Một trong những nhiệm vụ Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra trong Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là: “Nghiên cứu xây dựng mô hình trường trung học phổ thông kỹ thuật hoặc trường trung học phổ thông có những lớp học chương trình giáo dục phổ thông đồng thời có những lớp học nghề”. [1]
Nhiều lãnh đạo trường trung học phổ thông cho rằng, việc có lớp học nghề trong trường phổ thông là hướng đi tích cực, mang lại nhiều thuận lợi cho người học.
Định hướng sớm nghề nghiệp cho học sinh phổ thông
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Huỳnh Văn Mến – Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lấp Vò 3 (xã Tân Khánh Trung, tỉnh Đồng Tháp) chia sẻ: “Việc nghiên cứu xây dựng mô hình trường trung học phổ thông kỹ thuật hoặc trường trung học phổ thông có những lớp học chương trình giáo dục phổ thông đồng thời có những lớp học nghề hoàn toàn phù hợp với thực tiễn hiện nay. Khi gắn đào tạo nghề với giáo dục phổ thông sẽ giúp học sinh có nhiều lựa chọn và cơ hội phát triển hơn sau khi tốt nghiệp.
Tuy nhiên, nhà trường phải đồng thời đảm bảo cả hai hoạt động này được thực hiện một cách hài hòa, không làm giảm sút chất lượng học văn hóa nhưng vẫn tạo điều kiện thuận lợi để học sinh tiếp cận với kỹ năng nghề nghiệp thực tiễn. Vì vậy, cần có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý, phân bổ thời gian học, bố trí đội ngũ giáo viên có chuyên môn phù hợp cũng như cơ sở vật chất đảm bảo cho hoạt động dạy nghề.
Khi được tổ chức bài bản, mô hình này không chỉ góp phần giải quyết tình trạng học sinh tốt nghiệp không có định hướng mà còn giúp hình thành lực lượng lao động trẻ có tay nghề, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động.
Nếu tổ chức những lớp học nghề trong trường phổ thông chỉ dừng lại ở mức cơ bản, mang tính chất làm quen sẽ khó đạt được hiệu quả như kỳ vọng. Vì vậy, để triển khai hiệu quả cần xây dựng chương trình mang tính thực tiễn, có chiều sâu, phù hợp với đặc điểm tâm lý lứa tuổi và gắn với nhu cầu nhân lực cụ thể của địa phương. Ngoài ra, để học sinh có cơ hội trải nghiệm thực hành, thực tập tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cần có sự phối hợp liên ngành.
Hiện nay, các trường trung học phổ thông chưa có đủ thẩm quyền để chủ động liên kết mà phải được phê duyệt. Do đó, cần xem xét điều chỉnh cơ chế quản lý theo hướng tăng cường quyền tự chủ cho các trường phổ thông trong phạm vi cho phép, đồng thời có hướng dẫn cụ thể để các đơn vị chủ động kết nối, thiết kế chương trình phù hợp với thực tế”.
Thầy Huỳnh Văn Mến – Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lấp Vò 3 (xã Tân Khánh Trung, tỉnh Đồng Tháp). Ảnh: NVCC.
Theo thầy Mến, khó khăn lớn nhất trong việc triển khai trường phổ thông có thêm lớp học nghề là cần có đầy đủ trang thiết bị, cơ sở vật chất. Đối với một số ngành đòi hỏi thực hành như cơ khí, điện - điện tử, công nghệ thực phẩm, chăm sóc sắc đẹp cần có hệ thống máy móc, dụng cụ chuyên dụng và phòng thực hành đạt chuẩn.
Hiện nay, phần lớn các trường trung học phổ thông chỉ được đầu tư cơ bản cho việc dạy học văn hóa. Hệ thống phòng thực hành, máy móc chuyên dụng gần như không có hoặc đã lạc hậu, không đáp ứng được yêu cầu giảng dạy nghề nghiệp theo hướng thực tiễn, ứng dụng. Vì vậy, học sinh sẽ gặp nhiều hạn chế trong việc rèn luyện tay nghề, đặc biệt với các ngành nghề yêu cầu thao tác kỹ thuật, vận hành thiết bị hoặc xử lý tình huống thực tế.
Ngoài ra, đội ngũ giáo viên phổ thông chủ yếu được đào tạo để giảng dạy văn hóa. Việc tổ chức dạy nghề đòi hỏi giáo viên phải có kỹ năng tay nghề, kinh nghiệm thực hành và năng lực hướng dẫn thao tác kỹ thuật. Điều này đòi hỏi phải có chính sách phối hợp, liên kết với các trường nghề hoặc doanh nghiệp để việc tổ chức giảng dạy đạt hiệu quả cao.
Cùng chia sẻ về vấn đề này, thầy Nguyễn Quốc Đạt - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lê Lợi (phường Pleiku, tỉnh Gia Lai) cho biết: “Việc nghiên cứu xây dựng mô hình trường trung học phổ thông có thêm lớp học nghề là hướng đi tích cực, phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục. Tuy nhiên, hiện nay, phần lớn các trường phổ thông còn gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng và trang bị phòng học nghề đạt chuẩn. Để triển khai mô hình này hiệu quả, nhà trường cần được đầu tư đầy đủ về cơ sở vật chất, đặc biệt là trang thiết bị thực hành và hệ thống phòng học.
Khi được đầu tư đầy đủ, mô hình dạy nghề trong trường phổ thông không chỉ giúp học sinh định hướng nghề nghiệp sớm mà còn mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Các em được tiếp cận kiến thức và kỹ năng nghề một cách thực tế, từ đó hiểu rõ năng lực bản thân và lựa chọn đúng hướng đi sau tốt nghiệp.
Mô hình này còn phù hợp hơn với các địa phương còn khó khăn hoặc những trường có chất lượng đào tạo ở mức trung bình, góp phần giảm tỷ lệ học sinh bỏ học cũng như mở rộng cơ hội việc làm và thu hẹp khoảng cách tiếp cận giáo dục nghề nghiệp giữa các vùng miền".
Học sinh Trường Trung học phổ thông Lê Lợi (phường Pleiku, tỉnh Gia Lai) trong một buổi học trải nghiệm thực tế ở làng văn hóa du lịch tại địa phương. Ảnh: website nhà trường.
Theo thầy Đạt, khi tổ chức các lớp học nghề trong trường phổ thông cần tăng cường liên kết với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong việc huy động đội ngũ giáo viên chuyên môn từ trường nghề tham gia trực tiếp vào quá trình giảng dạy.Đây không chỉ là giải pháp khả thi nhằm khắc phục tình trạng thiếu hụt nhân lực có chuyên môn dạy nghề trong các trường phổ thông, mà còn là bước đi cần thiết để bảo đảm chất lượng và tính thực tiễn của chương trình.
Trường nghề có đội ngũ giáo viên chuyên môn cao, được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm thực tiễn trong giảng dạy kỹ năng nghề. Thầy cô sẽ hướng dẫn học sinh thực hành sát với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp và thị trường lao động giúp quá trình học nghề không chỉ dừng lại ở lý thuyết mà còn gắn chặt với kỹ năng ứng dụng, từ đó nâng cao chất lượng đầu ra và khả năng đáp ứng công việc của người học sau này.
Nếu được tổ chức phù hợp, học sinh tại phường Pleiku, tỉnh Gia Lai có thể được tiếp cận và tham gia học một số nghề như điện dân dụng, sửa chữa xe máy, may mặc hoặc các nghề đặc thù gắn với điều kiện kinh tế – xã hội và nhu cầu lao động của địa phương. Đây là cơ hội để các em định hướng sớm nghề nghiệp và tích lũy kỹ năng phục vụ cuộc sống sau khi tốt nghiệp.
Cần đầu tư đồng bộ để phát huy hiệu quả
Cùng bàn về vấn đề này, thầy Đỗ Thành Thiện – Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Vĩnh Thạnh (xã Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ) chia sẻ, hoạt động đào tạo nghề tại các vùng nông thôn, khó khăn hiện còn nhiều hạn chế do thiếu thốn về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng dạy và định hướng nghề nghiệp. Vì vậy, mô hình trường trung học phổ thông kỹ thuật được kỳ vọng sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu thực tế của học sinh, đặc biệt tại những địa phương còn thiếu điều kiện tiếp cận giáo dục nghề nghiệp.
Mô hình này không chỉ mở rộng cơ hội tiếp cận nghề nghiệp cho học sinh mà còn góp phần giải quyết bài toán việc làm cho các em sau này. Ngay từ bậc phổ thông, nếu học sinh đã được trang bị những kỹ năng nghề cơ bản sẽ tạo nền tảng vững chắc để rút ngắn quá trình chuyển tiếp sang thị trường lao động nếu không học tiếp lên bậc cao hơn.
Tại Cần Thơ, dự án khu công nghiệp VSIP đang xây dựng và dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong khoảng 2-3 năm tới. Vì vậy, địa phương có thể chủ động tổ chức đào tạo đa ngành nghề, nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực cho khu công nghiệp như các ngành về công nghệ kỹ thuật cơ khí, điện – điện tử, công nghệ thông tin, logistics, kỹ thuật môi trường và công nghệ thực phẩm. Việc đào tạo gắn với yêu cầu tuyển dụng thực tế không chỉ giúp học sinh có thêm cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp mà còn góp phần nâng cao chất lượng nguồn lao động tại chỗ”.
Thầy Đỗ Thành Thiện – Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Vĩnh Thạnh (xã Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ). Ảnh: NVCC.
Còn theo Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lê Lợi, mô hình trường phổ thông có thêm những lớp học nghề cần được xây dựng trên nền tảng vững chắc về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng dạy và phải xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng thực tế của người học mới mang lại hiệu quả lâu dài.
Bên cạnh đó, cần có sự hỗ trợ quyết liệt từ các cơ quan quản lý nhà nước. Việc thống nhất chủ trương, đảm bảo nguồn lực và cơ chế thực hiện rõ ràng sẽ giúp các địa phương chủ động hơn trong việc tổ chức, tránh tình trạng manh mún hoặc triển khai hình thức.
Đồng quan điểm, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lấp Vò 3 cho rằng, cần xem xét đến quy mô lớp học và đội ngũ giáo viên. Việc ban hành cơ chế đi kèm với lộ trình cụ thể về tuyển dụng, đào tạo, phân bổ nhân sự cũng như điều chỉnh quy mô lớp học phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương là hết sức cần thiết.
Ví dụ, một lớp học ở trường phổ thông thường có khoảng 40-45 học sinh/lớp, số lượng này chấp nhận được khi các em chỉ theo học các chương trình văn hóa. Khi chuyển sang kết hợp đào tạo nghề, nếu sĩ số lớn sẽ trở thành rào cản trong quá trình học các môn yêu cầu về thực hành. Vì vậy, cần có cơ chế phù hợp với điều kiện thực tiễn về nhân lực, cơ sở vật chất và quy mô tổ chức lớp học để đảm bảo hiệu quả triển khai. Phải có một định biên hợp lý, quy định rõ sĩ số phù hợp với điều kiện học tập và đặc thù của dạy nghề.
Bên cạnh đó, danh mục các nghề được phép triển khai trong trường phổ thông cũng cần được quy định rõ ràng, thống nhất để phù hợp với năng lực tổ chức của trường và nhu cầu thực tế của địa phương.
Học sinh Trường Trung Học Phổ Thông Lấp Vò 3 (xã Tân Khánh Trung, tỉnh Đồng Tháp) trong một buổi học trải nghiệm thực tế tại một cơ sở nuôi trồng thủy sản. Ảnh: NTCC.
Trong khi đó, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Vĩnh Thạnh cho rằng, khó khăn lớn nhất nằm ở vấn đề đầu tư, bao gồm cả cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ dạy nghề và đội ngũ giáo viên chuyên môn. Nhiều trường phổ thông ở khu vực nông thôn, miền núi chưa có phòng học thực hành đạt chuẩn, thiếu máy móc, công cụ giảng dạy. Đội ngũ giáo viên dạy nghề còn hạn chế về số lượng và năng lực chuyên môn. Nếu không có sự đầu tư bài bản, định hướng lâu dài, việc triển khai mô hình trường trung học phổ thông kỹ thuật hoặc trường phổ thông có thêm các lớp học nghề sẽ khó đạt được hiệu quả như kỳ vọng.
Vì vậy, ngay từ đầu phải có định hướng đầu tư phù hợp, đặc biệt là trong tổ chức bộ máy vận hành và cơ chế quản lý. Ngoài ra, mô hình cũng cần tiếp tục được nghiên cứu, đánh giá toàn diện để bảo đảm khả năng áp dụng rộng rãi.
Khi triển khai hiệu quả, mô hình trường trung học phổ thông có thêm các lớp học nghề sẽ góp phần thay đổi nhận thức của xã hội về giáo dục nghề nghiệp. So với phương án phân luồng truyền thống, (đặt mục tiêu khoảng 40% học sinh sau trung học cơ sở chuyển sang học nghề và 60% học tiếp lên trung học phổ thông), mô hình này linh hoạt và phù hợp với thực tiễn hơn.
Trong bối cảnh số lượng học sinh có nhu cầu học lên trung học phổ thông lớn, việc có thêm các lớp đào tạo nghề ngay trong trường phổ thông sẽ mở rộng cơ hội cho các em vừa được học văn hóa, vừa có thể tiếp cận kỹ năng nghề từ sớm, sẵn sàng đi làm hoặc học tiếp tùy theo năng lực và nguyện vọng.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://moet.gov.vn/van-ban/vbdh/Pages/chi-tiet-van-ban.aspx?ItemID=3931
Khánh Hòa