Sau một loạt lựa chọn nhân sự nội các gây chấn động dư luận của Tổng thống đắc cử Donald Trump, quyết định đề cử ông Scott Bessent làm bộ trưởng Tài chính đã được Phố Wall ca ngợi.
Với kinh nghiệm từng là nhà đầu tư cấp cao của Quỹ Soros, ông Bessent được nhận định là một người theo chủ nghĩa thực tế và thông hiểu cách điều chỉnh các chính sách nhằm tác động đến nền kinh tế toàn cầu, theo Politico.
"Về lý thuyết, những người đã có vài chục năm kinh nghiệm quản lý tài chính sẽ có thể phản ứng nhanh nhẹn và kịp thời trước các điều kiện của thị trường. Điều này đã nằm trong máu của họ rồi", giám đốc Bob Elliott của Quỹ Unlimitied nhận định.
Kỳ vọng của ông Trump
Trong trường hợp được Thượng viện phê chuẩn làm bộ trưởng Tài chính trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump, ông Bessent được dự đoán sẽ đối mặt với nhiều thử thách.
Tổng thống đắc cử đã cam kết sẽ cắt giảm thuế, đẩy mạnh khai khoáng, loại bỏ bớt quy định và áp mức thuế quan nhập khẩu cao.
Trên lý thuyết, phần lớn doanh nghiệp Mỹ rất thích thông điệp nói trên của ông Trump. Tuy nhiên, việc định hình lại nền kinh tế dựa trên những chiến lược mà tổng thống đắc cử đưa ra có nguy cơ phá vỡ chuỗi cung ứng, làm đội giá hàng hóa và đẩy lãi suất cho vay lên mức cao.
Do đó, ông Bessent, người chưa từng có kinh nghiệm làm việc trong chính phủ, phải đảm đương trọng trách thuyết phục công chúng và lãnh đạo toàn cầu rằng đường lối chính sách kinh tế của ông Trump sẽ phát huy tác dụng.
Ông Scott Bessent được dự đoán sẽ đối mặt với nhiều thách thức nếu trở thành bộ trưởng Tài chính mới. Ảnh: Bloomberg.
Trước khi được ấn định làm bộ trưởng Tài chính, ông Bessent là một trong những cố vấn hàng đầu của ông Trump trong suốt chiến dịch tranh cử.
Trong tương lai, trên cương vị mới, nhà đầu tư 62 tuổi sẽ chịu trách nhiệm cho cơ quan giám sát thị trường tài chính, phát hành trái phiếu chính phủ Mỹ, các vấn đề an ninh quốc gia về kinh tế, chính sách thuế và sức mạnh của đồng USD.
Những nguồn thạo tin về quá trình chuyển giao quyền lực mô tả rằng quyết định chọn ra bộ trưởng Tài chính cho chính quyền mới trải qua một quá trình cạnh tranh khốc liệt và căng thảng kéo dài hơn một tuần. Các ứng viên đã đổ về khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở Florida để phỏng vấn với ông Trump và các phụ tá.
Quá trình cạnh tranh khốc liệt để nhận được cái gật đầu của ông Trump phần nào phản ánh những thách thức mà ông Bessent sẽ phải đối mặt nếu nhậm chức, tờ Politico nhận định.
Trong quá trình vận động tranh cử, ông Bessent là một trong những cố vấn cấp cao thường xuyên bày tỏ lập trường ủng hộ đối với đường lối chính sách kinh tế của ông Trump. Ảnh: 13WMAZ.
Dựa vào những đề xuất áp thuế quan mới, ông Trump nói rằng bản thân kỳ vọng sẽ tạo ra nguồn thu "hàng nghìn tỷ USD", đồng thời trở nên "có tiếng nói" hơn trong việc điều chỉnh lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Tổng thống đắc cử cũng muốn giữ cho thị trường chứng khoán bình ổn và ít biến động, giảm lạm phát và cắt giảm lượng lớn công chức liên bang lẫn nguồn ngân sách chính phủ.
Sau cùng, người "đứng mũi chịu sào" cho những xung đột phát sinh từ chương trình nghị sự của tổng thống đắc cử vẫn sẽ là ông Bessent - người đứng đầu Bộ Tài chính.
Không những vậy, những khó khăn cũng được dự đoán sẽ bủa vây ông Bessent từ bên trong nội bộ Nhà Trắng, nơi ông Trump tập hợp một đội ngũ cố vấn kinh tế có nhiều luồng quan điểm tương phản nhau.
Quyết định đề cử ông Bessent vào vị trí bộ trưởng Tài chính cũng vấp phải sự phản đối từ những người ủng hộ chính sách thương mại bảo vệ. Họ cho rằng cách tiếp cận của ông Bessent không đủ quyết liệt để theo đuổi kế hoạch mà ông Trump đặt ra.
Nhà đầu tư xuất chúng
Tương phản với luồng ý kiến trái chiều từ đội ngũ thân cận với ông Trump, Phố Wall hoan nghênh việc lựa chọn ông Bessent đảm nhận trọng trách lãnh đạo Bộ Tài chính.
Tờ Politico dẫn lời một cựu quan chức cho rằng ông Bessent "khác với những lựa chọn nội các còn lại của ông Trump", nhấn mạnh rằng nhà đầu tư 62 tuổi "là một nhân vật được nể trọng trong cộng đồng các quỹ phòng hộ và đã có kinh nghiệm làm việc với tư cách là một nhà quản lý tài chính thành công".
"Huyền thoại bán khống" Jim Chanos đánh giá cao năng lực và độ am hiểu thị trường của ông Bessent. Ảnh: Reuters.
"Tôi đã quen biết Scott trong gần 4 thập kỷ và anh ấy là người đầu tiên tôi thuê tại công ty Chanos", doanh nhân Jim Chanos, người được biết đến với biệt danh "ông trùm bán khống", nói với Politico. "Mặc dù chúng tôi bất đồng về quan điểm chính trị, không có gì phải nghi ngờ về tính cách, lòng yêu nước và trí tuệ của anh ấy. Bessent sẽ là một bộ trưởng Tài chính xuất chúng".
Josh Lipsky, giám đốc cấp cao của Hội đồng Đại Tây Dương trực thuộc Trung tâm Địa Kinh tế, cho rằng các nhà đầu tư nhiều khả năng sẽ tin tưởng vào sự hiểu biết của ông Bessent về thị trường.
Dẫu vậy, ông Bessent vẫn là một cái tên lạ lẫm đối với các nhà hoạch định chính sách. Năng lực tài chính của ông cũng không được cộng đồng cánh tả đánh giá cao, theo Politico.
"Phố Wall có thể thở phào nhẹ nhõm khi biết ông Bessent được đề cử làm bộ trưởng Tài chính nhưng người lao động chẳng thấy họ được hưởng lợi chút nào", Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren nói trong một tuyên bố. "Chuyên môn của ông Bessent là giúp những nhà đầu tư giàu có kiếm nhiều tiền hơn chứ không phải là cắt giảm chi phí cho các hộ gia đình".
Đại Hoàng