Để không còn 'khoảng trống' pháp luật

Để không còn 'khoảng trống' pháp luật
7 giờ trướcBài gốc
Kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội năm 2024 cũng cho thấy, có 79 văn bản ban hành chậm hơn thời điểm có hiệu lực thi hành của luật, pháp lệnh, nghị quyết; còn 147 điều, khoản thuộc 21 luật giao quy định chi tiết chưa được ban hành.
Văn bản quy định chi tiết có vai trò quan trọng để bảo đảm các quy định pháp luật được áp dụng đồng bộ, thống nhất, hiệu quả. Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, dự thảo văn bản quy định chi tiết là một trong những tài liệu bắt buộc phải được chuẩn bị và trình đồng thời với dự án luật, pháp lệnh. Tuy vậy, nhiều cơ quan vẫn chưa tuân thủ nghiêm quy định. Điều đáng nói là, chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý tình trạng này. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm, nợ đọng văn bản quy định chi tiết kéo dài thời gian qua, nhưng chưa được khắc phục triệt để.
Nợ đọng văn bản quy định chi tiết dẫn đến nhiều hệ lụy. Chính khoảng trống pháp luật này đã dẫn đến các quy định của luật, nghị định có hiệu lực pháp luật nhưng bị “treo”. Tình trạng luật “chờ” nghị định, nghị định “chờ” thông tư làm cho luật, nghị định chậm đi vào cuộc sống.
Ngoài ra, khoảng trống pháp luật này cũng gây lúng túng cho cơ quan, cá nhân thực thi các quy định pháp luật, dễ dẫn đến tâm lý sợ sai không dám làm, hoặc vận dụng tùy tiện, không thống nhất, dễ xảy ra sai phạm. Cùng với đó, việc thiếu hướng dẫn rõ ràng khiến người dân, tổ chức không thể tiếp cận và thực hiện quyền, nghĩa vụ theo luật định. Sự chậm trễ ban hành quy định chi tiết gây thiệt hại về kinh tế và làm chậm các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Nợ đọng văn bản quy định chi tiết cũng cho thấy kỷ luật, kỷ cương lập pháp của chúng ta chưa nghiêm.
Trước yêu cầu của đổi mới và phát triển hiện nay, đòi hỏi hệ thống pháp luật ngày càng phải hoàn thiện, chặt chẽ, thống nhất. Muốn vậy, chúng ta phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương lập pháp, sớm khắc phục tình trạng chậm, nợ đọng văn bản quy định chi tiết. Theo đó, tăng cường hoạt động giám sát của các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội đối với vấn đề này. Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội chủ động rà soát, kịp thời phát hiện các nội dung được giao nhưng chậm hoặc chưa được ban hành văn bản quy định chi tiết. Thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các kết luận, kiến nghị giám sát. Cùng với đó, phải nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ pháp chế ở các bộ, ngành về kỹ năng soạn thảo, phản biện, phân tích chính sách.
Hiện nay, trong các báo cáo liên quan đã chỉ rõ cơ quan chậm ban hành văn bản hướng dẫn cũng như cụ thể hóa số lượng nợ đọng văn bản quy định chi tiết. Chỉ rõ địa chỉ chậm ban hành, nợ đọng văn bản là một trong những biện pháp nhằm nâng cao trách nhiệm của cơ quan trong ban hành văn bản quy định chi tiết. Điều này là cần thiết nhưng chưa đủ, mà cần rõ trách nhiệm cụ thể của cơ quan chủ trì, phối hợp, đặc biệt là người đứng đầu trong việc để xảy ra tình trạng chậm, nợ đọng văn bản quy định chi tiết. Cần lấy tiến độ, chất lượng ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có văn bản hướng dẫn là một chỉ tiêu, tiêu chí đánh giá thi đua và xếp loại đảng viên, cán bộ, công chức. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 quy định rõ, cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trình dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật chịu trách nhiệm về tiến độ trình và chất lượng dự án, dự thảo văn bản do mình trình. Người đứng đầu của cơ quan, tổ chức chịu trách nhiệm trực tiếp khi để xảy ra tình trạng trình hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền chậm tiến độ…
Chỉ khi cá thể hóa được trách nhiệm, khen thưởng, chế tài xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân một cách kịp thời, công khai và đủ răn đe thì mới không để xảy ra khoảng trống pháp luật vì nợ đọng văn bản quy định chi tiết. Khi các văn bản quy định chi tiết được ban hành đúng hạn, thống nhất, chặt chẽ, sẽ tạo khung khổ pháp lý hoàn thiện, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền vững mạnh, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Song Hà
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/de-khong-con-khoang-trong-phap-luat-post411826.html