Đối mặt với nguy cơ mất an toàn
Theo thống kê của Cục Quản lý và Xây dựng công trình thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), nước ta hiện có gần 8.000 đập, hồ chứa (gồm hồ thủy điện, hồ thủy lợi) với tổng dung tích khoảng 68 tỷ mét khối nước. Riêng đập, hồ chứa thủy lợi hiện có 7.315 hồ, đập (592 đập dâng, 6.723 hồ chứa) với tổng dung tích khoảng 15,2 tỷ mét khối nước. Hiện các hồ thủy điện và hồ thủy lợi lớn đều có cửa xả lũ, quy trình vận hành chặt chẽ và dung tích được thiết kế có khả năng cắt lũ, phòng lũ cho hạ du nên bảo đảm an toàn. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, theo quy hoạch đến năm 2030, ngành thủy lợi dự kiến xây dựng thêm 31 hồ chứa nước để tăng dung tích trữ nước lên thêm 1,92 tỷ mét khối.
Ông Lương Văn Anh, Phó cục trưởng Cục Quản lý và Xây dựng công trình thủy lợi cho biết, các đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi trường được giao quản lý 4 hồ thủy lợi lớn, quan trọng đặc biệt, gồm: Cửa Đạt, Ngàn Trươi, Tả Trạch, Dầu Tiếng. Còn lại khoảng 6.700 hồ thủy lợi vừa và nhỏ do các địa phương quản lý: Cụ thể, cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý kỹ thuật hơn 2.300 hồ chứa vừa và nhỏ (chiếm khoảng 34%); các đơn vị cấp huyện, xã quản lý kỹ thuật hơn 4.400 hồ chứa (chiếm khoảng 66%).
Các hồ chứa thủy lợi gánh trên vai nhiều nhiệm vụ trọng yếu, như: Cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt, kết hợp cắt, giảm lũ và phục vụ đa mục tiêu như cấp nước phát điện, tạo không gian phát triển điện mặt trời, nuôi trồng thủy sản, phát triển du lịch...
Rải bạt chống thấm cho mái đập hồ thủy lợi Nà Tằm, xã Cao Sơn (Đà Bắc, Hòa Bình) sau đợt mưa lũ tháng 7-2024. Ảnh: NGỌC LAN
Điều đáng lo ngại nhất hiện nay đối với các hồ, đập (bao gồm hồ thủy lợi, hồ thủy điện vừa và nhỏ) là phải đối mặt với hàng loạt thách thức trong quá trình vận hành, khai thác như: Biến đổi khí hậu, mưa lớn bất thường, thậm chí dị thường, khó dự báo gây lũ quét, lũ ống khiến việc quản lý, vận hành các hồ chứa càng trở nên khó khăn hơn trước. Đặc biệt, nhiều hồ chứa thủy lợi đã xuống cấp, hư hỏng nhưng chưa được sửa chữa hoặc sửa chữa chắp vá gây nguy cơ lớn về an toàn đối công trình và khu vực hạ du.
Ông Đỗ Văn Thành, Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi cho hay, nhiều đập, hồ chứa của nước ta đã xây dựng hơn 30 năm, thậm chí lâu hơn và đã xảy ra hư hỏng, xuống cấp, bồi lắng lòng hồ. Hiện, một số hồ thủy lợi đã được xây dựng bản đồ ngập lụt nhưng chưa được đánh giá năng lực thoát lũ hạ du. Thậm chí có không ít hồ chứa vừa và nhỏ còn chưa có phương án bảo đảm an toàn hồ, đập và hầu hết không có dung tích theo thiết kế để cắt lũ, phòng lũ cho khu vực hạ du.. Thậm chí, ngay hành lang thoát lũ ở hạ du của một số hồ chứa bị xâm lấn, dòng chảy co hẹp, không bảo đảm thoát lũ thiết kế, gây ra úng ngập hạ du khi các hồ này vận hành xả lũ. Bên cạnh đó, công tác dự báo, cảnh báo mưa lũ, nguồn nước đến hồ còn hạn chế, gây ảnh hưởng tới công tác vận hành và an toàn hồ chứa. Ngoài ra, tổ chức bộ máy quản lý, khai thác, vận hành, bảo đảm an toàn đập còn hạn chế, bất cập, trình độ quản lý của đội ngũ vận hành các hồ chứa vừa và nhỏ do cấp huyện, xã quản lý hiện vừa thiếu, vừa yếu. Những bấp cập, hạn chế này đang gây nguy cơ mất an toàn hồ chứa và là nỗi lo của người dân ở khu vực hạ du.
Theo quy định, các hồ chứa thủy lợi phải có quy trình vận hành được lập, phê duyệt, công bố công khai theo quy định. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có 28% số hồ chứa thủy lợi này lập được quy trình vận hành (gồm 213 hồ tràn có cửa van điều tiết và 1.600 hồ chứa thủy lợi không có cửa van điều tiết, sử dụng tràn tự do). Các hồ chứa theo quy trình vận hành hiện nay chủ yếu căn cứ vào các yếu tố thời tiết dự báo (dự báo mưa), nhưng lại thiếu các thiết bị quan trắc, đo mưa trên lưu vực hồ chứa nên đã gây không ít khó khăn trong quá trình vận hành, quản lý, khai thác, sử dụng, nguy cơ gây mất an toàn vẫn còn đó.
Nâng cao năng lực thông tin, dự báo để vận hành hồ chứa an toàn
Để bảo đảm an toàn các hồ thủy lợi, ông Đỗ Văn Thành kiến nghị, trong thời gian tới, ngành thủy lợi cần tăng cường tham mưu xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật trong quản lý, đầu tư, bảo vệ công trình hồ chứa, đập dâng nhằm phát huy hiệu quả công trình và bảo đảm an toàn công trình, an toàn hạ du; xây dựng và điều chỉnh quy trình vận hành... đặc biệt là đối với các hồ chứa, đập dâng vừa và nhỏ.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu ứng dụng công nghệ tiên tiến trong tính toán quy hoạch, thiết kế, xây dựng và vận hành công trình, tích cực nghiên cứu cơ chế huy động đa dạng nguồn lực trong đầu tư, khai thác và bảo vệ công trình hồ chứa, đập thủy lợi.
Cùng với đó, cần rà soát, hoàn thiện hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật phục vụ khảo sát, thiết kế, thi công, quản lý, vận hành đập, hồ chứa nước phù hợp với tình hình mới. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới như hệ thống quan trắc tự động và các công cụ hỗ trợ ra quyết định vận hành... Đặc biệt, một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên là nâng cao năng lực thông tin, cảnh báo, dự báo, xây dựng các hệ thống quan trắc ở vùng thượng lưu và các hồ chứa để hỗ trợ phân tích thủy văn, giúp quản lý, vận hành hồ chứa bảo đảm an toàn, hiệu quả. Chỉ khi những giải pháp đồng bộ được triển khai quyết liệt thì hồ chứa mới không còn chứa nỗi lo, đặc biệt khi mưa lũ đến.
NGUYỄN KIỂM