Tại sao lại là 35 mà không phải 30 hay 40?
Tuổi 35 thường được coi là dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp của nhiều người. Đây là thời điểm mà nhiều người đã tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng, và đạt được một số thành tựu nhất định, nhưng cũng đối mặt với không ít thách thức.
Nếu bắt đầu đi làm từ năm 22 tuổi (người lao động gen Z thậm chí quen với môi trường làm việc từ năm 20), người lao động thường mất 3-5 năm để hoàn thiện kỹ năng và kiến thức ngành. Trong giai đoạn này, họ có cơ hội được cất nhắc lên trưởng nhóm và cần thêm 2-3 năm để vươn lên cấp quản lý trung. Đây là lộ trình lý tưởng của những người làm việc nghiêm túc và không ngừng học hỏi. Ngược lại, nếu chọn sai ngành nghề, hành trình có thể kéo dài hơn nhiều.
Để không phải hối tiếc sau 35 tuổi, việc chủ động xây dựng kế hoạch, định hướng và phát triển là điều cần thiết.
Việc chủ động xây dựng kế hoạch, định hướng và phát triển là điều cần thiết với mỗi cá nhân. Ảnh: MISA
Hiểu rõ giá trị và ưu tiên cá nhân
Trước hết là hiểu rõ giá trị và ưu tiên cá nhân với ba điều quan trọng. Một là đánh giá giá trị cá nhân bằng việc suy nghĩ về điều gì là quan trọng nhất: an toàn tài chính, sự phát triển bản thân, ảnh hưởng đến cộng đồng hay có thời gian cho gia đình.
Tôi bắt đầu sự nghiệp với công việc trợ lý tổng giám đốc. Sau 10 năm khi dạo quanh thị trường và thấy thời điểm các công ty đăng tuyển toàn vị trí trợ lý dưới 30 tuổi, tôi nhận ra “Nếu như tiếp tục vị trí này, mình sẽ bị đào thải sớm thôi”. Tôi tiếp tục đặt câu hỏi cho bản thân: “Mình sẽ làm gì tiếp? Chuyển sang nghề gì?”
Sau khi xem xét về thế mạnh của bản thân, kinh nghiệm tích lũy, tôi quyết định chuyển sang làm nhân sự và bắt đầu ở vị trí thực tập sinh nhân sự song song với việc bắt đầu chương trình học thạc sĩ quản trị nguồn nhân lực.
Xác định ưu tiên ngắn hạn và dài hạn là điều cần thiết. Các mục tiêu ngắn hạn như thăng tiến nhanh, học thêm kỹ năng mới có thể hỗ trợ cho mục tiêu dài hạn như sự ổn định và phát triển bền vững. Thời điểm đó, tôi xác định mục tiêu ngắn hạn là hoàn thành chương trình học và mục tiêu dài hạn là trở thành quản lý nhân sự năm 40 tuổi.
Giữ gìn sự nhất quán là yếu tố quan trọng. Một khi đã xác định được giá trị và ưu tiên, hãy để chúng định hướng cho các quyết định. Điều này sẽ giúp mỗi cá nhân không bị phân tán bởi các yếu tố ngoại cảnh và giữ được tính nhất quán trong sự nghiệp.
Đầu tư vào phát triển bản thân
Việc không ngừng học hỏi, tham gia các khóa học, hội thảo hoặc tự học qua sách vở sẽ giúp mỗi cá nhân luôn cập nhật kiến thức và nắm bắt được xu hướng.
Chị Minh là một quản lý nhân sự tại một công ty vừa và nhỏ, nhận thấy khả năng giao tiếp tiếng Anh của mình còn yếu, ảnh hưởng đến việc giao tiếp với đối tác nước ngoài. Chị quyết định đầu tư vào học tiếng Anh và các kỹ năng mềm khác, giúp chị tự tin hơn trong công việc và mở ra nhiều cơ hội hợp tác quốc tế.
Phát triển kỹ năng mềm như giao tiếp, quản lý thời gian và giải quyết vấn đề ngày càng quan trọng, đặc biệt là khi lên vị trí quản lý. Đặt mục tiêu cá nhân hàng năm sẽ giúp mỗi người duy trì động lực và theo dõi tiến độ.
Xây dựng mạng lưới quan hệ vững chắc
Xây dựng mạng lưới quan hệ vững chắc là nền tảng hỗ trợ sự nghiệp lâu dài. Hãy xây dựng mối quan hệ chân thành, không chỉ kết nối khi bạn cần, mà hãy duy trì sự trao đổi, chia sẻ thường xuyên. Tham gia các sự kiện và cộng đồng chuyên ngành là cơ hội tốt để học hỏi và mở rộng kết nối.
Kết nối đa dạng, không giới hạn trong ngành nghề hoặc công ty hiện tại, sẽ giúp mỗi cá nhân có góc nhìn đa chiều và mở rộng cơ hội.
Giữ thái độ linh hoạt và cởi mở với thay đổi
Giữ thái độ linh hoạt và cởi mở với thay đổi cũng là một yếu tố không thể thiếu. Sẵn sàng thay đổi, đối mặt với thử thách, và linh hoạt thích nghi với vai trò hay môi trường làm việc khác nhau sẽ giúp bạn trưởng thành hơn.
Chị Mai, 38 tuổi, trưởng phòng kinh doanh tại một công ty bất động sản, chia sẻ rằng khối lượng công việc của chị tăng lên đáng kể khi công ty triển khai các ứng dụng công nghệ vào quản lý. Nhiều đồng nghiệp trong phòng cảm thấy khó thích nghi, thậm chí một số đã quyết định nghỉ việc.
Ban đầu, chị Mai cũng cảm thấy việc áp dụng phần mềm mới tốn thời gian và khiến chị có cảm giác bị giám sát chặt chẽ hơn. Đã có lúc chị nghĩ đến việc từ bỏ. Tuy nhiên, sau khi bình tĩnh phân tích lợi ích mà công nghệ mang lại, chị quyết định học cách sử dụng và nhanh chóng thích nghi. Chính sự linh hoạt này đã giúp phòng kinh doanh của chị làm việc hiệu quả hơn, từ đó góp phần tăng doanh thu đáng kể cho công ty.
Xác định mục tiêu và lộ trình dài hạn
Việc đặt mục tiêu cụ thể là bước đầu tiên để xây dựng một định hướng sự nghiệp rõ ràng. Mỗi cá nhân cần xác định rõ mình mong muốn đạt được điều gì sau 5 năm hoặc 10 năm. Những mục tiêu dài hạn không chỉ giúp định hình con đường phía trước mà còn tạo nền tảng để điều chỉnh kế hoạch khi cần thiết.
Sau khi đã có mục tiêu, việc xây dựng một lộ trình chi tiết với các cột mốc cụ thể sẽ giúp mỗi người có thể theo dõi tiến độ, hiểu rõ vị trí hiện tại của bản thân và biết được những việc cần làm để tiến gần hơn đến mục tiêu đã đặt ra.
Bên cạnh đó, việc kiểm tra và điều chỉnh định kỳ lộ trình sự nghiệp là yếu tố không thể thiếu. Trong bối cảnh thế giới luôn thay đổi, định hướng cá nhân cũng cần được đánh giá lại để đảm bảo phù hợp với hoàn cảnh và mục tiêu hiện tại.
Dành thời gian cho sức khỏe và gia đình
Sức khỏe là nền tảng cho mọi thành công. Việc chăm sóc sức khỏe không chỉ giúp đảm bảo hiệu suất làm việc mà còn duy trì khả năng lao động bền vững trong dài hạn. Điều này đòi hỏi một lối sống lành mạnh, bao gồm thời gian nghỉ ngơi hợp lý, luyện tập thể chất thường xuyên, và chế độ dinh dưỡng phù hợp.
Bên cạnh đó, cân bằng giữa công việc và cuộc sống là yếu tố quan trọng để duy trì hạnh phúc và sự ổn định. Việc phân bổ thời gian hợp lý không chỉ giúp hoàn thành tốt các nhiệm vụ công việc mà còn tạo cơ hội để chăm sóc gia đình và bản thân.
Anh Dũng, từng là giám đốc kinh doanh của một tập đoàn lớn, thường xuyên làm việc đến tối muộn và cảm thấy sức khỏe suy giảm nghiêm trọng. Không có đủ thời gian cho gia đình khiến anh nhận ra mình cần thay đổi. Anh quyết định rời khỏi vị trí áp lực cao để chuyển sang một công việc nhẹ nhàng hơn. Sự thay đổi này đã giúp anh cải thiện sức khỏe và có thêm thời gian dành cho gia đình, điều mà anh cho là giá trị nhất trong cuộc sống.
Mỗi người, ở một thời điểm nhất định, sẽ nhận ra điều gì quan trọng với bản thân để đạt được sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Tuy nhiên, không phải nhà tuyển dụng nào cũng cởi mở để hiểu lý do tại sao một ứng viên có kinh nghiệm lâu năm, từng giữ vị trí quản lý hoặc có mức lương cao, lại sẵn sàng ứng tuyển vào vị trí thấp hơn. Khi không tìm hiểu kỹ động cơ này, họ có thể đặt nghi vấn về năng lực thực sự của ứng viên, dẫn đến những đánh giá sai lầm.
Để không phải hối tiếc trong sự nghiệp sau tuổi 35, việc chủ động phát triển bản thân, xây dựng và duy trì các mối quan hệ, cùng thái độ cởi mở với thay đổi là những yếu tố quan trọng.
Cuộc sống giống như đi nhầm vào một thang cuốn ngược chiều. Nếu muốn bước lên tầng trên, cần phải bước nhanh và mạnh mẽ. Nếu chỉ đứng yên, thang cuốn sẽ đưa ta trở về vị trí ban đầu.
Trần Thị Ngọc Thảo