Trí nhớ của con người bao giờ cũng theo một quy luật: Có hiểu mới nhớ, có dễ hiểu mới dễ nhớ. Đáng quý hơn là sau mỗi buổi online, sau mỗi buổi giảng, buổi thuyết trình nên có độ 5 phút tóm tắt lại những ý chính, những từ khóa (key words) để học sinh hoặc người nghe, người xem mạng ghi nhớ dễ dàng, đỡ lan man suy nghĩ, để thấy rõ ý nào là chính, ý nào là phụ, cái gì có thể thực hành ngay, cái gì còn phải nghiên cứu thêm. Để đạt được những vấn đề này thì có hai kỹ năng viết và nói rất quan trọng cần phải đạt được là: Ngắn và Gọn.
Đại văn hào người Anh, ông William Shakespeare (1564 – 1616) đã định nghĩa : “Sự ngắn gọn là linh hồn của trí khôn sắc sảo”.
“Ngắn và gọn” có sức mạnh, có ưu thế, có vẻ đẹp, có lợi ích nhưng không hề dễ khi thực hiện. Vì sao? Vì ngắn gọn rất khó làm và rất khó thực hiện.
Khi đi học phổ thông hay đại học, trong giờ giảng, thầy giáo, cô giáo nào nói ngắn, nói gọn mà dễ hiểu, dễ tiếp thu thì học sinh nào cũng thích vì khi ra khỏi lớp học sinh đã nhớ được những ý chính của bài học. Khi về nhà chỉ cần đọc thêm bài vài lần là đã nhớ kỹ, khó quên. Trái lại, nếu gặp phải giáo viên nào nói thật nhiều, nói lan man chẳng đâu vào đâu và viết lên bảng thật nhiều chữ nhưng khó hiểu, khó nhớ, khó tiếp thu thì học sinh rất sợ vì sẽ mất nhiều thì giờ để học thêm, xem thêm qua sách giáo khoa hoặc qua các thầy cô khác. Có người giải thích: “Nếu thầy cô giáo hiểu biết rộng, kiến thức vững vàng, biết 10 dạy 1, 2 thì học sinh rất dễ hiểu. Trái lại, nếu thầy cô giáo biết ít, không “tiêu hóa” được kiến thức thật nhuần nhuyễn thì việc dạy cho người khác là rất vất vả và ít thành công”.
Triết gia François Fénilon (1651 – 1715) đã hướng dẫn cụ thể: “Anh càng nói nhiều, người nghe càng nhớ ít. Nên nhớ rằng: Ngôn từ càng ít, lợi ích càng tăng lên”. Để đề phòng nói nhiều, nói dai, nói dài do không nắm vững vấn đề, tại các Hội nghị, Hội thảo có quy định nói 10 phút, 15 phút ... cho một bài thuyết trình. Hết giờ người chủ trì tự động lắc chuông hoặc bấm chuông báo hết giờ. Muốn nói được cho đúng thời gian mà có kết quả, ai ai cũng phải nắm vững đầu ra (out come) của bài thuyết trình. Nếu không có đầu ra rõ ràng, nghĩa là bản thân người giảng, người thuyết trình cũng không biết được yêu cầu và mục tiêu của bài giảng, của Hội thảo là gì, mình cần và nên đóng góp những ý kiến cụ thể nào thì coi như rất ít kết quả. Như thế, rất cần phải hình thành, tổ chức các khóa học, lớp học, lớp bồi dưỡng về cách dạy: “Viết ngắn gọn và nói ngắn gọn”.
Ai đã học văn học Nga sẽ không bao giờ quên được đoạn thư sau đây của đại thi hào Alexandre Pouchkine (1799 – 1837) viết cho mẹ ông: “Xin mẹ vui lòng đọc lá thư dài này của con, vì con không đủ thời gian để viết ngắn”. Câu này của Pouchkine làm nhiều người giật mình. Vì sao thế? Vì viết dài thì dễ, cứ nghĩ đến đâu viết đến đấy, có khi lan man, trùng lặp mà người đọc không hiểu đâu là việc chính, dâu là việc phụ. Còn viết ngắn thì cực khó, phải suy đi nghĩ lại, cân nhắc thêm bớt từng câu từng chữ sao cho ngắn, cho dễ hiểu, dễ đọc nhưng vẫn đủ ý muốn diễn đạt, thành ra mất nhiều thì giờ cho một bức thư ngắn nhưng đầy đủ, xúc tích. Thế mới biết, nói ngắn, viết ngắn là mơ ước của biết bao nhiêu con người muốn trưởng thành, muốn tiến bộ, muốn được nhiều người yêu quý trong cuộc sống hàng ngày.
Tiếp tục bàn luận về “dễ hiểu, dễ nhớ” và “ngắn gọn” ta thấy rõ: Nếu là người đi học, ta mong muốn được nghe bài giảng ngắn gọn để ta dễ hiểu, dễ nhớ. Nếu ta là người phải nói chuyện, phải trình bày, phải trao đổi thảo luận với người khác, ta phải cố gắng ngắn, gọn nhằm mục đích cho đối tượng dễ hiểu, dễ nhớ sẽ có lợi cho công việc, sẽ có lợi cho sự mong muốn của ta.
Triết gia cổ đại người Đức, ông Martin Luther (1483 – 1546) đã chỉ rõ: “Lời thỉnh cầu, càng ít ngôn từ, càng có hiệu quả”. Tác giả Louise Brools lại nói cụ thể hơn: “Chỉ nên viết ra 1%, còn bỏ đi 99% sự suy nghĩ thì sẽ có được bài văn có giá trị”. Như vậy, phải biết bao nhiêu khổ luyện, bao nhiêu vất vả để học viết ngắn, nói ngắn!
Nhớ lại thời gian làm việc trong một tạp chí khoa học, dù đã có hướng dẫn đầy đủ các điều kiện nhận bài nhưng tạp chí vẫn nhận được nhiều bài viết tràng giang, đại hải, dài đến 9 – 10 trang A4 với cỡ chữ 12. Khi tòa soạn nhắc tác giả thu gọn bài lại thành 4 trang thì tác giả hết sức lúng túng, không biết nên bỏ đi đoạn nào, chỗ nào.
Tác giả George Burn (1896 – 1996) đã bật mí cho bí quyết sau đây: “Bí mật của một bài thuyết trình thành công là có phần mở đầu hay và một kết luận rõ ràng, nhất là hai phần này phải có liên quan khăng khít với nhau”. Trên thực tế đã có những bài thuyết trình với phần mở đầu rất hay, đặt nhiều hy vọng cho người nghe, nhưng hỡi ôi, cái kết luận teo tóp, nghèo nàn vì nội dung quá yếu kém, làm cả hội trường thất vọng. Đối với một bài viết cũng vậy, muốn cho người đọc dễ hiểu và dễ nhớ, phần kết luận hay đề xuất phải phù hợp với phần mở đầu và phần tổng quan để tránh đầu voi đuôi chuột và cần làm sao chứng minh được người viết đã “tiêu hóa” được những câu, những chữ mà mình đã viết ra.
Như vậy, để có kỹ năng ngắn và gọn để đạt được dễ hiểu và dễ nhớ trong đời sống hàng ngày, cần:
+ Học tập thói quen ngắn, gọn, cô đọng, súc tích: Cần chú trọng dạy cho trẻ từ lớp mẫu giáo, phổ thông cơ sở, phổ thông trung học những suy nghĩ ngắn gọn, nói ngắn gọn, viết ngắn gọn. Cần tuyển giáo viên dạy Tiếng Việt, dạy Ngữ văn, dạy Giáo dục công dân là những người có trình độ chuyên môn giỏi để đào tạo ra được những thế hệ học sinh có thói quen tư duy suy nghĩ ngắn gọn sẽ có lợi trong giao tiếp hàng ngày và trong các bài văn viết. Hàng tháng hoặc hàng quý cần mời các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học đến trường nói chuyện để tập cho các em những mẫu mực của trí tuệ ngắn gọn, tư duy súc tích, phong phú.
+ Dạy cho các thế hệ học sinh cách sống giản dị, suy nghĩ giản dị thì sẽ có thói quen nói ngắn gọn và viết ngắn gọn..
Nhà bác học thiên tài người Đức, ông Albert Schweitzer (1875 – 1923) đã khẳng định: “Cái hỗn tạp tạo ra cái khó hiểu. Cái giản dị tạo ra cái ngắn gọn”. Đây là một chân lý, đúng cả trong khoa học tự nhiên và khoa học xã hội.
Trong tác phẩm “Nghệ thuật thi ca”, thi sĩ vĩ đại người Pháp, ông Nicolas Boileau (1636 – 1711) đã hướng dẫn cụ thể: “Hãy giản dị với nghệ thuật, hãy nhã nhặn mà không kiêu hãnh, hãy xinh đẹp mà không son phấn”. Rõ ràng những ai biết tuân theo lời dạy này của Boileau sẽ tạo ra được những câu thơ ngắn gọn nhưng súc tích để đời.
Khép lại bài viết, cần nhớ đến lời dạy của William Hazlitt (1778 – 1830): “Bản chất giản dị là quy luật tự nhiên của tư duy sâu sắc và ngắn gọn”. Xin chúc tất cả chúng ta ai cũng có cuộc sống giản dị để nói và viết ngắn gọn, giúp cho mọi người dễ hiểu, dễ nhớ làm cho cuộc sống thêm phong phú và tươi đẹp.
Trần Hữu Thăng