Tại Thủ đô, các tuyến đường Hồ Tùng Mậu, Phạm Hùng, Xuân Thủy có lưu lượng phương tiện qua lại đông đúc. Nhu cầu đi bộ sang đường của người dân tại các khu vực này cũng ngày càng gia tăng vì có nhiều trường đại học, khu dân cư, nhà tập thể, chợ dân sinh. Tuy nhiên, với mật độ phương tiện cao, tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên diễn ra thì việc người đi bộ băng cắt qua đường tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn. Trong bối cảnh đó, cầu vượt bộ hành ra đời như một biện pháp hữu hiệu giúp người đi bộ yên tâm sang đường, từ đó góp phần hạn chế xung đột giao thông trong thành phố.
Cầu vượt đi bộ trên đường Hồ Tùng Mậu (gần nút giao với phố Trần Bình, quận Cầu Giấy).
Tuy nhiên, bên cạnh những cây cầu đi bộ đang phát huy hiệu quả, vẫn còn tồn tại nhiều cây cầu vượt hiện đại, khang trang nhưng vắng bóng người qua lại. Trong khi đó, cách vị trí cầu vượt đi bộ không xa, nhiều người vẫn bất chấp nguy hiểm để băng qua đường.
Tại cầu vượt đi bộ đoạn đầu đường Hồ Tùng Mậu (gần nút giao với phố Trần Bình, quận Cầu Giấy), tuy trong khung giờ cao điểm nhưng số người đi trên cầu vượt lại khá ít. Theo quan sát của phóng viên, trong vòng nửa giờ đồng hồ, tại điểm cầu vượt này chỉ có khoảng 20-30 người lên, xuống cầu; nhiều người dù đứng ngay dưới chân cầu nhưng vẫn bất chấp băng ngang đường, trong đó có cả các phụ huynh dắt con nhỏ đi xuyên qua dòng xe cộ đông đúc. Theo khảo sát, người đi bộ sang đường không đúng quy định vì những lý do như tiện, lười đi lên cầu..., điều này cho thấy ý thức của người dân trong việc chấp hành các quy định về an toàn giao thông là chưa cao.
Tại Điều 10, Nghị định số 168/2024/NĐ-CP "Quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe" đã chỉ rõ, đối với hành vi đi bộ không đúng phần đường quy định, vượt qua dải phân cách, đi qua đường không đúng nơi quy định sẽ bị phạt tiền từ 150.000-250.000 đồng. Tuy nhiên, để công tác xử lý vi phạm đạt hiệu quả, trước tiên cần quan tâm đến việc tổ chức hành lang ưu tiên cho người đi bộ. Tại nhiều khu vực dưới chân cầu vượt đi bộ, vẫn còn tình trạng rác thải vứt bừa bãi, quán ăn, quán trà đá lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh. Phía trên cầu xuất hiện tình trạng người dân tụ tập để ăn uống, hẹn hò; còn những cây cầu có mái che, kín gió thì trở thành chỗ trú tạm bợ của nhiều người vô gia cư. Những điều này khiến người đi bộ thường có tâm lý e ngại khi phải đi qua cầu.
Để cầu vượt đi bộ thực sự phát huy hiệu quả thì các cơ quan quản lý cần chú trọng bảo đảm cảnh quan, trật tự không gian xung quanh, tạo môi trường xanh-sạch-đẹp để thu hút người dân, từ đó tạo thói quen sử dụng. Đồng thời, cần tăng cường xử lý triệt để các hành vi cố tình lấn chiếm, sử dụng cầu vượt đi bộ vào các mục đích kinh doanh trái phép.
Bài và ảnh: QUỲNH ANH
* Mời bạn vào chuyên mục Pháp luật xem các tin, bài liên quan.