Đế chế Barrìere - bi kịch một gia đình

Đế chế Barrìere - bi kịch một gia đình
3 giờ trướcBài gốc
Tập đoàn Barrìere xứng đáng với danh hiệu “đế chế”. Và trong lòng đế chế nào cũng có một câu truyện vấy máu về cuộc tranh giành quyền lực giữa người trong gia đình.
Như một bộ phim
Câu chuyện bắt đầu vào năm 1980 tại Paris. Dominique Desseigne là một chàng công chứng viên 36 tuổi nổi tiếng trong thế giới đêm Paris nhờ ngoại hình điển trai và tài sát gái. Dominique từng đánh cược với hai người bạn thân Thierry Roussel và Philippe Junot rằng sẽ lấy bà vợ giàu nhất thế giới. Roussel sau này lấy Christina Onassis, con gái duy nhất của tỷ phú hàng hải Hy Lạp Aristotle Onassis. Junot thì trở thành chồng của công chúa Caroline xứ Monaco (chị gái thân vương Albert II). Riêng Dominique thì số mệnh đã đưa ông đến với Diane Barrìere, con gái của tỷ phú cờ bạc Lucien Barrìere.
Dominique Desseigne và Alexandre Barrìere.
“Đế chế” Barrìere xuất phát từ một sòng bài tại Deauville. Ông chủ đầu tiên của sòng bài là Eugène Cornudet mất mà không có ai nối dõi. Người đồng nghiệp Francois André liền thế chỗ Cornudet cai quản sòng bài. André có công trong việc phát triển Deauville từ chỗ chỉ là một thị xã nhỏ ở Normandie thành điểm đến du lịch biển hàng đầu tại miền bắc nước Pháp. Thế nhưng cũng đến lượt André mất mà không có người nối dõi. Quyền điều hành công ty của ông rơi vào tay người cháu Lucien Barrìere gọi André bằng chú.
Lucien Barrìere đưa đế chế cờ bạc-du lịch Barrìere lên một tầm cao mới. Vợ của Lucien là nữ nghệ sỹ xiếc Martha Szentgyorgyi người Hungary. Bà này vốn đã có một người con gái riêng tên Diane. Diane và Dominique Desseigne cưới nhau vào năm 1984. Hai người lần lượt có một người con trai tên Alexandre (1987) và một người con gái tên Joy (1990). Sau khi Lucien Barrìere mất năm 1990, bà Diane thay cha dượng giữ chức chủ tịch tập đoàn Barrìere.
Bà Diane gặp một tai nạn thương tâm vào năm 1995. Trên đường bay trở về Pháp sau khi gặp gỡ tình nhân ở Las Vegas (Mỹ), máy bay chở nữ CEO rơi tại vùng Vendeé. Bà Diana may mắn sống sót nhưng bị bỏng cấp độ ba đến 75% cơ thể. Sau hơn 80 cuộc phẫu thuật, bà Diana bị liệt toàn thân và sống thêm được sáu năm nữa trong đau đớn.
Ngôi biệt thự tại Villa Montmorency (“khu phố triệu phú” của Paris) vừa là nhà của Dominique Desseigne, vừa là trụ sở công ty quản lý tài sản của gia đình Barrìere. Ông Dominique lựa chọn ngôi biệt thự yên tĩnh làm nơi an dưỡng cho vợ sau vụ tai nạn rồi biến nó trở thành một bệnh viện thu nhỏ. Theo lời kể của những người trong cuộc thì người chồng dành toàn bộ thời gian bên vợ mình. Ông Dominique không những chăm sóc những cái nhỏ nhất của vợ mình mà còn giúp bà điều hành công ty từ trên giường bệnh.
Bà Diane biết mình không sống lâu nên đã làm hết các thủ tục chuyển giao tài sản thừa kế cho con mình. Sau khi bà mất, Alexandre và Joy trở thành chủ sở hữu tập đoàn Barrìere, còn ông Dominique đóng vai trò người quản lý tài sản của con mình. Trong hơn 20 năm giữ chức CEO Barrìere, ông Dominique đã trở thành một doanh nhân đáng gờm. Barrìere trở thành thương hiệu quốc tế là nhờ ông. Người giàu ở bất kỳ quốc gia nào khi bước vào sòng bạc, khách sạn hay khu resort Barrìere cũng có thể tự tin rằng họ sẽ được đón tiếp chẳng kém gì quý tộc châu Âu. Đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Barrìere là tập đoàn Partouche cũng phải chịu khuất phục. Ước tính doanh số của tập đoàn Barrìere đã tăng gấp sáu lần kể từ khi ông Dominique lên nhậm chức.
Alexandre Desseigne gia nhập tập đoàn Barrìere vào năm 2014 rồi nhanh chóng leo lên chức giám đốc chiến lược & phát triển. Vậy mà đến năm 35 tuổi Alexandre vẫn sống cùng cha mình ở Villa Montmorency. Người ngoài nhìn vào quan hệ cha con họ thì thấy hai người giữ một khoảng cách lịch sự với nhau. Vị CEO hiếm khi ở nhà. Nếu như ông Dominique không lao mình vào công việc thì ông sẽ chơi tennis, đi du lịch, tham dự các festival phim hay cặp bồ với những người phụ nữ giàu có và quyền thế như là Corinne Bouygues (con gái tỷ phú xây dựng Francis Bouygues) và Mouna Ayoub (tỷ phú người Lebanon).
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Le Parisien vào tháng 4-2015, ông Dominique nhận xét: “Alexandre có đủ mọi phẩm chất để một ngày nào đó đứng lên tiếp quản tập đoàn... Chúng tôi rất vừa lòng với những gì Alexandre đã đạt được. Con tôi thừa hưởng trí tuệ của mẹ và tính “cứng đầu” của bố nó”.
Vậy nhưng theo những người trong cuộc thì vị CEO không hoàn toàn tin tưởng cậu con trai. Ông Dominique thường xuyên chỉ trích khả năng của con mình trong mỗi buổi họp ban giám đốc. Rất hiếm khi Alexandre đề xuất ý tưởng mà nhận được sự đồng thuận từ cha mình. Theo chính ông Dominique thì đây là cách ông dạy con, nhưng nhiều người thân cận của ông từng chỉ ra rằng Alexandre không bao giờ ứng xử một cách tự tin trước cha mình.
Joy Barrìere và Alexandre Barrìere.
Cuộc chiến máu mủ
“Mồi lửa” châm ngòi cuộc chiến cha-con nhà Desseigne đến vào năm 2016. Tòa án Pháp tuyên bố ông Dominique là người cha hợp pháp của Zohra Dati, con gái Bộ trưởng Văn hóa Pháp đương nhiệm Rachida Dati. Hai người lớn có quan hệ tình ái trong khi bà Dati giữ chức Bộ trưởng Tư pháp dưới thời Tổng thống Nicolas Sarkozy. Theo phán quyết của tòa án thì hai anh em Alexandre và Joy sẽ phải chia sẻ một phần tài sản thừa kế cho người em gái cùng cha khác mẹ.
Người “nổ phát súng” đầu tiên là Alexandre. Một ngày nọ vào năm 2011, Alexandre bất ngờ hỏi cha mình dự định sẽ nghỉ hưu vào lúc nào. Câu hỏi như cú đòn “trời giáng” đối với ông Dominique. Vị CEO nghĩ rằng mình vẫn còn đủ sức khỏe và minh mẫn để lèo lái con tàu Barrìere, đặc biệt giữa lúc đại dịch COVID-19 đang khiến ngành du lịch chao đảo. Trái lại ông coi việc Alexandre hỏi một câu như vậy là bằng chứng cho thấy con trai chưa đủ trưởng thành để giữ chức lãnh đạo.
Quan hệ giữa hai cha con xấu hẳn kể từ khi đó. Họ không còn tỏ ra thân mật với nhau, cho dù là ở nhà hay tại công ty. Còn nhớ ông Dominique từng phát biểu trên báo doanh nghiệp Les Echos Week-End vào năm 2022: “Bởi vì ảnh hưởng của đại dịch nên tôi quyết định sẽ tiếp tục đảm đương trách nhiệm hiện tại của mình... Việc chuyển giao quyền lực không khả thi vào thời điểm hiện tại”. Vị CEO có cơ sở để tự tin rằng cái ghế của mình sẽ đứng vững. Doanh số của tập đoàn Barrìere tại thời điểm đó đang phục hồi nhanh chóng và đã chạm ngưỡng 1,3 tỷ euro.
Alexandre hiểu rằng mình không thể tham chiến mà không có đồng minh. Đầu tiên anh ta tìm cách lôi kéo người em gái Joy. Tuy Joy đồng ý rời bỏ vị trí của mình tại công ty marketing Publicis để làm cho tập đoàn gia đình, cô không đồng ý tham gia âm mưu của anh trai. Người thứ hai mà Alexandre tìm đến là doanh nhân David Layani, chủ tịch công ty chuyển đổi số Onepoint. Alexandre coi Layani như người thầy của mình và đã đưa được ông này vào ban quản trị tập đoàn Barrìere.
Một quan chức cấp cao của Barrìere trả lời tờ Le Monde: “Layani đã biến Alexandre thành “con tốt” của hắn... Hắn nghĩ ra kế sử dụng Traiteur Barrìere (công ty con chuyên về phục vụ sự kiện) để phá hoại tập đoàn... Alexandre thuê Onepoint làm không ít chiến dịch marketing. Hợp đồng nào Onepoint cũng đòi giá cao gấp ba, bốn lần thị trường”.
Đến tháng 7/2022 thì Alexandre ra “nước cờ” cuối cùng. Anh ta cáo buộc cha mình đã sử dụng sai mục đích số tài sản do bà Diane để lại và đòi được bồi thường lên đến 75 triệu euro, đồng thời ông Dominique phải từ chức. Sau cơn sốc ban đầu, ông Desseigne bèn vội vã tìm đến người bạn là Nicolas Sarkozy. Vị cựu tổng thống tự mình tham gia hòa giải giữa hai cha con. Ông sớm nhận ra rằng cả hai phía đều không muốn hòa giải, đồng thời việc này càng để lâu sẽ càng gây thiệt hại cho uy tín của tập đoàn. Ông Sakorzy và nhiều đồng minh khác của ông Dominique bèn tìm cách thuyết phục vị CEO “ngậm trái đắng”.
Sau hơn một năm “đấu khẩu” trước tòa, cuối cùng ông Dominique cũng chịu nhường bước. Thay vì giữ chức CEO tập đoàn Barrìere, nay ông chỉ còn cái ghế giám đốc danh dự “hữu danh vô thực”. Ông vẫn nắm quyền quản lý khối tài sản bà Diane để lại, nhưng chỉ được nhận lợi tức trên 2 triệu USD lợi nhuận đầu tiên hằng năm. Ngôi biệt thự ở Villa Montmorency được chuyển quyền sở hữu cho hai anh em Alexandre và Joy, nhưng họ có nghĩa vụ chu cấp cho cha họ sống tại đây đến cuối đời. Hai bên trong vụ kiện đều phải ký thỏa thuận không được tiết lộ bất kỳ điều gì cho báo chí. Nhưng điều được công chúng Pháp quan tâm nhất khi đó lại là một chi tiết nhỏ nhặt: Alexandre được phép đổi tên họ từ “Desseigne” sang “Barrìere” theo mẹ mình.
Sòng bạc Barrìere tại Paris.
Còn lại gì sau cuộc chiến?
Đã hơn một năm trôi qua kể từ khi tòa án ra phán quyết cuối cùng. Tập đoàn Barrìere vẫn chưa trở lại bình yên. Việc đầu tiên mà tân chủ tịch Alexandre Barrìere làm là vay nợ để mua lại 100% cổ phần nhằm biến Barrìere trở thành tập đoàn gia đình đúng nghĩa. Không rõ số nợ trên đã lên đến bao nhiêu, nhưng theo các nhà phân tích thì con số không dưới 500 triệu euro. Riêng việc mua lại 40% cổ phần do tập đoàn FIMALAC nắm giữ đã tiêu tốn 325 triệu euro.
Mặt khác Alexandre cũng tiến hành một loạt bước cải tổ bộ máy. Việc đầu tiên là bổ nhiệm Grégory Rabuel làm tân CEO. Ông Rabuel nguyên là chủ tịch kiêm CEO của hai tập đoàn SFR và Altice France. Đồng thời Alexandre cũng lập thêm 6 bộ phận chuyên môn mới và bổ nhiệm chức vụ tổng thư ký để kiểm soát tập trung các thành phần của công ty. Những bước đi trên vừa nhằm hướng Barrìere theo con đường phát triển mới, vừa nhằm trấn an bộ máy công nhân viên. Không rõ chúng sẽ thành công không, nhất là trong bối cảnh thị trường lao động Pháp đang nghiêng về phía người lao động, nhất là sau khi Olympics 2024 diễn ra. Các công đoàn khách sạn, đầu bếp, v.v... đã và đang gây áp lực lên doanh nghiệp nhằm được tăng lương và hưởng những quyền lợi mới.
Riêng về phần ông Dominique Desseigne, ông đang sống thầm lặng tại ngôi biệt thự ở Villa Montmorency. Người đàn ông năng động nay chẳng mấy khi rời khỏi nhà mình. Ông được chẩn đoán mắc hội chứng Parkinson. Hiện bên cạnh người đàn ông quyền lực một thời chỉ còn một người tài xế, một kế toán viên, và vài người giúp việc. Cô Joy thì cứ mấy tuần lại đến ăn trưa với cha mình.
Trong những lần hiếm hoi cha con Dominique và Alexandre gặp nhau ở công ty, họ luôn chỉ chào nhau hai câu xã giao: “Bonjour” và “Bonsoir”.
Một người bạn thân của ông Dominique nhận xét trên tờ Le Monde: “Dominique mắc bệnh mất trí nhớ âu cũng là một niềm an ủi... Cả đời anh ấy đã sống trong phủ nhận. Dominique biết rõ trong thâm tâm rằng cho dù anh ấy có chiều hai đứa con đến bao nhiêu thì hai bên cũng không thể nảy sinh tình cảm cha con được... Gần đây có một lần anh ấy còn đủ tỉnh táo để nói với tôi rằng: “Ba chúng tôi chưa từng là một gia đình”.
Lê Công Vũ
Nguồn ANTG : https://antg.cand.com.vn/ho-so-interpol/de-che-barriere-bi-kich-mot-gia-dinh-i744956/