Để doanh nghiệp mơ xa, làm lớn

Để doanh nghiệp mơ xa, làm lớn
12 giờ trướcBài gốc
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các đại biểu thăm gian trưng bày các sản phẩm tại Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam, ngày 15/5/2024. Ảnh: Dương Giang
“Quả ngọt” từ tham vọng làm chủ công nghệ
Trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo luôn được coi là cơ sở quan trọng hàng đầu cho sự phát triển nhanh và bền vững. Đặc biệt, trong bối cảnh tài nguyên thiên nhiên ngày càng bị cạn kiệt, mô hình tăng trưởng của DN dựa vào vốn, tài nguyên, lao động không còn phù hợp. Chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là yêu cầu sống còn giúp DN nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh doanh cũng như năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hiện nay.
Đổi mới sáng tạo gắn với nâng cao năng suất chất lượng giúp DN đạt được lợi thế cạnh tranh mới, tạo ra thị trường mới, thu hút các nguồn lực tài trợ của các đối tác, sử dụng hiệu quả nguồn lực, giảm lãng phí, nâng cao uy tín của DN. Do đó, việc triển khai giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng gắn với đổi mới sáng tạo là yêu cầu cấp thiết đối với DN hiện nay, là điểm tựa để DN dám nghĩ lớn, làm lớn.
Thời gian qua, nhiều DN Việt Nam đã ý thức được tầm quan trọng, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, cùng các tiêu chuẩn, quy chuẩn và công cụ quản lý tiên tiến… nhằm nâng cao năng suất lao động; chất lượng sản phẩm, hàng hóa…
VinFast là minh chứng điển hình. Dù mới thành lập, VinFast đã nhanh chóng khẳng định vị thế trong ngành sản xuất ô tô điện, trở thành biểu tượng của thương hiệu Việt. Nhờ đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ cao, VinFast có thể chủ động trong việc nghiên cứu phát triển các tính năng cho xe phù hợp hơn với nhu cầu người dùng của từng thị trường. Nhờ đó, VinFast có thể cạnh tranh sòng phẳng với các thương hiệu toàn cầu, đồng thời đặt mục tiêu xuất khẩu ra thế giới. Việc VinFast làm chủ công nghệ và quy trình sản xuất không chỉ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn tạo ra chuỗi giá trị nội địa mạnh mẽ, thúc đẩy các ngành công nghiệp phụ trợ và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp ô tô.
Cũng thu “trái ngọt” nhờ mạnh dạn đầu tư công nghệ, đổi mới sáng tạo, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn CNCTech Nguyễn Trung Kiên cho biết, nhờ có đổi mới sáng tạo mà một DN cơ khí (thuần sản xuất) như CNCTech đã vươn ra được thị trường toàn cầu với nhân lực marketing ít ỏi. Bộ phận marketing (hoạt động trên toàn cầu) của CNCTech chỉ có 5 người. Việc tổ chức phục vụ đồng thời rất nhiều đơn hàng, trong khi mỗi đơn hàng yêu cầu cung ứng số lượng hàng không lớn là một bài toán đau đầu. Có tháng công ty tiếp nhận hơn 1.000 bản vẽ. “Chúng tôi phải huy động các sáng kiến, áp dụng các mô hình quản lý thông minh nhằm tối ưu hóa vận hành và nâng cao chất lượng sản phẩm” - ông Nguyễn Trung Kiên cho biết.
Đổi mới sáng tạo là cơ hội không thể bỏ lỡ để Việt Nam bứt phá, thực hiện khát vọng Việt Nam hùng cường. Trong bối cảnh nguồn lực còn hạn chế, đổi mới sáng tạo chính là đòn bẩy quan trọng giúp Việt Nam tận dụng tối đa các thành tựu khoa học công nghệ của thế giới, kết hợp với sự sáng tạo và khả năng thích ứng của người Việt tạo ra những giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng
TS Võ Xuân Hoài - Phó Giám đốc Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) đã trích dẫn các nghiên cứu, đồng thời chỉ ra rằng, đổi mới sáng tạo đóng góp tới 95% vào năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và 91% vào kinh tế xanh, đồng thời tạo ra những thay đổi đột phá trong mọi lĩnh vực. Kinh nghiệm từ các “con hổ châu Á” như Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc cho thấy, đầu tư vào công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực mạnh mẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Các trung tâm đổi mới sáng tạo toàn cầu như Thung lũng Silicon, Zhongguancun và Brainport Eindhoven là minh chứng cho vai trò của đổi mới sáng tạo trong việc xây dựng hệ sinh thái công nghệ, thu hút nhân tài và tạo ra giá trị kinh tế lớn.
Hàn Quốc là một trong số ít quốc gia có thể chuyển mình từ một nền kinh tế kém phát triển thành cường quốc công nghệ chỉ trong vài thập niên. Thành tựu này không chỉ đến từ các chính sách công nghiệp hóa mạnh mẽ của Chính phủ, mà còn nhờ vào chiến lược chủ động của các tập đoàn kinh tế lớn trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Những DN hàng đầu như Samsung, Hyundai, LG không chỉ đơn thuần đóng vai trò sản xuất mà còn là những trung tâm R&D công nghệ hàng đầu. Chính sự đầu tư bài bản và định hướng dài hạn này đã giúp Hàn Quốc làm chủ nhiều công nghệ cốt lõi, từ đó giảm sự phụ thuộc vào công nghệ nhập khẩu và vươn lên dẫn đầu trong các lĩnh vực quan trọng như chất bán dẫn, ô tô và thiết bị điện tử.
Kiến tạo nền kinh tế xanh
Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, đổi mới sáng tạo là chìa khóa để các nước đang phát triển thoát bẫy thu nhập trung bình. Đổi mới sáng tạo là cửa ngách mang tính chiến lược để các nước đang phát triển rút ngắn khoảng cách, tối ưu các nguồn lực hạn chế, và tạo ra giá trị thực tiễn từ những gì sẵn có để phát triển nhanh. Chúng ta cần tạo ra một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, mà ở đó, DN có thể cải tiến sản phẩm phù hợp với thị trường trong nước, người dân có thể sáng tạo trong điều kiện thực tế của mình, Nhà nước hỗ trợ môi trường, thể chế và động lực để đổi mới sáng tạo không bị cản trở, mà được khơi thông và lan tỏa.
Còn theo TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh (BCSI), trước đây hệ sinh thái đổi mới sáng tạo ở Việt Nam được xây dựng với 3 thành tố: Nhà nước, trường/ viện và DN, trong đó Nhà nước đóng vai trò trung tâm. Tuy nhiên, ngày nay, DN mới là trung tâm của sự đổi mới sáng tạo, góp phần tạo ra giá trị thực tiễn cho nền kinh tế - xã hội, đặc biệt trong giai đoạn chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đang diễn ra mạnh mẽ. Trong quá trình tái cấu trúc mô hình tăng trưởng, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đóng vai trò là những trụ cột nền tảng, vừa tạo động lực mới cho phát triển kinh tế, vừa cung cấp công cụ hiệu quả để giải quyết các thách thức môi trường - xã hội.
Các công nghệ tiên tiến như: trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), blockchain, công nghệ sinh học phân tử, năng lượng tái tạo, vật liệu mới và mô hình kinh tế tuần hoàn đang góp phần định hình lại cách thức sản xuất, tiêu dùng và quản trị xã hội. Không chỉ giúp tối ưu hóa tài nguyên, giảm thiểu phát thải, những công nghệ này còn tạo ra các ngành kinh tế mới, việc làm xanh và nâng cao chất lượng tăng trưởng.
Các chuyên gia khuyến nghị, Việt Nam cần chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực nghiên cứu về đổi mới sáng tạo. Để đạt được các mục tiêu, thời gian tới cần tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách phát triển đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo, giải quyết những vấn đề cấp bách của thực tiễn.
Theo Điều phối viên Thường trú Liên Hợp quốc tại Việt Nam Pauline Tamesis, sức mạnh của đổi mới sáng tạo là có tiềm năng thúc đẩy các mục tiêu phát triển bền vững. Đổi mới sáng tạo truyền cảm hứng cho các hành động cũng như các công nghệ xanh làm giảm lượng khí thải carbon cũng như tăng cường tính bền vững của môi trường, giúp cải thiện cuộc sống.
Bên cạnh đầu tư công nghệ, các DN cũng cần chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Một đội ngũ công nhân tay nghề tốt, ý thức kỷ luật và sự sáng tạo trong công việc không chỉ góp phần nâng cao năng suất lao động cá nhân mà còn tạo nên sức mạnh tổng hợp cho DN. Đặc biệt, lãnh đạo cần xây dựng chiến lược phát triển dựa trên tri thức và công nghệ, đồng thời thực thi các chính sách khuyến khích sáng kiến cải tiến từ cấp dưới.
Phương Nga
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/de-doanh-nghiep-mo-xa-lam-lon.689033.html