Để không phải nói 'Giá như...' cho hôn nhân

Để không phải nói 'Giá như...' cho hôn nhân
14 giờ trướcBài gốc
Ảnh minh họa
Nhẽ ra chúng ta đã hạnh phúc
Chẳng phải chúng ta đã vì hạnh phúc mà cưới, vì người ấy chính là hạnh phúc của ta đấy sao? Nhẽ ra trong hôn nhân này, chúng ta phải là người hạnh phúc chứ, đúng không?
Là ai đã cướp đi hạnh phúc này vậy? Có phải vì kẻ thứ ba hay thói tham lam của chồng ta, đã có vợ nhưng vẫn ngoại tình? Chúng ta nếu muốn có thể liệt kê ra hàng tá "kẻ cướp hạnh phúc". Nhưng hạnh phúc vốn không bị ai cướp đi hết, hạnh phúc của ta chỉ là… dần dần bị chính chúng ta lãng quên.
Là chúng ta để mai một những điều tốt đẹp và hạnh phúc chúng ta từng có. Như:
- Không còn lắng nghe nhau.
- Không còn trao cho nhau sự tôn trọng và yêu thương nhỏ bé hàng ngày.
- Để công việc, con cái, áp lực xã hội chiếm hết thời gian và năng lượng.
- Để tổn thương tích tụ thành rạn nứt, rồi từ rạn nứt thành vực sâu.
- Để hy vọng trở thành thất vọng âm ỉ, kéo dài đến mức không còn muốn sửa chữa.
Hạnh phúc mai một và một ngày nó biến mất. Khi ta chọn im lặng, thay vì nói ra. Là bởi nói mãi rồi đối phương không chịu thay đổi nên ta chọn im lặng. Là bởi nói ra có thể tan hoang, mà chọn chép miệng, thỏa hiệp. Khi một trong hai chọn… thờ ơ. Thôi nỗ lực, cảm thấy không còn muốn cố gắng nữa. Cái tôi của ta lớn hơn tình yêu, tự ái của ta quan trọng hơn hạnh phúc chung.
Nhà văn Hoàng Anh Tú
Nhẽ ra chúng ta đã hạnh phúc! Nhưng từ từ đã: Hạnh phúc không phải là phần thưởng - mà là kết quả của hành động. Hôn nhân không phải là nơi bạn "được yêu", mà là nơi bạn chọn yêu thương mỗi ngày - dù mệt mỏi, dù xung đột, dù bất đồng. Hạnh phúc không bị cướp đi - nó chỉ biến mất khi chúng ta ngừng vun đắp.
Là bạn hay bạn đời của bạn đã ngừng vun đắp vậy? Giá như ta còn nhớ lý do vì sao ta cưới họ, vì sao họ đã chọn ta để dùng nó mà chữa lại cho lành những thương tổn? Nhẽ ra chúng ta đã hạnh phúc mà, nếu như…
Những "giá như" ta biết
Có hàng trăm câu "giá như" khi chúng ta đủ trưởng thành, đủ bao dung, đủ lùi xa để nhìn lại, ta mới nhận ra và thốt lên.
Như "giá như chúng ta chịu lắng nghe nhau thực sự". Chúng ta tưởng mình đang lắng nghe nhưng thực ra ta luôn chỉ chờ đến lượt mình được nói. Thậm chí đôi khi ta không kiên nhẫn để chờ được. Giá như chúng ta biết cách lắng nghe bằng trái tim và không phản ứng bằng cái tôi, thì nhiều tranh cãi đã không trở thành vết thương sâu hoắm.
Như "giá như ta biết tình yêu thôi chưa đủ để duy trì một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Cần có sự tôn trọng, giao tiếp hiệu quả, lòng kiên nhẫn và khả năng giải quyết mâu thuẫn". Hẳn ta đã không coi nhau là kẻ thù trong xung đột. Chúng ta đã không chiến đấu với nhau như 2… đối thủ, thay vì cùng nhau vượt qua vấn đề.
Chúng ta quá bận rộn với cuộc sống, mà quên mất rằng chúng ta từng là ưu tiên lớn nhất của nhau. Giá như chúng ta không dùng im lặng như một vũ khí. Để rồi chúng ta giết chết cơ hội hàn gắn lại.
Giá như chúng ta học được cách buông bỏ cái tôi để giữ lấy người mình yêu thương. Giá như chúng ta không xem nhẹ những cử chỉ yêu thương nhỏ bé: Một lời cảm ơn, một cái ôm, một nụ cười… những điều nhỏ ấy dần biến mất từ bao giờ trong cuộc hôn nhân này?
Giá như ta học cách tha thứ thật sự và không giữ rễ của tổn thương trong từng câu nói, từng ánh mắt, có lẽ hôn nhân này có tương lai xa hơn nữa rồi. Giá như chúng ta không để sự thờ ơ giết chết tình yêu, ta kịp nhận ra rằng thờ ơ chính là dấu hiệu đầu tiên của sự kết thúc.
Và giá như chúng ta không dùng lời nói như dao sắc mà cứa vào nhau. Ta nói những điều mà ngay cả kẻ thù ta cũng không dám nói. Giá như ta học cách kiểm soát ngôn từ trong lúc tức giận thì có lẽ vết thương trong tim người ấy đã không quá sâu để không thể chữa lành.
Ảnh minh họa
Giá như ta biết rằng niềm tin giống như gương - vỡ rồi khó lành thì có lẽ ta đã giữ gìn nó cẩn trọng hơn. Giá như ta đủ trưởng thành để nhận ra những "giá như" này…
Cho hôn nhân một từ bi
Không phải chỉ là những "giá như" đâu, mà là cho hôn nhân một từ bi từ mình. Không đơn thuần là tha thứ. Cũng không chỉ là bớt tranh cãi. Từ bi trong hôn nhân là:
1. Hiểu rằng cả hai đều yếu đuối theo cách riêng của mình
Anh ấy có thể lạnh lùng vì sợ bị tổn thương.
Cô ấy có thể khóc nhiều vì quá mệt mỏi.
Chúng ta ai cũng mang theo những vết thương cũ, và đôi khi chính điều đó khiến ta làm tổn thương nhau.
2. Tha thứ không phải là nhẫn nhịn - mà là buông xuống nỗi đau
Từ bi là khi bạn chọn không dùng lỗi lầm của người kia để trả thù họ suốt đời, dù bạn có lý do để làm vậy.
3. Biết rằng không phải tất cả những lời nói tổn thương đều xuất phát từ lòng độc ác
Có thể anh ấy nói nặng lời - nhưng thực ra là vì đang kiệt sức.
Có thể cô ấy im lặng - nhưng thực ra là vì không còn biết nói gì nữa.
Bằng lòng từ bi của mình, hãy hỏi lòng mình:
Tôi có đang nhìn người bạn đời của tôi như một con người thực thụ - với điểm mạnh, điểm yếu, tổn thương và giới hạn của họ?
Tôi có sẵn lòng lắng nghe họ như một người đang đau - chứ không phải kẻ đang gây tổn thương?
Tôi có thể yêu họ trong lúc họ tệ nhất - hay chỉ khi họ đáng yêu?
Liệu tôi có đang đòi hỏi sự hoàn hảo nơi người mà tôi từng yêu bởi vì họ không hoàn hảo?
Trưởng thành trong hôn nhân không phải là khi bạn đúng hơn người kia.
Mà là khi bạn biết đặt trái tim mình sang một bên để nhìn thấy trái tim của người khác. Yêu bằng lý trí là yêu có lý do. Yêu bằng từ bi là yêu có chiều sâu.
GIÁ NHƯ NHỮNG NGƯỜI VỢ BIẾT…
Giá như tôi không hy sinh quá đến mức đánh mất chính mình
Giá như tôi biết rằng sự hy sinh mù quáng không khiến người khác trân trọng mình hơn, mà đôi khi lại khiến họ xem nhẹ giá trị của tôi.
Giá như tôi không ôm đồm mọi thứ một mình
Giá như tôi dám chia sẻ gánh nặng, dám nói "không", dám yêu cầu được giúp đỡ, thì có lẽ tôi đã không cô đơn trong chính ngôi nhà của mình.
Giá như tôi không để lòng tự trọng bị chà đạp dưới danh nghĩa "vì con" hay "vì gia đình"
Giá như tôi hiểu rằng dạy con bằng cách sống đúng với giá trị bản thân mới là bài học lớn nhất, thì có lẽ tôi đã rời đi sớm hơn - để bảo vệ cả con và chính mình.
Giá như tôi không đặt quá nhiều kỳ vọng vào chồng như thể anh ấy là "tất cả"
Giá như tôi học cách giao tiếp rõ ràng và không biến tình yêu thành gánh nặng cho người khác, thì có lẽ giữa chúng tôi sẽ có nhiều thấu hiểu hơn.
Giá như tôi không dùng nước mắt và im lặng như vũ khí duy nhất
Giá như tôi học cách bày tỏ cảm xúc một cách trưởng thành, chứ không chỉ dựa vào phản ứng tiêu cực để được chú ý, thì có lẽ chồng tôi đã không cảm thấy bất lực và xa cách.
Giá như tôi không để việc chăm sóc gia đình cản bước phát triển cá nhân
Giá như tôi vẫn giữ cho mình một phần thế giới riêng, một chút đam mê, một vài mối quan hệ ngoài hôn nhân, thì có lẽ tôi đã không cảm thấy lạc lõng khi hôn nhân rạn nứt.
Giá như tôi học cách yêu chính bản thân mình trước khi yêu người khác
Giá như tôi biết rằng hạnh phúc thật sự bắt đầu từ việc bạn cảm thấy đủ đầy ngay cả khi chưa có ai bên cạnh, thì có lẽ tôi đã không chạy theo những mối quan hệ đầy tổn thương.
Lời nhắn gửi đến các người vợ:
Bạn không phải là người chịu đựng, không phải là người hy sinh vô điều kiện, càng không phải là người ôm đồm mọi thứ để giữ hình ảnh "người vợ hiền".
Bạn là một con người thực thụ - với cảm xúc, nhu cầu, giới hạn và giá trị riêng.
Đừng để hôn nhân biến bạn thành bóng dáng của chính mình.
Hoàng Anh Tú
Nguồn Phụ Nữ VN : https://phunuvietnam.vn/de-khong-phai-noi-gia-nhu-cho-hon-nhan-20250721130259281.htm