Để 'đại bàng' bán dẫn, AI về Việt Nam 'làm tổ'

Để 'đại bàng' bán dẫn, AI về Việt Nam 'làm tổ'
14 giờ trướcBài gốc
Đây là điểm nhấn tại Nghị định 182/2024/NĐ-CP, đồng thời, là cột mốc trong hành trình phát triển công nghệ cao của đất nước, kỳ vọng sẽ hút được một lượng lớn các “đại bàng” trong lĩnh vực bán dẫn và AI đến Việt Nam.
Hỗ trợ chi phí đầu tư ban đầu lên đến 50%
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 182/2024/NĐ-CP quy định về thành lập, quản lý và sử dụng quỹ hỗ trợ đầu tư. Nghị định này có hiệu lực từ 31/12/2024, áp dụng từ năm tài chính 2024. Theo đó, DN có dự án đầu tư Trung tâm R&D trong các lĩnh vực bán dẫn, AI là đối tượng được hỗ trợ chi phí đầu tư ban đầu, tối đa lên tới 50%.
Hoạt động sản xuất tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Để nhận được hỗ trợ, DN công nghệ cao cần phải có dự án đầu tư với quy mô vốn tối thiểu 12.000 tỷ đồng hoặc đạt doanh thu của dự án tối thiểu 20.000 tỷ đồng/năm. DN có dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao, DN có dự án ứng dụng công nghệ cao có quy mô vốn dự án tối thiểu 12.000 tỷ đồng hoặc đạt doanh thu của dự án tối thiểu 20.000 tỷ đồng/năm. DN có dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao, DN có dự án ứng dụng công nghệ cao đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp chip, mạch tích hợp bán dẫn, trung tâm dữ liệu AI có quy mô vốn của dự án tối thiểu 6.000 tỷ đồng hoặc đạt doanh thu của dự án tối thiểu 10.000 tỷ đồng/năm.
Đặc biệt, DN có dự án thiết kế vi mạch thì không phải đáp ứng tiêu chí về quy mô vốn hoặc doanh thu quy định tại Nghị định này nhưng phải có cam kết sử dụng tối thiểu 300 kỹ sư, cán bộ quản lý người Việt Nam sau thời gian 5 năm hoạt động tại Việt Nam. Đồng thời, hàng năm hỗ trợ Việt Nam đào tạo được tối thiểu 30 kỹ sư chất lượng cao trong lĩnh vực thiết kế vi mạch... Các DN đáp ứng đủ điều kiện và tiêu chí đã được quy định sẽ được hỗ trợ tối đa 50% chi phí đầu tư ban đầu của dự án nhưng không vượt quá nguồn tài chính của Quỹ hỗ trợ đầu tư. Quỹ hỗ trợ đầu tư trực thuộc Bộ KH&ĐT, hoạt động theo mô hình tương tự đơn vị sự nghiệp công lập, theo các quy định riêng về tổ chức và cơ chế hoạt động tại Nghị định này.
TS Phạm Văn Đại, Trường Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, mô hình Quỹ hỗ trợ đầu tư theo Nghị định 182 là mô hình khá phổ biến trên thế giới, là công cụ được sử dụng để hỗ trợ tăng trưởng và phát triển kinh tế của Chính phủ. "Quỹ hỗ trợ đầu tư thường mang lại nhiều lợi ích lớn cho xã hội bên ngoài các lợi ích cho chủ đầu tư” - ông Phạm Văn Đại nói rõ.
Các chuyên gia cho rằng, Nghị định 182/2024/NĐ-CP là một bước đột phá trong việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao tại Việt Nam, đặc biệt là trong ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Nghị định này cung cấp cơ chế hỗ trợ rất hấp dẫn cho các DN đầu tư vào công nghệ cao.
Cột mốc trong hành trình phát triển công nghệ cao
Có thể thấy, Nghị định 182/2024/NĐ-CP không chỉ đơn thuần là một chính sách hỗ trợ tài chính mà đặt nền móng cho sự chuyển mình mạnh mẽ của nền kinh tế trong thời đại số hóa. TS Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cũng cho rằng, chính sách hỗ trợ này là bước tiến rất tích cực, giúp thu hút đầu tư lớn vào các ngành công nghiệp mũi nhọn như bán dẫn và AI. DN công nghệ giờ có thêm cơ hội phát triển mạnh mẽ, đóng góp vào hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.
Nghị định 182 là "sáng kiến chiến lược" của Chính phủ, vì nó thể hiện cam kết trong việc thu hút đầu tư thực chất vào nền kinh tế Việt Nam, đồng thời, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo.
Phó Tổng Giám đốc Dịch vụ Tư vấn thuế và pháp lý của Deloitte Việt Nam Bùi Ngọc Tuấn
"Trước mắt, cần cải cách và tinh gọn bộ máy Nhà nước theo hướng hiệu lực, hiệu quả, hiện đại, minh bạch, dễ hiểu và dễ thực thi để giảm rủi ro kinh doanh và chi phí tuân thủ. Về dài hạn, cần xây dựng chiến lược và thực hiện các chính sách phát triển có mục tiêu, trọng tâm, trọng điểm… Nghị định 182 có thể nói là dấu ấn quan trọng, thực tế trong hành trình xây dựng công nghiệp bán dẫn, công nghệ cao. Đồng thời, bảo đảm việc giải ngân đầu tư công một cách có hiệu quả" - TS Nguyễn Quốc Việt nhấn mạnh.
Chia sẻ về vấn đề này, các DN cho rằng, thông qua Nghị định 182, sẽ tạo ra môi trường đầu tư hấp dẫn hơn, giúp DN dễ dàng đưa ra các quyết định mở rộng hoạt động. TS Đào Quang Thủy- Trưởng phòng phát triển DN khoa học và công nghệ, Cục Phát triển thị trường và DN khoa học và công nghệ (Bộ KH&CN) nhấn mạnh rằng, việc hỗ trợ lên đến 50% chi phí đầu tư ban đầu cho các dự án nghiên cứu và phát triển (R&D) công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ giải quyết vấn đề cấp bách về thu hút các nhà đầu tư lớn đến Việt Nam, phát triển các công ty vệ tinh đặt tại Việt Nam, tránh tình trạng chỉ đến khảo sát rồi lại đi xây dựng ở nơi khác.
Bên cạnh đó, tạo sức hút cạnh tranh mạnh mẽ cho Việt Nam trong cuộc đua thu hút đầu tư toàn cầu, nhất là trong bối cảnh các quốc gia khác cũng đang đẩy mạnh chiến lược tự chủ công nghiệp bán dẫn, nâng cao giá trị sản xuất và khẳng định vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Song nhiều chuyên gia và DN cũng cho rằng, yêu cầu quy mô đầu tư tối thiểu và doanh thu có thể là rào cản đối với DN nhỏ và vừa. Vì vậy cần có chính sách hỗ trợ riêng cho những DN này, đặc biệt là trong việc xây dựng trung tâm R&D, giúp họ cải tiến công nghệ và tạo ra sản phẩm riêng cho thị trường.
Đặc biệt, trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt trong lĩnh vực công nghệ hiện đại, các DN cho rằng Nghị định 182 sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc giải ngân và tiếp cận các khoản hỗ trợ, góp phần làm cho Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn của ngành công nghệ cao cũng như thu hút các "đại bàng" công nghệ trên thế giới.
Việc ban hành Nghị định 182/2024/NĐ-CP thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc thúc đẩy đầu tư vào các lĩnh vực mũi nhọn, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và nâng mức độ đổi mới sáng tạo của nền kinh tế Việt Nam trong thập kỷ tới. Nghị định này cũng được kỳ vọng sẽ tạo ra hiệu ứng lan tỏa, gia tăng năng suất lao động. Qua đó, nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ công nghệ toàn cầu, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia khác trong khu vực.
Nghị định 182/2024/NĐ-CP quy định rõ 2 loại hình hỗ trợ chính mà Quỹ hỗ trợ đầu tư sẽ cung cấp. Thứ nhất là chính sách hỗ trợ chi phí hàng năm, theo đó Quỹ sẽ cung cấp hỗ trợ tài chính cho các DN hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao và Trung tâm nghiên cứu phát triển. Các chi phí đủ điều kiện nhận hỗ trợ bao gồm: chi phí đào tạo và phát triển nhân lực, chi phí nghiên cứu phát triển, chi phí đầu tư tạo tài sản cố định, chi phí sản xuất sản phẩm công nghệ cao, chi phí đầu tư công trình hạ tầng xã hội, và các trường hợp khác do Chính phủ quyết định. Thứ hai là chính sách hỗ trợ chi phí đầu tư ban đầu, dành cho các DN có Trung tâm nghiên cứu phát triển trong các ngành công nghiệp mũi nhọn như bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, những lĩnh vực đòi hỏi khoản đầu tư lớn về cơ sở vật chất và công nghệ nhằm giảm bớt rủi ro tài chính, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển lâu dài.
Quỳnh Anh
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/de-dai-bang-ban-dan-ai-ve-viet-nam-lam-to.html