều cách làm hay, sáng tạo được vận dụng hiệu quả như: giới thiệu các văn bản pháp luật bằng hình thức trình chiếu kết hợp hình ảnh, phim tư liệu; giới thiệu văn bản luật trên website, ứng dụng (App), mạng xã hội; triển khai các mô hình “Tổ tư vấn tâm lý, pháp lý”, “Mỗi tuần học một điều luật”, “Mỗi tuần một câu hỏi, một đáp án”... mang lại hiệu quả thiết thực.
Đại tá Dương Công Sang - Chính ủy Bộ CHQS tỉnh, đánh giá: “Qua 3 năm thực hiện Đề án 1371 đã góp phần xây dựng tinh thần thượng tôn pháp luật, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, hội viên, sinh viên, học sinh và Nhân dân, nhất là địa bàn trọng yếu, vùng sâu, vùng xa và biên giới”.
Trong thời gian tới, các ngành, các cấp tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Đề án 1371; chú trọng, tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, chấn chỉnh, rút kinh nghiệm, khắc phục mặt yếu, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc ở cơ sở. Cùng với đó, thường xuyên củng cố, kiện toàn, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên và cộng tác viên pháp luật; nghiên cứu, đổi mới, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác PBGDPL.
Dương Út