Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, dự thảo Đề án quốc gia “Từng bước đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học giai đoạn 2025-2035, tầm nhìn đến năm 2045” đặt mục tiêu chung là tiếng Anh được sử dụng rộng rãi, thường xuyên trong giao tiếp, học tập, nghiên cứu, làm việc, để từng bước trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học; nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh đáp ứng nhu cầu học tập và làm việc, tăng cường năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực trong thời kỳ mới, góp phần vào công cuộc phát triển và vươn mình của đất nước.
Đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học là một bước đi quan trọng
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hạnh - Trưởng khoa Ngôn ngữ Anh, Trường Đại học Hòa Bình chia sẻ, nhiệm vụ trên là vô cùng quan trọng, có ý nghĩa chiến lược trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Tiếng Anh không chỉ là một công cụ giao tiếp mà còn là chìa khóa giúp học sinh tiếp cận tri thức, công nghệ và mở ra nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp trong tương lai.
Khi thực hiện được nhiệm vụ trên sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Người học dễ dàng tiếp cận tri thức toàn cầu, tài liệu nghiên cứu và kiến thức từ các quốc gia phát triển, những nền văn hóa và công nghệ tiên tiến.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, có thể nhận thấy vẫn còn một số hạn chế nhất định trong quá trình triển khai như sự chênh lệch giữa các vùng miền, Ở các thành phố lớn, điều kiện dạy và học tiếng Anh khá tốt, nhưng ở các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, chất lượng giảng dạy vẫn chưa đồng đều do thiếu giáo viên đạt chuẩn và hạn chế về cơ sở vật chất.
Bên cạnh đó, về chất lượng đội ngũ giáo viên, mặc dù hiện nay đã có nhiều nỗ lực trong việc nâng cao trình độ giáo viên. Họ không chỉ là người truyền đạt kiến thức, mà còn định hướng, tạo động lực cho học sinh. Tuy nhiên vẫn còn một số thầy cô chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu về năng lực ngôn ngữ và phương pháp giảng dạy hiện đại.
Đồng thời, phương pháp giảng dạy còn thiên về lý thuyết, phần lớn học sinh vẫn học tiếng Anh để phục vụ thi cử, chưa có nhiều cơ hội rèn luyện kỹ năng giao tiếp trong môi trường thực tế. So với nhiều quốc gia khác, thời gian học tiếng Anh trong chương trình phổ thông ở Việt Nam vẫn chưa đủ để học sinh có thể sử dụng ngôn ngữ này một cách tự nhiên.
Vì vậy, để đạt được mục tiêu trên, cần có một lộ trình rõ ràng và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp quản lý giáo dục, nhà trường, giáo viên và phụ huynh. Khuyến khích tổ chức các hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ tiếng Anh, hội thảo, cuộc thi hùng biện cũng như ứng dụng công nghệ như phần mềm học tiếng Anh, trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ việc tự học và phát triển kỹ năng giao tiếp.
Ngoài ra, cần đầu tư cơ sở vật chất cho các trường ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa để đảm bảo điều kiện dạy và học. Xây dựng các chương trình học trực tuyến miễn phí, kết nối giáo viên giỏi với học sinh ở những khu vực này.
Sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh, Trường Đại học Hòa Bình. Ảnh minh họa
Đồng quan điểm, theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Loan - Trưởng khoa Tiếng Anh, Trường Ngoại ngữ, Đại học Thái Nguyên, việc triển khai chương trình này cũng gặp phải một số hạn chế.
Thứ nhất, đội ngũ giáo viên còn thiếu về số lượng và chất lượng, đặc biệt là giáo viên có khả năng giảng dạy ở các cấp độ cao, từ cấp độ 4 trở lên.
Thứ hai, cơ sở vật chất và tài liệu giảng dạy vẫn chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu, nhiều trường còn thiếu các thiết bị hỗ trợ học tiếng Anh hiệu quả.
Thứ ba, vẫn còn sự thiếu đồng bộ trong các phương pháp giảng dạy và chương trình học, khiến cho việc tiếp cận tiếng Anh không đồng đều giữa các trường và các khu vực khác nhau.
Vì vậy, theo cô Loan, để khắc phục những khó khăn trên, hướng tới mục tiêu từng bước đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2, cần thực hiện một số biện pháp cụ thể như chú trọng đào tạo và bồi dưỡng giáo viên. Đầu tư vào việc đào tạo đội ngũ giáo viên tiếng Anh chất lượng cao, đặc biệt là giáo viên có khả năng giảng dạy bằng tiếng Anh ở các môn học khác. Hỗ trợ giáo viên tham gia các khóa học nâng cao và kiểm tra chứng chỉ quốc tế.
Xây dựng chương trình học đồng bộ, các chương trình học cần được thiết kế để tăng cường khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh từ những lớp đầu tiên, kết hợp giữa học ngôn ngữ và các kỹ năng thực tế. Đảm bảo chương trình giảng dạy đáp ứng được yêu cầu của từng cấp học và phù hợp với nhu cầu thực tế của học sinh, sinh viên.
Còn theo cô Tô Thụy Diễm Quyên, chuyên gia giáo dục toàn cầu, phổ cập tiếng Anh không chỉ là nhiệm vụ của ngành giáo dục mà cần sự phối hợp từ nhiều ban ngành khác nhau. Cần tạo ra môi trường sử dụng tiếng Anh hàng ngày, không chỉ trong trường học, mà còn ở các nơi công cộng như bệnh viện, bến xe, trên các phương tiện giao thông công cộng... Việc này sẽ giúp người dân tiếp cận tiếng Anh thường xuyên và dễ dàng hơn. Tuy nhiên, để phổ cập tiếng Anh toàn dân còn phụ thuộc vào sự quyết tâm của các bộ, ban ngành.
Cần lộ trình triển khai cần rõ ràng và phù hợp với điều kiện thực tế
Dự thảo Đề án quy định có 6 cấp độ nhà trường triển khai tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai tại Việt Nam. Trong đó có mục tiêu cụ thể, ở bậc đại học, phấn đấu 100% các trường đại học triển khai tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai theo cấp độ 4, cấp độ 5, cấp độ 6.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Hạnh, để thực hiện mục tiêu này, các trường đại học cần có một kế hoạch đồng bộ và lộ trình cụ thể.
Trước hết, cần xây dựng chuẩn đầu ra rõ ràng, trong đó quy định mức độ sử dụng tiếng Anh trong chương trình đào tạo, đảm bảo sinh viên khi tốt nghiệp đạt tối thiểu B2 theo CEFR (Khung Tham chiếu Trình độ ngôn ngữ chung Châu Âu) hoặc tương đương IELTS 5.5-6.0. Đối với một số ngành có tính quốc tế, có thể yêu cầu sinh viên đạt C1 hoặc IELTS 7.0.
Bên cạnh đó, việc tích hợp tiếng Anh vào chương trình học là rất quan trọng, bao gồm tăng số lượng môn học giảng dạy bằng tiếng Anh, đặc biệt trong các lĩnh vực như Kinh tế, Công nghệ, Khoa học, cũng như phát triển các khóa học trực tuyến bằng tiếng Anh để sinh viên có cơ hội học từ các giảng viên quốc tế.
Đồng thời, các trường cần tạo môi trường sử dụng tiếng Anh thực tế thông qua việc mở rộng chương trình trao đổi sinh viên với các trường đại học nước ngoài, tổ chức các hội thảo học thuật và nghiên cứu khoa học bằng tiếng Anh nhằm khuyến khích sinh viên sử dụng ngôn ngữ này thường xuyên hơn.
Ngoài ra, cần có chính sách hỗ trợ giảng viên nâng cao trình độ, tạo điều kiện để họ tham gia các khóa học giảng dạy bằng tiếng Anh, cũng như khuyến khích giảng viên công bố nghiên cứu trên các tạp chí quốc tế nhằm xây dựng môi trường học thuật chuẩn quốc tế trong trường đại học.
Ảnh minh họa. Website Trường Ngoại ngữ, Đại học Thái Nguyên.
Cùng bàn về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Loan chia sẻ, cần tiến hành khảo sát và đánh giá mức độ sẵn sàng của các trường đại học trong việc triển khai tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai, bao gồm đánh giá đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất và tài liệu giảng dạy.
Bên cạnh đó, cần có các chương trình đào tạo chuyên sâu cho giảng viên không chỉ về ngôn ngữ mà còn về phương pháp giảng dạy bằng tiếng Anh, đặc biệt là đối với các môn học chuyên ngành. Các chương trình học tại các trường đại học cũng cần được thiết kế lại để giảng dạy bằng tiếng Anh cho các môn học chuyên ngành, đồng thời tăng cường các khóa học tiếng Anh chuyên sâu cho sinh viên.
Đề xuất, góp ý một số nội dung cho dự thảo Đề án quốc gia "Từng bước đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học", Tiến sĩ Nguyễn Thị Hạnh cho rằng, đề án cần có lộ trình triển khai rõ ràng và phù hợp với điều kiện thực tế, trong đó nên có giai đoạn thí điểm tại một số trường trước khi nhân rộng trên cả nước. Cần xác định cụ thể các cấp học sẽ đạt trình độ nào theo để xây dựng kế hoạch giảng dạy phù hợp.
Bên cạnh đó, việc đào tạo giáo viên đóng vai trò quan trọng, do đó đề án cần có chính sách hỗ trợ giáo viên nâng cao trình độ tiếng Anh, bao gồm tài trợ chi phí học tập và thi chứng chỉ quốc tế, đồng thời mở rộng cơ hội tham gia các chương trình giảng dạy trao đổi với nước ngoài.
Việc ứng dụng công nghệ vào giảng dạy tiếng Anh cũng cần được chú trọng thông qua việc xây dựng một nền tảng học tiếng Anh quốc gia với tài liệu chuẩn, bài giảng tương tác và công nghệ AI hỗ trợ phát âm, đồng thời cung cấp tài nguyên học tập miễn phí cho học sinh ở vùng khó khăn nhằm thu hẹp khoảng cách giữa các khu vực.
Ngoài ra, cần khuyến khích học sinh sử dụng tiếng Anh ngoài lớp học bằng cách đưa ngôn ngữ này vào các hoạt động ngoại khóa, tổ chức các cuộc thi và sự kiện học thuật bằng tiếng Anh để tạo môi trường thực hành thường xuyên.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Loan cho rằng, đề án cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm của không chỉ người dạy và người học, mà còn có các đối tượng liên quan; hướng dẫn lồng ghép đưa tiếng Anh vào trường học theo từng cấp độ, đối với từng môn học khác nhau.
Đồng thời, cần thực hiện các chính sách ưu đãi cho các trường học có thành tích tốt trong việc triển khai tiếng Anh có thể được nhận thêm các nguồn lực hỗ trợ, như tài trợ, cơ sở vật chất, hoặc hợp tác quốc tế.
Thu Trang