Kiến nghị của cử tri là những phản ánh rõ nét cho những bất cập đang tồn tại trong thực tiễn
Trước Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP. Huế thông tin, tại Kỳ họp thứ 8, đoàn đã tổng hợp 11 nội dung kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan. Đến nay, đoàn đã nhận được văn bản trả lời đầy đủ từ các cơ quan chức năng.
Qua theo dõi, những kiến nghị của cử tri TP. Huế không chỉ dừng lại ở việc phản ánh tình trạng xuống cấp của các tuyến đường, mà còn chạm đến các vấn đề cốt lõi, ảnh hưởng đến chất lượng sống như: Cơ sở y tế thiếu thốn, trường học không đảm bảo điều kiện dạy và học… Một số vấn đề đã bước đầu được giải quyết, như việc nâng cấp Quốc lộ 1A hay triển khai các dự án (DA) hạ tầng tại vùng nông thôn, mang lại tín hiệu đáng mừng cho người dân. Tuy nhiên, quá trình xử lý vẫn còn không ít hạn chế: Tiến độ chậm, thiếu sự quyết liệt và đồng bộ trong thực hiện.
Thực tế, việc giải quyết kiến nghị không thể dựa trên các giải pháp mang tính đối phó, ngắn hạn. Những phản ánh về giao thông, giáo dục, y tế... chỉ thực sự được tháo gỡ nếu có chiến lược dài hơi, gắn với quy hoạch phát triển tổng thể. Quan trọng hơn, cần một cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương, để bảo đảm các chính sách không chỉ ban hành đúng lúc mà còn được thực thi hiệu quả, bền vững.
Một số văn bản phản hồi từ bộ, ngành đã thể hiện sự tiếp thu nghiêm túc. Bộ Giao thông Vận tải (nay là Bộ Xây dựng) khẳng định tiếp tục đầu tư nâng cấp Quốc lộ 1A, với kế hoạch mở rộng nhiều đoạn tuyến nhằm giảm ùn tắc, tăng cường an toàn giao thông. Tuy nhiên, bộ này cũng thừa nhận DA có tính chất phức tạp, khối lượng lớn nên sẽ triển khai theo từng giai đoạn.
Bộ Y tế cũng cho biết, đã triển khai các DA nâng cấp Bệnh viện Trung ương Huế và hỗ trợ thiết bị, nhân lực cho bệnh viện tuyến tỉnh; bổ sung thêm danh mục dịch vụ y tế được hưởng bảo hiểm y tế. Dẫu vậy, tình trạng thiếu bác sĩ chuyên khoa, cùng khó khăn về nguồn lực tài chính vẫn là bài toán chưa có lời giải trọn vẹn.
Qua theo dõi việc giải quyết kiến nghị của cử tri TP. Huế nói riêng và cả nước nói chung có thể thấy những chuyển động tích cực, nhưng đồng thời cũng bộc lộ rõ khoảng trống trong thực thi, nhất là với các kiến nghị về tăng cường nhân lực y tế, cải cách hành chính hay cải thiện môi trường sống ở nông thôn. Những vấn đề này chưa được xử lý đồng bộ, còn thiếu sự đeo bám từ các cơ quan liên quan.
Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đang diễn ra, kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV cho thấy, nhiều kiến nghị vẫn chưa được giải quyết dứt điểm do sự chậm trễ trong việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành các chính sách ưu đãi của Nhà nước. Một số quy định còn thiếu cụ thể, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi hợp pháp của người dân. Việc chậm sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật cũng khiến nhiều kiến nghị của cử tri rơi vào thế “chờ đợi”…
Để giải quyết dứt điểm kiến nghị của cử tri, mang lại kết quả thiết thực, trước hết, cần thiết lập một hệ thống giải quyết kiến nghị minh bạch, có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học để đưa ra các giải pháp mang tính tổng thể và khả thi. Quá trình xử lý phải được công khai, để người dân giám sát và góp ý. Song song đó, cần tăng cường kết nối giữa ĐBQH với cử tri, không chỉ trong các kỳ tiếp xúc định kỳ, mà cả trong các kênh tương tác thường xuyên, linh hoạt hơn.
Chỉ khi trách nhiệm của cơ quan chức năng được thực hiện đến nơi đến chốn thì khi đó những kiến nghị, đề xuất chính đáng của cử tri mới được giải quyết tốt.
Bài, ảnh: Lê Thọ