Hoàn thành 2.000/4.500 phòng học
Tại buổi làm việc, ông Trần Khắc Huy, Trưởng Phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết, giai đoạn 2021-2025, lĩnh vực giáo dục được bố trí tổng cộng 18.288 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 10,6% tổng vốn đầu tư công của thành phố. Dự kiến đến cuối năm 2025, toàn thành phố có thêm 2.000 phòng học mới đưa vào sử dụng, trong đó có 1.200 phòng học từ vốn đầu tư công và 800 phòng học từ nguồn xã hội hóa.
Học sinh Trường THCS Lý Tự Trọng (quận Gò Vấp, TPHCM) trong giờ học môn tiếng Anh. Ảnh: MINH THƯ
“Khi thực hiện Đề án xây dựng 4.500 phòng học, trong tổng số 276 dự án thì 142 dự án đã được thông qua chủ trương đầu tư, 134 dự án còn vướng hồ sơ pháp lý. Mặc dù các sở, ban, ngành, địa phương đều nỗ lực, tập trung cao độ thực hiện nhưng nhìn chung tiến độ triển khai các công trình còn chậm, số phòng học hoàn thành đưa vào sử dụng chưa đạt mục tiêu đề ra”, ông Trần Khắc Huy báo cáo.
Lý giải nguyên nhân khiến nhiều dự án chậm triển khai thực hiện, đại diện Sở GD-ĐT TPHCM cho hay, giai đoạn đầu tư công trung hạn 2021-2025 chịu ảnh hưởng lớn bởi sự thay đổi của hệ thống pháp luật liên quan các vấn đề đầu tư công, công tác quy hoạch, đất đai, các điều kiện về môi trường, giao thông...
Nhiều dự án xây dựng trường được quy hoạch trên đất phải thực hiện công tác thu hồi, bồi thường, giải phóng mặt bằng, quy trình thực hiện nhiều bước, giá cả biến động theo các quy định cập nhật mới dẫn đến nhu cầu vốn đầu tư tăng cao. Riêng các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công - tư, do chưa có tiền lệ, quy định và hướng dẫn chưa cụ thể nên còn nhiều khó khăn trong việc thu hút các nhà đầu tư. Thành phố cũng chưa có các chính sách ưu đãi, hỗ trợ hấp dẫn để thu hút và huy động các nguồn lực xã hội.
Theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Dương Trí Dũng, hiện nay chương trình vay kích cầu chưa đủ sức thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực giáo dục. Nguyên nhân là do trường công lập ràng buộc về cơ chế tài chính dẫn đến nguồn thu hạn chế, trong khi trường tư thục lại thiếu tính ổn định về pháp lý. Ngoài ra, toàn thành phố chỉ có một số khu vực thu hút đầu tư cao như TP Thủ Đức, quận 7 do đặc thù về điều kiện kinh tế và dân cư. Chủ trương xã hội hóa chủ yếu tập trung ở bậc mầm non và cấp THPT; trong khi đó, ở bậc tiểu học và cấp THCS, người dân chưa mặn mà với loại hình trường tư thục. Nhìn chung, chương trình hỗ trợ lãi suất chưa phù hợp với khối phổ thông do khả năng thu hồi vốn thấp, kém thu hút nhà đầu tư.
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án
Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM Cao Thanh Bình bày tỏ, việc chậm trễ đưa vào khai thác các công trình xây dựng trường lớp khiến tăng áp lực chi thường xuyên cho ngân sách, cũng như không giải quyết kịp thời bài toán nhu cầu về trường lớp cho người dân. “Tôi đề nghị các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan mạnh dạn kiến nghị, đề xuất, tập trung đưa ra các giải pháp. Trong quá trình tháo gỡ khó khăn, cần xây dựng tiêu chí, quy trình xử lý đối với những nhóm công trình cụ thể để đảm bảo tính công khai, minh bạch, đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện”, ông Cao Thanh Bình phát biểu.
Đặc biệt, trong bối cảnh cả nước đang thực hiện tinh giản bộ máy hành chính, có thể tính toán các vị trí đất được thu hồi để đầu tư cho giáo dục, tranh thủ các nguồn nhân lực, vật lực, tài lực để đảm bảo mục tiêu xây dựng trường lớp.
Để tháo gỡ khó khăn, Sở GD-ĐT TPHCM kiến nghị UBND TPHCM giao UBND TP Thủ Đức và 21 quận, huyện đẩy nhanh tiến độ thẩm định và phê duyệt các đồ án điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000, 1/500, quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị đối với các công trình có xây dựng tầng hầm để các dự án thuận lợi triển khai.
Ngoài ra, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND TP Thủ Đức và 21 quận, huyện rà soát, xây dựng phương án tổ chức, sắp xếp nhà đất để tăng quỹ đất đầu tư cho giáo dục. Bên cạnh đó, xử lý trách nhiệm các nhà đầu tư đã được thành phố giao đất và chấp thuận chủ trương đầu tư tại các khu dân cư mới nhưng chưa thực hiện nghĩa vụ đầu tư theo cam kết quy hoạch.
Ông VÕ QUỐC BẢO, Giám đốc Ban điều hành 3, Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TPHCM:
Nhiều dự án sửa chữa trường lớp đang gặp vướng mắc do dù chỉ cải tạo một hạng mục nhỏ nhưng phải đánh giá tổng thể toàn bộ công trình. Chúng tôi đề xuất có hướng giải quyết linh hoạt để tháo gỡ khó khăn. Riêng đối với các dự án đầu tư xây mới trường học phải bố trí phòng học tạm cho học sinh, phương án ưu tiên là “mượn” công trình lân cận làm chỗ học tạm.
Trường hợp không thể bố trí chỗ học tạm thì chấp nhận phương án vừa thi công vừa tổ chức dạy học, chấp nhận kéo dài thời gian thi công và tăng tổng vốn đầu tư xây dựng nhưng phải đảm bảo an toàn cho học sinh, tính toán phương án thi công ngoài giờ, không làm ảnh hưởng việc dạy và học.
THU TÂM