Vùng đất Thủ Dầu Một - Bình Dương có vị trí chiến lược quan trọng, án ngữ phía Bắc của Sài Gòn. Vì vậy trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đây là chiến trường rất ác liệt. Để giành lại từng tấc đất từ tay giặc, hàng triệu người con ưu tú của đất nước hình chữ S này đã vĩnh viễn nằm xuống. Và mãi đến hôm nay, còn rất nhiều hài cốt liệt sĩ vẫn chưa được tìm thấy. Với tình cảm và trách nhiệm tri ân, hành trình tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ vẫn đang là “mệnh lệnh” từ trái tim với cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh nói riêng và Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Bình Dương nói chung.
Người dân đồng tình…
Trong những năm qua, kế thừa, phát huy truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc, Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đề ra nhiều chủ trương, giải pháp tích cực, toàn diện trong thực hiện chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, hậu phương quân đội và người có công với cách mạng, nhất là công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ (HCLS). Đây không chỉ thể hiện bản chất của chế độ xã hội tốt đẹp, mà còn là tấm lòng thành kính, tình cảm thiêng liêng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nhằm tri ân công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ đã chiến đấu, hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân, góp phần xoa dịu nỗi đau chiến tranh và đáp ứng nguyện vọng thiết tha của đồng bào cả nước.
Triển khai công tác tìm kiếm, quy tập HCLS ở thị trấn Dầu Tiếng
Đặc biệt, công tác tìm kiếm, quy tập HCLS đã nhận được sự đồng tình của nhân dân. Điển hình như ông Huỳnh Văn Trung, chủ vườn cao su ở ấp Chòi Dúng, xã Bình Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên, sẵn sàng san lấp mấy ngàn m2 cao su đang thu hoạch để các lực lượng đào bới tìm kiếm HCLS. Ông Huỳnh Văn Trung, chia sẻ: “Vườn cây đang cho thu hoạch, được chính quyền địa phương vận động cưa cây, đào bới ai cũng xót. Tuy nhiên, vì việc lớn, các anh hùng đã không tiếc máu xương cho độc lập dân tộc, giải phóng đất nước, mình thế hệ con cháu, thừa hưởng những điều quý giá từ cha ông để lại thì hà cớ gì không tự nguyện làm việc có ý nghĩa”.
Hay mới đây, 3 gia đình ở thị trấn Dầu Tiếng, huyện Dầu Tiếng, gồm gia đình ông Hoàng Văn Nơi, khu phố 4A và gia đình ông Nguyễn Tấn Lộc, ông Nguyễn Ngọc Sang, khu phố 4B thị trấn Dầu Tiếng đã bàn giao diện tích hơn 4.000m2 cho Ban Chỉ đạo 515 tỉnh Bình Dương để quy tập HCLS. Ông Nguyễn Ngọc Sang, chủ đất chia sẻ: “Khi được chính quyền địa phương thông báo khu đất của chúng tôi có mộ liệt sĩ tập thể. Là người dân chúng tôi hoàn toàn đồng tình. Điều chúng tôi mong muốn nhất lúc này là tìm thấy HCLS để các anh được về với gia đình”.
Để nâng cao hiệu quả công tác tìm kiếm, quy tập HCLS, Ban Chỉ đạo 515 tỉnh yêu cầu các cấp, ngành, địa phương, nòng cốt là Bộ CHQS tỉnh phối hợp triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động mọi nguồn lực, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân để thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng này. Trong đó, tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với công tác tìm kiếm, quy tập HCLS; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú; thường xuyên kiện toàn tổ chức, lực lượng, bổ sung phương tiện, trang bị, nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động tìm kiếm, quy tập HCLS trên các địa bàn; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, lực lượng; tiếp tục mở rộng quan hệ, tăng cường hợp tác quốc tế về tìm kiếm, quy tập HCLS…
Thời tiết miền Nam những ngày tháng 3 cao điểm nắng nóng, nhưng các lực lượng tìm kiếm, quy tập HCLS vẫn nêu cao tinh thần trách nhiệm, khẩn trương triển khai tìm kiếm một cách cẩn thận và tỉ mĩ. Hiện nay, khu đất này đã được đào bới, tuy nhiên đáng tiếc đến thời điểm này vẫn chưa tìm thấy dấu vết của mộ chôn tập thể liệt sĩ. Thiếu tá Trần Chí Dũng, cán bộ Ban chính sách Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh, người trực tiếp tham gia tìm kiếm, quy tập nhiều HCLS chia sẻ chiến tranh đã qua nửa thế kỷ, chiến trường năm xưa giờ thành nhà máy, xí nghiệp, rừng cao su bạt ngàn. Những đổi thay về địa hình, địa vật và tác động của thời tiết, khí hậu, cộng với việc các liệt sĩ bị kẻ địch vùi lấp sơ sài đã khiến cho việc tìm kiếm HCLS gặp vô vàn khó khăn. Thế nhưng, bằng tất cả sự kính trọng, tình cảm và tinh thần trách nhiệm cao, các lực lượng tham gia quy tập vẫn khắc phục khó khăn, tiến hành tìm kiếm thận trọng, tỉ mỉ.
“Mỗi khi tìm thấy một bộ phận hài cốt, anh em chúng tôi vô cùng vui mừng, xúc động vì đã đúng hướng tìm kiếm, nhưng ai nấy đều không khỏi xót xa, tiếc thương cho các anh đã nằm lại nơi này. Điều đáng tiếc là hầu hết không tìm được thân nhân cho những người đã ngã xuống, bởi thời gian đã quá lâu, dấu tích về danh tính liệt sĩ đã không còn....”, Thiếu tá Trần Chí Dũng chia sẻ.
Thời gian không chờ đợi
Mặc dù tìm kiếm, quy tập HCLS đã đạt được nhiều kết quả tích cực, song phải khẳng định, công tác tìm kiếm, quy tập HCLS trong thời gian tới sẽ gặp rất nhiều khó khăn, cần tiếp tục có thêm giải pháp mới. Đại tá Nguyễn Đình Chuẩn, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh cho biết, trong thời gian tới, nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập HCLS được tiếp tục xác định là việc làm thường xuyên, liên tục, lâu dài nhưng sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Bởi số lượng HCLS cần tìm kiếm, quy tập còn nhiều, trong khi thông tin về liệt sĩ và mộ liệt sĩ ngày càng ít. Nhân chứng tuổi ngày càng cao, trí nhớ giảm. Địa hình nhiều thay đổi, giờ thành những nhà máy, xí nghiệp và những cánh rừng cao su bạt ngàn… Bên cạnh đó, thời gian an táng đã lâu, nhiều hài cốt đã bị phân hủy ở mức độ cao, chưa xác định được thân nhân liệt sĩ, vì thế việc giám định ADN để xác định danh tính HCLS cũng là một thách thức vô cùng lớn. Song, còn thông tin liệt sĩ là sẽ còn nỗ lực tìm kiếm, càng khó càng phải làm, thời gian không chờ đợi!
Công tác tìm kiếm, quy tập HCLS đã, đang và sẽ tiếp tục tiến hành để góp phần xoa dịu nỗi đau cho thân nhân các liệt sĩ… Tìm kiếm, quy tập HCLS không chỉ là trách nhiệm mà còn là “mệnh lệnh” từ trái tim thôi thúc mỗi con người Việt Nam. Đây là nhiệm vụ có ý nghĩa chính trị - xã hội, nhân văn sâu sắc, thể hiện truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc ta. Ngày nào hài cốt của các liệt sĩ chưa được tìm thấy thì vẫn còn trăn trở, day dứt, lòng chưa yên…
Cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh làm việc không kể ngày đêm để hoàn thành việc cất bốc HCLS trong thời gian sớm nhất
‘‘Quá trình tổ chức tìm kiếm của chúng tôi hết sức tỉ mỉ, cẩn thận, tránh trường hợp tìm qua rồi mà không phát hiện được. Dù đã nhiều lần tham gia công tác tìm kiếm, quy tập HCLS nhưng lần tìm kiếm nào cũng để lại trong chúng tôi rất nhiều cảm xúc...”.
(Thiếu tá Trần Chí Dũng, cán bộ Ban chính sách Bộ CHQS tỉnh Bình Dương)
THU THẢO