Khoảng trống đáng báo động trong quản lý trẻ dịp hè
Hè vốn là khoảng thời gian trẻ em mong đợi để được nghỉ ngơi, vui chơi sau những tháng ngày học tập căng thẳng. Tuy nhiên, với không ít gia đình, kỳ nghỉ hè lại trở thành nỗi lo khi cha mẹ bận rộn mưu sinh, không có đủ thời gian để giám sát con cái. Trẻ bị để tự chơi, tự quản trong nhiều ngày, thiếu định hướng sinh hoạt rõ ràng, dễ rơi vào trạng thái lệch nhịp cả về tâm lý lẫn hành vi.
Theo thống kê, mỗi năm, Việt Nam có gần 2.000 trẻ tử vong do đuối nước. Đây là con số nhức nhối, để lại những nỗi đau dai dẳng cho gia đình và xã hội. Phần lớn các vụ tai nạn xảy ra vào mùa hè, khi trẻ em nghỉ học nhưng thiếu sự giám sát từ người lớn. Tuy nhiên, đuối nước chỉ là một phần nổi của tảng băng. Trẻ em còn đối mặt với hàng loạt nguy cơ khác như tai nạn thương tích do ngã, bỏng, điện giật, tai nạn giao thông, bị xâm hại, bị lôi kéo vào các hành vi tiêu cực hoặc nghiện thiết bị điện tử và tiếp xúc với các nội dung độc hại trên mạng xã hội.
Chị Nguyễn Thị Hà, ngụ tại quận Cầu Giấy, Hà Nội, chia sẻ: “Nhà tôi có hai con nhỏ, đứa lớp bốn, đứa mẫu giáo. Vợ chồng đi làm cả ngày, không có ông bà ở gần nên không biết gửi con đi đâu. Để ở nhà thì không yên tâm, mà các lớp học thêm hoặc trại hè thì chi phí quá cao. Cả ngày các con ở nhà với điện thoại, máy tính bảng, tôi cũng không thể chắc các cháu không truy cập linh tinh. Mắt thì mỏi, người thì lười vận động”.
Thực tế tại nhiều nơi cho thấy, trong khi cha mẹ mải lo công việc, trường học tạm dừng hoạt động, nhiều trẻ bị phó mặc cho ông bà cao tuổi trông coi. Tuy nhiên, do hạn chế về sức khỏe và công nghệ, việc giám sát hầu như không hiệu quả. Trẻ dành phần lớn thời gian để lướt mạng, chơi game hoặc tụ tập cùng đám bạn ngoài đường, đối diện với đủ loại cạm bẫy vô hình từ không gian ảo đến đời thực.
Những con số đau lòng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về khoảng trống quản lý trẻ trong dịp hè. Khoảng trống ấy không chỉ xuất phát từ phía gia đình mà còn cho thấy sự thiếu đồng bộ trong việc tổ chức sinh hoạt hè của nhà trường, chính quyền và các tổ chức xã hội.
Chơi gì, học gì vào dịp nghỉ hè?
Theo các chuyên gia giáo dục, kỳ nghỉ hè chỉ thực sự ý nghĩa khi được tổ chức bài bản, có định hướng. Trước hết, thay vì tập trung cho con học thêm văn hóa, gia đình nên ưu tiên trang bị kỹ năng sống thiết yếu. Đây chính là “tấm khiên” quan trọng giúp trẻ tự bảo vệ mình trước những rủi ro trong xã hội hiện đại.
Các kỹ năng cần thiết như tự phòng vệ, xử lý tình huống nguy hiểm, ứng xử văn minh, kỹ năng sử dụng thiết bị điện tử an toàn, đặc biệt là kỹ năng bơi lội để phòng tránh đuối nước cần được lồng ghép vào các chương trình sinh hoạt hè một cách linh hoạt, gần gũi. Cùng với đó, việc tham gia các hoạt động thể chất như bóng đá, bóng rổ, võ thuật không chỉ giúp trẻ rèn luyện sức khỏe mà còn hình thành tính kỷ luật, khả năng phối hợp và sự tự tin trong môi trường tập thể.
Trong thực tế, nhiều địa phương đã có cách làm hay, sáng tạo nhằm mang lại một mùa hè thực sự an toàn và bổ ích cho trẻ. Không cần quá nhiều kinh phí hay cơ sở vật chất hiện đại, chính tinh thần cộng đồng và sự vào cuộc chủ động của tổ chức đoàn, chính quyền cơ sở đã tạo nên những mô hình thiết thực, có sức lan tỏa tích cực.
Thư viện của anh Hoàng Quang Khải, Bí thư Chi đoàn thôn Đoan Khê phục vụ các bạn trẻ đọc miễn phí. Ảnh: Đoàn Khải
Tại thôn Đoan Khê, xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, anh Hoàng Quang Khải, Bí thư Chi đoàn thôn, đã vận động gia đình cho mượn một ngôi nhà cũ để cải tạo thành “Thư viện Hạnh phúc”. Với hàng trăm đầu sách được quyên góp, thư viện đã trở thành điểm đến quen thuộc của trẻ em địa phương. Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, anh Khải cho biết, ngày thường, các em chủ yếu mượn sách về nhà đọc. Tuy nhiên, hè năm nay, anh cùng một số đoàn viên trong thôn sẽ thay phiên nhau trực thư viện, mở cửa thường xuyên để các em đến đọc sách, rèn luyện thói quen tốt và có thêm không gian sinh hoạt trí tuệ.
Tại tỉnh Yên Bái, mô hình “bể bơi thiên nhiên” cũng được đánh giá là sáng tạo và hiệu quả. Những năm qua, các cơ sở đoàn tại huyện Lục Yên lựa chọn lòng suối sạch, mặt bằng rộng, tổ chức lực lượng đoàn viên thanh niên dọn dẹp, dùng đá ngăn dòng tạo đập nước và bao lưới xung quanh để dạy bơi miễn phí. Mỗi mùa hè, hàng trăm trẻ em được học bơi tại chỗ, góp phần giảm thiểu tai nạn đuối nước ở vùng sâu, vùng xa.
Chia sẻ với phóng viên, thầy Chu Bá Trí, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Trường Sơn (huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) cho rằng: “Khoảng trống lớn nhất trong dịp hè không phải là thiếu trường, lớp, mà là thiếu sự đồng hành, giám sát sát sao từ phía gia đình. Nhiều phụ huynh vì áp lực công việc đã chọn cách ‘an toàn’ là để con ở nhà với điện thoại, mà không lường trước hệ lụy về thể chất và tinh thần”.
Theo thầy Trí, để hạn chế rủi ro và giúp trẻ có một kỳ nghỉ hè ý nghĩa, phụ huynh cần chủ động lên kế hoạch cụ thể cho con, phân bổ hợp lý giữa thời gian học, chơi và sinh hoạt. Việc đăng ký cho trẻ tham gia các chương trình sinh hoạt hè tại địa phương, thường xuyên trò chuyện, định hướng kỹ năng ứng phó tình huống, kiểm soát hoạt động online… chính là cách hiệu quả để bảo vệ trẻ trong mùa hè.
Nghỉ hè không chỉ là thời gian xả hơi, mà là cơ hội quý báu để trẻ phát triển kỹ năng sống, hoàn thiện nhân cách, nuôi dưỡng những ước mơ và nguồn năng lượng tích cực cho năm học mới. Muốn làm được điều đó, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa nhà trường, gia đình và xã hội để lấp đầy khoảng trống giám sát và tạo ra những sân chơi thực sự bổ ích, an toàn cho trẻ em. Chỉ khi trẻ em được học, được chơi trong một môi trường lành mạnh, mỗi kỳ nghỉ hè mới thực sự trở thành một hành trình trưởng thành đúng nghĩa.
Đăng Khoa