Đê điều Hà Nội bị 'bóp nghẹt' do lấn chiếm, nguy cơ vỡ trận khi lũ lớn

Đê điều Hà Nội bị 'bóp nghẹt' do lấn chiếm, nguy cơ vỡ trận khi lũ lớn
7 giờ trướcBài gốc
Nguy cơ mất an toàn đê điều
Trao đổi với P.V VietnamNet, ông Trần Công Tuyên, Trưởng phòng Quản lý đê, Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết, tình trạng lấn chiếm, san lấp bãi sông, đặc biệt là sông Hồng và sông Đuống đoạn qua địa bàn TP Hà Nội, đang diễn ra phổ biến và ở quy mô nghiêm trọng.
Vi phạm thường ở dạng san lấp, xây dựng công trình trái phép trong hành lang thoát lũ, làm giảm khả năng chứa và thoát lũ. Đây là hành vi vi phạm pháp luật về đê điều.
Một công trình được chính quyền cấp phép cho xây dựng ở khu vực hành lang thoát lũ đê Sông Hồng, phường Bồ Đề (Hà Nội)
Theo ông Tuyên, không gian thoát lũ được quy định rõ trong các quy hoạch phòng, chống lũ, bao gồm lòng sông và bãi sông giữa hai đê. Việc san lấp, lấn chiếm khu vực này làm giảm khả năng thoát lũ, gia tăng mực nước khi xảy ra mưa lũ, đe dọa đến an toàn công trình đê điều.
Thực tiễn đã cho thấy rõ điều này trong đợt lũ sau bão số 3 năm 2024, dù tổng lượng lũ thấp hơn đỉnh lũ năm 1971, nhưng mực nước tại nhiều đoạn sông vẫn vượt mức lịch sử, do không gian thoát lũ bị thu hẹp.
“Lũ chưa đạt thiết kế nhưng mực nước tại hạ lưu nhiều vị trí đã vượt mức lịch sử. Một nguyên nhân quan trọng là việc lấn chiếm bãi sông đã làm hẹp không gian thoát lũ”, ông Tuyên cho biết.
Vi phạm dai dẳng, xử lý chưa triệt để
Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc các địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm. Tuy nhiên, việc xử lý thực tế tại các địa phương, trong đó có Hà Nội, vẫn chưa dứt điểm.
“Nhiều công trình kiên cố mọc lên ngay trên bãi sông, có nơi được cấp phép chưa đúng quy định, có nơi xây dựng trái phép. Trong khi việc ngăn chặn, xử lý còn chậm, chưa kiên quyết”, ông Tuyên nói.
Đại diện Cục Quản lý đề điều và Phòng chống thiên tại cho rằng cần tăng cường trách nhiệm của chính quyền địa phương, đặc biệt là người đứng đầu cấp phường xã trong xử lý sai phạm.
Tại Hà Nội, nhiều khu vực như Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Long Biên, Thanh Trì, Thường Tín (cũ) … đều xuất hiện tình trạng san lấp, đổ thải, xây nhà xưởng trái phép trên bãi sông. Một số trường hợp thậm chí xây dựng kiên cố bằng bê tông. Thực tế này được lực lượng chuyên trách đê điều phát hiện, nhiều lần lập biên bản, nhưng chính quyền địa phương xử lý rất chậm hoặc không dứt điểm.
Chủ quan, buông lỏng quản lý
Theo đánh giá của Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, nguyên nhân lớn nhất khiến vi phạm kéo dài là tư tưởng chủ quan, do đã nhiều năm không xảy ra lũ lớn trên hệ thống sông Hồng. Do vậy người dân và chính quyền lơ là, buông lỏng, dẫn đến tình trạng lấn chiếm, xây dựng trái phép.
Ngoài ra, còn tồn tại tình trạng chồng chéo pháp lý, nhiều công trình vi phạm liên quan cả đến đất đai, xây dựng, tài nguyên môi trường… khiến việc xử lý gặp khó khăn nếu không có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành.
Để xử lý triệt để, ông Tuyên cho rằng cần tăng cường trách nhiệm của chính quyền địa phương, đặc biệt là người đứng đầu cấp xã, phường - những người có thẩm quyền trực tiếp xử lý vi phạm.
Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Môi trường tham mưu Chính phủ ban hành các chỉ thị, quy chế phối hợp liên ngành, phân vùng rõ trong quy hoạch khu vực được phép, hạn chế hoặc cấm xây dựng trên bãi sông, làm công cụ pháp lý cho quản lý và xử lý vi phạm.
“Pháp luật đã đầy đủ. Vấn đề là phải thực thi nghiêm, quyết liệt. Nếu không, nguy cơ mất an toàn đê điều, ngập lụt đô thị khi có lũ lớn là hoàn toàn có thể xảy ra”, ông Tuyên cảnh báo.
Vũ Điệp
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/de-dieu-ha-noi-bi-bop-nghet-do-lan-chiem-nguy-co-vo-tran-khi-lu-lon-2422084.html