Khi tiếng súng kết liễu trùm ma túy Pablo Escobar vang lên trên một mái nhà ở thành phố Medellín (Colombia) vào tháng 12/1993, thế giới thở phào, tin rằng đế chế ma túy khét tiếng nhất lịch sử đã sụp đổ. Nhưng trong bóng tối của sự sụp đổ đó, một tổ chức tinh vi hơn, im lặng hơn, và nguy hiểm không kém đã lặng lẽ vươn lên kiểm soát gần 80% thị trường cocaine toàn cầu: Cali Cartel – “triều đại ma túy của những quý ông mặc vest”, đối lập hoàn toàn với hình ảnh bạo lực phô trương của Escobar. Không cần bom, không cần nổ súng giữa phố, không cần bảo vệ dinh thự bằng lính gác và súng phóng lựu, Cali Cartel thống trị thị trường ma túy bằng chiến lược thâm nhập chính quyền, kiểm soát tài chính, công nghệ nghe lén và mạng lưới tình báo vượt trội. Đó là một “đế chế ngầm” vận hành như một tập đoàn quốc tế được tổ chức hoàn hảo.
Đứng đầu Cali Cartel là anh em Gilberto và Miguel Rodríguez Orejuela, cùng với hai ông trùm khác là José “Chepe” Santacruz Londonõ và Hélmer “Pacho” Herrera. Nếu băng đảng Medellín của Escobar được xây dựng trên bạo lực, khủng bố và hình ảnh “Robin Hood vùng Andes”, thì Cali Cartel lại chọn con đường ngược lại: Thâu tóm quyền lực bằng hối lộ, đầu tư, và ngụy trang dưới lớp vỏ doanh nghiệp hợp pháp. Tại thời điểm đỉnh cao vào giữa những năm 1990, tổ chức này kiểm soát hầu hết lượng cocaine vào Hoa Kỳ và châu Âu, đạt doanh thu ước tính hàng chục tỷ USD mỗi năm. Khác với Escobar, họ không đối đầu công khai với chính quyền mà âm thầm mua chuộc mọi đối tượng từ cảnh sát, chính trị gia đến cả báo chí và quan chức cấp cao trong chính phủ Colombia.
Gilberto Rodriguez Orejuela - thủ lĩnh băng đảng Cali Cartel - được cảnh sát Colombia hộ tống khi rời khỏi Văn phòng Công tố Liên bang ở Bogota, Colombia, ngày 6/2/1996. Ảnh: AP/Fernando Llano.
Cali Cartel sở hữu hệ thống hậu cần toàn cầu cực kỳ hiệu quả. Cocaine từ Bolivia và Peru được vận chuyển đến Colombia, rồi từ đó được đóng trong các container vận tải biển, máy bay riêng, thậm chí trong hành lý xách tay có ngụy trang kỹ lưỡng. Các trạm trung chuyển tại Venezuela, Mexico, Panama và Cộng hòa Dominica hoạt động như những mắt xích kín đáo nhưng trơn tru. Một số chuyên gia đánh giá rằng mạng lưới của Cali Cartel hoạt động gần giống như một ngân hàng trung ương bí mật với hệ thống rửa tiền được vận hành qua các công ty thương mại, nhà máy sản xuất, ngân hàng vỏ bọc và các giao dịch bất động sản trải khắp Mỹ Latinh, Miami, Tây Ban Nha và Thụy Sĩ.
Sự tinh vi của Cali Cartel còn thể hiện ở bộ phận tình báo nội bộ – một trong những hệ thống theo dõi hiện đại nhất từng được ghi nhận trong thế giới tội phạm có tổ chức. Họ thuê các kỹ sư công nghệ cao để cài đặt thiết bị nghe lén trong các văn phòng chính phủ, đồn cảnh sát, thậm chí tại nhà riêng của các quan chức bất hợp tác. Mỗi cú điện thoại, mỗi lệnh bắt giữ, mỗi cuộc điều tra bí mật đều được Cali Cartel nắm rõ trước khi diễn ra, cho phép họ đi trước một bước và vô hiệu hóa mọi mối đe dọa. Thậm chí, họ biết trước cả danh sách các tướng lĩnh quân đội sắp được thăng chức – và tiếp cận họ từ trước để “thu phục”.
Khác với Escobar, những ông trùm Cali Cartel hiếm khi giết người trừ khi thật sự cần thiết. Đối với họ, tiền mới là vũ khí hiệu quả nhất. Họ chi hàng chục triệu USD để mở rộng ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực từ truyền thông, tư pháp cho đến chính trường, làm lu mờ ranh giới giữa quyền lực và tội phạm
Nhiều chiến dịch tranh cử tổng thống ở Colombia thập niên 1990 được cho là có nhận tài trợ ngầm từ các doanh nghiệp thân hữu của Cali Cartel. Việc Escobar chết không làm chính quyền dễ thở hơn, mà chỉ đơn giản là chuyển đổi kẻ thù từ một “gã điên nguy hiểm” sang một tổ chức khổng lồ hoạt động kín đáo như bóng ma.
Tuy nhiên, chính sự tự tin thái quá vào sức mạnh đồng tiền của Cali Carte cũng dẫn tới bước trượt dài. Năm 1995, dưới sức ép từ Hoa Kỳ và dư luận quốc tế, dưới sức ép từ Hoa Kỳ và quốc tế, chính phủ Colombia buộc phải mở chiến dịch truy quét Cali Cartel, bất chấp những cáo buộc và hoài nghi về mối quan hệ giữa giới chính trị và dòng tiền bất hợp pháp. Cảnh sát và đặc nhiệm Colombia – với sự hỗ trợ công nghệ và thông tin từ Lực lượng Chống ma túy Hoa Kỳ (DEA) – bắt đầu tháo dỡ từng mắt xích trong mạng lưới. Một loạt cơ sở tài chính, công ty bình phong và mạng lưới viễn thông liên quan đến Cali Cartel bị xâm nhập. Lần lượt Gilberto rồi Miguel Rodríguez Orejuela bị bắt. Chepe bị tiêu diệt khi đang trên đường trốn thoát. Pacho Herrera đầu hàng, rồi bị ám sát trong tù.
Thế lực của Cali Cartel sau đó tan rã và bị các nhóm nhỏ hơn như Norte del Valle Cartel và các băng nhóm Mexico tiếp quản phần lớn thị trường. Nhưng di sản mà họ để lại là một khuôn mẫu mới cho thế giới ma túy: Ít máu đổ, nhiều đầu tư; không khủng bố, mà kiểm soát thông tin. Nói cách khác, họ đặt nền móng cho mô hình tội phạm ma túy xuyên quốc gia được tổ chức chặt chẽ và chuyên nghiệp.
Triều đại của Cali Cartel không rực rỡ như Medellín, nhưng lại chính là thời kỳ tinh vi và nguy hiểm nhất của tội phạm ma túy Colombia. Khi những ông trùm mặc vest lặng lẽ rút lui về hậu trường, để lại những hồ sơ kế toán sạch sẽ và các giao dịch hợp pháp, việc triệt phá tổ chức của họ không còn là nhiệm vụ của cảnh sát – mà là một trò chơi chiến lược giữa ngân hàng, luật sư, chính trị gia và thế giới ngầm. Trong một thế giới nơi tiền bạc có thể che mờ máu, Cali Cartel là bậc thầy không cần súng vẫn thống trị được đế chế tội phạm toàn cầu. Và di sản của họ vẫn sống sót trong những sàn giao dịch vô danh của thế giới ngầm ngày hôm nay.
Thanh Bình