Như vậy, vùng kinh tế động lực của Đông Nam bộ hiện nay có phạm vi bao quát rộng, cả các vùng phát triển và chậm phát triển, do đó ít nhiều phân tán nguồn lực, suy giảm động lực. Vùng Đông Nam bộ cần được xem xét thu hẹp phạm vi vùng kinh tế động lực dựa trên các tiêu chí về nguồn lực sẵn có và các lợi thế về tự nhiên, kinh tế, xã hội để phát huy hết vai trò dẫn dắt, lan tỏa.
Tuy nhiên, ở đây có một “liên đới kép”: một mặt cần thu hẹp phạm vi động lực, tức không lập quy hoạch ở những nơi chậm phát triển; mặt khác lại phải điều nghiên để đầu tư cơ sở hạ tầng cho những vùng có hệ thống hạ tầng yếu kém nhưng vùng này lại đang sở hữu hoặc kỳ vọng sở hữu nhiều lợi thế như: dễ dàng tiếp cận với vùng nguyên liệu, nguồn cung năng lượng, chi phí lao động thấp hoặc thị trường nội vùng phát triển.
Giải pháp này cũng góp phần giảm tải áp lực về dân số cho các khu đô thị lớn - nơi sẽ hình thành cực tăng trưởng trong tương lai.
Để hiện thực hóa tầm nhìn trên, tất yếu cần độ nhạy và nắm bắt tình hình, dư địa, kể cả nguồn lực, thị trường tương lai để sớm định đoạt các hướng tiếp cận, khai thác. Một trong số đó là cần sớm hình thành quỹ hạ tầng vùng Đông Nam bộ để tạo nguồn lực triển khai các dự án giao thông kết nối.
Nghị quyết số 24-NQ/TW đưa ra tầm nhìn phát triển TPHCM thành cực tăng trưởng của vùng và Quyết định số 370/QĐ-TTg định hướng TP Thủ Đức thành một cực tăng trưởng mới. Tuy nhiên, để được xem là một cực tăng trưởng, bản thân khu vực phải có những ngành kinh tế đặc thù, đóng vai trò dẫn dắt các khu vực xung quanh, và thúc đẩy sự phát triển của các ngành nghề khác.
Như vậy, cần có những đánh giá khoa học, khách quan về những ngành, nghề kinh tế thực sự là thế mạnh của TPHCM nói chung và TP Thủ Đức nói riêng cũng như các ngành có tiềm năng; và xem xét, bổ sung định hướng hình thành các cực tăng trưởng khác ở các khu vực xung quanh (nếu có).
Thực tế hiện nay, định hướng phát triển các ngành nghề quan trọng của 6 tỉnh, thành vùng Đông Nam bộ còn mang tính dàn trải, chưa có sự tập trung ngành nghề cụ thể cho một cực tăng trưởng.
Do đó, cần có các chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, thủ tục hành chính… để thu hút các lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao, không thâm dụng về lao động, đất đai gắn với tăng trưởng xanh; trung tâm dữ liệu; tránh chạy theo xu hướng của thế giới mà cần nhìn nhận vào nguồn lực tại chỗ cùng với những lợi thế về trình độ lao động, cơ sở hạ tầng, đất đai, văn hóa.
Đặc biệt, mỗi địa phương cần mở rộng ra khỏi địa giới hành chính, tăng tính liên kết vùng theo hướng các tỉnh thành trở thành vùng nguyên liệu, sản xuất, đối tác cho các cực tăng trưởng - là đầu não với những ngành nghề sáng tạo, khoa học kỹ thuật vượt trội và hỗ trợ ngược lại cho các địa phương cũng như tạo sự lan tỏa, dẫn dắt.
Nhận diện những hạn chế của hiện trạng liên kết vùng hiện nay để tận dụng tốt hơn vai trò, chức năng hoạt động của Hội đồng điều phối vùng Đông Nam bộ. Đặc biệt sớm đưa vào nghiên cứu, xem xét ban hành Luật về phát triển vùng - cơ sở pháp lý quan trọng cho hoạt động liên kết, phát triển vùng trong thời gian tới.
Hoàn thiện thể chế phân cấp, phân quyền trong liên kết vùng trên cơ sở làm rõ mối quan hệ giữa phát triển kinh tế vùng, tập trung thống nhất trong sự phát triển kinh tế - xã hội, vừa phải phát huy tính chủ động, sáng tạo của địa phương.
Các cơ quan ở Trung ương cần tăng cường phối hợp với các địa phương trong xây dựng, hoàn thiện, ban hành và triển khai thực hiện luật pháp, chính sách, trong đó chú ý đến tính đặc thù phát triển vùng. Các chính sách phát triển vùng phải được xây dựng từ cơ sở, dựa trên các lợi thế so sánh của các tỉnh trong vùng.
NGUYỄN QUÂN CÁT