Điện năng là nguồn năng lượng chính đóng vai trò then chốt trong sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Điện không chỉ là nguồn năng lượng thiết yếu cho sản xuất, phát triển mà còn quyết định chất lượng cuộc sống và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Chắc chắn rằng, một quốc gia có hệ thống điện ổn định, phát triển đồng bộ, cân đối và sử dụng hiệu quả sẽ có lợi thế lớn trong thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp và nâng cao mức sống của người dân.
Chúng ta tự hào thấy rằng, trong những năm gần đây, Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ về điện năng, đặc biệt là trong lĩnh vực điện tái tạo, song có lẽ nhiều người trong chúng ta vẫn còn chút băn khoăn về hiệu suất sử dụng điện hiện nay.
Vì vậy, bài viết này không chỉ bàn về chuyện phát triển điện năng mà điều quan trọng hơn là bàn về hiệu quả sử dụng điện để tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế.
Tốc độ phát triển điện của Việt Nam nhanh nhất khu vực ASEAN
Trong những năm qua, Việt Nam luôn nằm trong nhóm quốc gia có tốc độ phát triển hệ thống điện cao nhất ASEAN. Theo thông tin từ EVN, đến thời điểm này (2025), công suất lắp đặt của hệ thống điện Việt Nam đã vượt qua Indonesia và đứng đầu ASEAN. Tuy nhiên, do chưa có thông tin của năm 2024 nên trong bài viết này, chúng tôi sử dụng số liệu của năm 2023. Ngoài ra, bài viết có ý tưởng so sánh với Indonesia (nước có tổng sản lượng điện xấp xỉ với Việt Nam) và Philippines (nước có tổng sản phẩm trong nước - GDP xấp xỉ với Việt Nam) để bạn đọc dễ nhận biết.
Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ về điện năng, đặc biệt là trong lĩnh vực điện tái tạo. Ảnh: Hoàng Hà
Theo đó, trong 2023:
Việt Nam:
- Tổng sản lượng điện đạt 280,6 tỷ kWh (Nguồn: EVN).
- GDP 430 tỷ USD (Nguồn: GSO, Trading Economics).
Indonesia:
- Tổng sản lượng điện đạt 308,1 tỷ kWh (Nguồn: Handbook of Energy & Economic Statistics of Indonesia).
- GDP đạt 1.371,2 tỷ USD (Nguồn: Trading Economics).
Philippines:
- Tổng sản lượng điện đạt 118,0 tỷ kWh (Nguồn: CEIC Data).
- GDP đạt 437,2 tỷ USD (Nguồn: Trading Economics).
Như vậy, đến hết 2023, với mức tăng trưởng nhanh về sản xuất điện, Việt Nam đang tiến gần đến Indonesia, nền kinh tế lớn nhất ASEAN và vượt xa Philippines, nước có GDP xấp xỉ Việt Nam. Điều này cho thấy sự đầu tư mạnh mẽ của Việt Nam vào lĩnh vực năng lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nền kinh tế. Ngoài ra, Việt Nam cũng đã đứng đầu ASEAN về tỷ lệ công suất lắp đặt điện tái tạo (ở đây chủ yếu là điện mặt trời và điện gió)
Hiệu suất sử dụng điện của Việt Nam khá thấp
Dù có tốc độ phát triển cao, tổng sản lượng điện lớn nhưng vấn đề đặt ra là Việt Nam đang sử dụng điện với hiệu quả thấp, thậm chí là rất thấp. Để làm rõ thông tin này, chúng tôi đưa ra chỉ số hiệu suất sử dụng điện là điện năng tiêu thụ trên mỗi 1.000 USD đóng góp vào GDP của quốc gia của ba nước nói trên.
Bảng so sánh:
Từ bảng trên có thể thấy, để tạo ra 1.000 USD, Việt Nam tiêu thụ khoảng 652 kWh điện, cao gấp gần 2,8 lần so với Indonesia (234 kWh) và 2,4 lần so với Philippines (270 kWh). Chỉ số này phản ánh rằng, Việt Nam tiêu thụ nhiều điện hơn để tạo ra cùng một giá trị kinh tế. Điều đó cũng dẫn đến kết luận rằng nền kinh tế Việt Nam vẫn còn “thô sơ” hơn Indonesia và Philippines.
Hiệu suất sử dụng điện của Việt Nam khá thấp. Ảnh: Hoàng Giám
Vì sao lại thế?
Chúng tôi cho rằng, việc sử dụng điện chưa hiệu quả tại Việt Nam có thể xuất phát từ một số nguyên nhân sau:
Thứ nhất, cơ cấu kinh tế phụ thuộc nhiều vào công nghiệp nặng: Các ngành sản xuất như thép, xi măng và chế biến nguyên liệu thô tiêu tốn rất nhiều điện nhưng tạo ra giá trị gia tăng thấp, trong khi tỷ trọng ngành dịch vụ, lĩnh vực có giá trị gia tăng cao nhưng tiêu thụ ít điện lại chưa thực sự chiếm xứng đáng, ưu thế.
Thứ hai, công nghệ sản xuất chưa tối ưu: Nhiều doanh nghiệp vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều điện hơn so với các nước phát triển trong khu vực. Điều này dẫn đến một sự thật là sức cạnh tranh của một số hàng hóa Việt Nam thường thấp hơn khi tham gia xuất khẩu vào thị trường quốc tế
Thứ ba, chính sách giá và khuyến khích tiết kiệm điện chưa hiệu quả: Theo nhiều nguồn thông tin, từ nhiều năm nay, giá điện tại Việt Nam khá thấp so với khu vực. Giá điện thấp trong một chừng mực nào đó có tác dụng kích thích phát triển sản xuất, nâng cao đời sống của người dân, song cũng dẫn đến một hậu quả không tốt là làm cho người sử dụng điện thiếu ý thức tiết kiệm, thiếu động lực để đầu tư vào công nghệ tiết kiệm năng lượng.
Giải pháp cải thiện hiệu quả sử dụng điện
Trong nhận thức của chúng tôi, muốn cải thiện được hiệu quả sử dụng điện năng, Việt Nam cần:
Một là chuyển dịch cơ cấu kinh tế: Giảm dần sự phụ thuộc vào các ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều điện, tăng tỷ trọng các ngành công nghệ cao, dịch vụ và kinh tế số.
Hai là đầu tư vào công nghệ tiết kiệm năng lượng: Doanh nghiệp cần hiện đại hóa hệ thống thiết bị và dây chuyền sản xuất, sử dụng công nghệ mới giúp giảm mức tiêu hao điện trong sản xuất, đồng thời triệt để sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả
Ba là cải cách chính sách giá điện: Định hướng giá điện hợp lý để khuyến khích doanh nghiệp và hộ gia đình sử dụng điện hiệu quả hơn, đồng thời có các chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ.
Với quy hoạch điện VIII, Việt Nam đã có chiến lược phát triển điện lực dài hạn để phục vụ phát triển kinh tế. Việt Nam cũng đã có những bước tiến lớn trong phát triển điện năng, đặc biệt là điện tái tạo. Tuy nhiên, theo nhận thức của chúng tôi, vấn đề đặt ra hiện nay không phải là cần sản xuất thêm bao nhiêu điện, mà là phải sử dụng điện như thế nào cho tiết kiệm và hiệu quả.
Chúng ta cũng hiểu rằng, đất nước đang ở trong giai đoạn bùng nổ phát triển công nghiệp hóa thì hiệu quả sử dụng điện thấp là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài mà không có sự thay đổi theo hướng tích cực thì con đường hướng tới phát triển bền vững và mục tiêu Net Zero của Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn.
Vì vậy, việc sử dụng điện hiệu quả không chỉ giúp nâng cao năng suất, tăng tính cạnh tranh của nền kinh tế mà còn góp phần giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng sống của người dân. Khi và chỉ khi làm được như vậy thì thành tích phát triển điện lực mới thực sự có ý nghĩa.
TS. Lê Hải Hưng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ (IRAT)