Tuyên truyền đến học sinh về bình đẳng giới và mất cân bằng giới tính khi sinh tại các trường học là một trong những giải pháp được Chi cục Dân số tỉnh tích cực triển khai trong những năm vừa qua.
Nhiều chuyên gia cho rằng, để giải quyết được tình trạng mất cân bằng giới tính hiện nay thì phải giải quyết được tận gốc nguyên nhân. Vậy những nguyên nhân đó là gì? Theo ông Đỗ Trọng Vũ, Phó Giám đốc Sở Y tế: Công tác dân số của tỉnh ta những năm qua đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tổng tỷ suất sinh từ năm 2017 đến nay của Thái Nguyên xoay quanh mức 2,1 con (đảm bảo mức sinh thay thế).
Các chỉ số về chất lượng dân số được cải thiện; tuổi thọ bình quân ngày càng được nâng cao (năm 2023 là 74,53 tuổi). Tuy nhiên, công tác dân số của tỉnh vẫn đang đứng trước thách thức, khi tỷ số giới tính khi sinh hiện ở mức cao so với mức cân bằng tự nhiên phải đạt là 103-107 trẻ trai/100 trẻ em gái sinh ra sống. - Ông Đỗ Trọng Vũ
Nói về các nguyên nhân mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS), ông Đỗ Trọng Vũ cho rằng: Đó là tình trạng bất bình đẳng giới, là các giá trị, quan niệm về “trọng nam, khinh nữ” đã tồn tại và chi phối nếp nghĩ, nếp sống của người dân Việt Nam hàng nghìn năm qua. Bên cạnh đó là việc lạm dụng sự phát triển của công nghệ y học tiên tiến để lựa chọn giới tính thai nhi.
Còn ông Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế) đưa ra một thực trạng thể hiện rất rõ tư tưởng “trọng nam, khinh nữ” phổ biến tại nhiều tỉnh, thành, đó là: Nhiều người đến nay vẫn coi con trai như một giá trị đảm bảo, kể cả lúc sống lẫn khi chết. Vì thế, khi phân chia tài sản, con trai thường được chia nhiều hơn… Do đó, rất cần phải thay đổi tư duy, suy nghĩ này của người dân, nhưng đây là điều không dễ và cần phải bền bỉ, kiên trì.
Tại Thái Nguyên trong những năm qua, thực hiện Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 23/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Kiểm soát MCBGTKS giai đoạn 2016-2025, Sở Y tế đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 115/KH-UBND ngày 28/12/2016 thực hiện "Đề án kiểm soát MCBGTKS đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh và Kế hoạch số 237/KH-UBND ngày 28/12/2021 thực hiện "Đề án kiểm soát MCBGTKS tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025”.
Hằng năm, trên cơ sở Kế hoạch của UBND tỉnh, Chi cục Dân số tỉnh đã tham mưu cho Sở Y tế ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh với nhiều hoạt động. Đáng chú ý là tổ chức hàng nghìn buổi truyền thông lưu động và các cuộc hội thảo, hội nghị, các buổi nói chuyện chuyên đề liên quan đến các hoạt động nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi đối với công tác kiểm soát MCBGTKS, với sự tham gia của hàng trăm nghìn lượt người.
Biên soạn, cung cấp thông tin, tài liệu, sản phẩm truyền thông về MCBGTKS tới người dân. Đưa nội dung MCBGTKS vào các trường chính trị, trung học phổ thông, các trường y để lồng ghép trong chương trình giảng dạy. Mở 40 lớp đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ truyền thông dân số cấp huyện, các báo cáo viên các sở, ngành, đoàn thể, nhân viên y tế, cộng tác viên dân số với trên 1.500 lượt người tham gia. Tổ chức các hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với hàng trăm cơ sở y tế công lập và tư nhân và xử lý vi phạm các quy định về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi…
Tuy nhiên, tình trạng MCBGTKS ở Thái Nguyên vẫn ở mức cao và chưa có dấu hiệu giảm, khi mà việc lựa chọn giới tính thai nhi ngày càng diễn ra phổ biến, nhất là ở những cặp vợ chồng có trình độ học vấn cao và điều kiện kinh tế.
Theo Tổng cục Thống kê, cả nước sẽ dư thừa 1,5 triệu đàn ông vào năm 2034 và sẽ tiếp tục tăng qua các năm khi mà tỷ số giới tính khi sinh giảm hàng năm rất không đáng kể (chỉ được 0,1 điểm phần trăm, trong khi yêu cầu phải giảm là 0,4 điểm phần trăm/năm). Thực tế này khiến nam giới có thể phải đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng khi tìm kiếm bạn đời, trì hoãn hôn nhân hoặc sống độc thân.
Trước thực tế này, theo bà Hồ Thị Thanh Thủy, Chi cục trưởng Chi cục Dân số tỉnh: Trong quá trình triển khai thực hiện Đề án, tỉnh Thái Nguyên đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm để tiếp tục triển khai trong thời gian tới. Đó là: Cần xác định rõ thực trạng, nguyên nhân để xây dựng các nhiệm vụ, giải pháp can thiệp cho từng năm, từng giai đoạn. Khi đã xác định được nguyên nhân sâu xa của tình trạng MCBGTKS là do bất bình đẳng giới, cần triển khai mạnh mẽ, rộng khắp hơn nữa các giải pháp giáo dục, truyền thông, vận động để nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái trong gia đình, ngoài xã hội.
Theo Tổng cục Thống kê, cả nước sẽ "dư thừa" 1,5 triệu đàn ông vào năm 2034.
Bên cạnh đó, các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở cần phối hợp chặt chẽ hơn và mở rộng thêm sự tham gia của các tổ chức xã hội, các tổ chức phi chính phủ; có các quy định pháp luật cứng rắn để xử lý những vi phạm, nhằm tạo sự răn đe, từ đó có tác động tích cực đến cộng đồng, xã hội. Quan tâm đầu tư các nguồn lực, đặc biệt là đầu tư kinh phí để triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp giảm thiểu tình trạng MCBGTKS.
Hiện nay, Bộ Y tế đang tập trung xây dựng dự án Luật Dân số với mục tiêu chuyển trọng tâm chính sách từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển, dự kiến trình Chính phủ và Quốc hội trong thời gian tới, với nhiều chính sách được đề xuất thay đổi để phù hợp với tình hình, bối cảnh dân số hiện nay cũng được kỳ vọng sẽ giúp giảm tình trạng MCBGTKS trong cả nước nói chung, tại Thái Nguyên nói riêng.
Hạ Liên