Làng gốm từng huy hoàng một thời
Làng gốm Tân Vạn (hay còn gọi là gốm Biên Hòa) nằm trên đường Bùi Hữu Nghĩa (Tp.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) và trải dài dọc bờ sông Đồng Nai, được xây dựng từ cuối thế kỷ 19.
Gốm Tân Vạn từng vang tiếng một thời.
Làng gốm Biên Hòa huy hoàng và được biết đến rộng rãi đến mức mở cả trường dạy nghề gốm tại Đông Dương vào năm 1903.
Thời kỳ này cũng đánh dấu sự mở rộng danh tiếng và sản phẩm của gốm Biên Hòa, không chỉ trong nước mà lan sang các chợ quốc tế. Chính vì vậy, những người nghệ nhân gốm Tân Vạn “chân lấm, tay đất” luôn được biết đến với sự sáng tạo, tỉ mỉ, tâm huyết với nghề và khéo léo trong từng sản phẩm.
Các nghệ nhân lành nghề vẫn đang miệt mài hăng say làm gốm mỗi ngày.
Từ khi xây dựng, gốm Biên Hòa nổi tiếng vì sử dụng gốm đất đen và được nung bằng lò củi sẽ cho ra màu nâu tự nhiên, trông rất thuần mà giản dị được thể hiện trên mỗi cái lu nước.
Bên cạnh đó, gốm thủ công mỹ nghệ là sản phẩm chủ đạo khi nhắc đến gốm Biên Hòa. Nghệ nhân nơi đây sẽ tạo hình, sau đó khắc chìm hoa văn trên sản phẩm, chấm men màu rồi mới đem đi nung qua lửa. Hoa văn, màu sắc trên mỗi sản phẩm tại đây đều mang ý nghĩa văn hóa của riêng nó.
Những sản phẩm gốm Tân Vạn tinh xảo.
Thế nhưng, khi chính sách bảo vệ môi trường được thực hiện, việc cấm đốt củi đã đặt làng gốm trước bài toán khó: chuyển sang công nghệ mới hay ngậm ngùi từ bỏ nghề? Nhiều lò gốm lâu đời đã buộc phải ngừng hoạt động do không có vốn để đầu tư vào kỹ thuật mới.
Tâm huyết của những nghệ nhân gìn giữ hồn nghề
Chia sẻ với Người Đưa Tin, chị Mai Ngọc Nhi, con cháu thế hệ thứ 5 của lò gốm Lâm Trường Phong, cho biết, dù khó khăn trong việc gìn giữ, nhưng mỗi nghệ nhân ở đây đều đang cố gắng từng ngày.
Chị Mai Ngọc Nhi nói: “Cơ duyên đến với cái nghề này là bắt nguồn từ 1 cái ly. Khi đó, tôi muốn có một cái ly uống nước bằng gốm, nhưng lại không có ai làm được vì người thợ họ nặn mấy cái lu bự quen rồi, thế là tôi tìm tòi và tự hỏi tại sao bản thân là con "nhà gốm" mà lại không làm được cái ly.
Từ đó, tôi bắt đầu học về gốm bén duyên với nó đến giờ. Khi tôi học được rồi, tôi mê nó và nhất định phải chinh phục được nghề làm gốm này, trong quá trình đó, tôi thấy gốm Biên Hòa là nghề có giá trị nhưng lại đang bị mai một dần, nhất là gốm mỹ nghệ. Đó là lý do vì sao tôi phát triển lò gốm đến bây giờ”.
“Tôi cố gắng bảo tồn gốm và để sản xuất được cả 2 loại gốm đất đen và gốm mỹ nghệ, tôi đã duy trì xưởng ở Tân Vạn và mở xưởng gốm trên Cụm Công nghiệp gốm xứ Tân Hạnh để phát triển theo công nghệ mới. Ở đó quy tụ rất nhiều xưởng gốm chứ không riêng gia đình tôi, điều này cho thấy vẫn còn rất nhiều người yêu gốm Biên Hòa và muốn nó không bị mai một”, chị Nhi nói thêm.
Chị Mai Ngọc Nhi đã mở Gốm Studio, không chỉ để duy trì việc sản xuất gốm mà còn tổ chức các workshop cho giới trẻ tìm hiểu và trải nghiệm nghề gốm.
Trao đổi với PV, một nghệ nhân tại xưởng gốm cho biết: “Người dân ở đây họ nghỉ từ năm 2016, không như nhiều người nghĩ, cái nghề làm gốm này rất khó khăn. Người ta phải mua đất, rồi nhào nặn thành cái lu, cái chén. Nếu người ta muốn bán thì bắt buộc họ phải làm qua nhiều công đoạn, nay sửa chỗ này, mai sửa chỗ kia.
Xưa nay, người Tân Vạn lại không có kỹ thuật hiện đại nhiều, nên khi nhà nước ra luật không dùng củi đốt thì người làm nghề bắt buộc phải nghỉ vì không có công nghệ để chuyển đổi, không có số vốn lớn để di dời và xây dựng cùng một lúc lại như ban đầu".
Làm gốm không hề dễ dàng như nhiều người nghĩ, nó trải qua nhiều công đoạn, đầu tư thời gian, công sức và cả những đam mê, tâm huyết của người nghệ nhân.
"Hiện nay, làng gốm chỉ còn một vài lò hoạt động, nó không còn quá nổi bật, những lò gốm còn hoạt động vì họ muốn giữ truyền thống và nét đẹp của nghề gốm mà thôi”, nghệ nhân tại xưởng Gốm Studio chia sẻ thêm.
Chỉ còn lác đác một số nghệ nhân lành nghề tại làng gốm Tân Vạn.
Những nghệ nhân ở đây đều mang dáng vẻ của một người sẵn sàng chung thủy với nghề dù có gặp khó khăn, bằng chứng là họ đã và đang duy trì được xưởng gốm đến nay, dù lớn hay nhỏ cũng là niềm tự hào với những người nghệ nhân gốm Biên Hòa.
Họ cũng cho biết, sẽ duy trì và dạy nghề lại cho các thế hệ sau, dù không thuộc trong gia đình để các bạn trẻ hiểu về gốm, vẻ đẹp của người làm gốm.
Để duy trì cho đến tận ngày hôm nay, khó khăn là điều không thể tránh khỏi đối với mỗi người nghệ nhân.
“Khó khăn thì cái nào cũng khó vì gốm là làm thủ công, nhưng cái khó nhất là đào tạo con người. Ngày nay, ít người theo gốm nên mình bắt buộc phải đào tạo chuyên sâu, mà đào tạo xong thì cũng chưa chắc các bạn đã theo nghề này vì ai cũng muốn đi theo mấy nghề hiện đại, ổn định hơn chứ không phải nghề truyền thống này. Nhưng tôi vẫn dạy vì muốn nghề gốm không bị mai một, gốm Biên Hòa rất hay rất tinh xảo, các bạn trẻ nên biết nhiều hơn về gốm”, chị Nhi chia sẻ.
“Tôi rất biết ơn Bí thư tỉnh Đồng Nai đã phổ cập kiến thức gốm cho tất cả các trường học, bằng cách đưa gốm vào chương trình giảng dạy ngoại khóa, yêu cầu các trường đưa học sinh đến các làng gốm để tìm hiểu về giá trị của gốm, để gốm không bị mai một”, chị Nhi tự hào chia sẻ vì gốm được nhiều bạn trẻ biết hơn trong chương trình học.
Chị cũng cho biết, từ lúc dịch, mọi người bắt đầu có những cái sở thích làm mấy cái thủ công hơn, trong đó có gốm. Vì vậy, sau dịch người ta mới mở những workshop làm gốm tại các quán cafe cho các bạn yêu thích nó và muốn trải nghiệm, xưởng gốm chị cũng vậy.
Nhìn về tương lai, những nghệ nhân trẻ như chị Nhi đang nỗ lực cải tiến kỹ thuật, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại để thích nghi với thị trường.
Họ tìm cách sử dụng các phương pháp nung thân thiện với môi trường, đồng thời sáng tạo ra những mẫu mã mới phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng.
Nhiều nghệ nhân đã thử nghiệm các dòng sản phẩm mang hơi hướng hiện đại hơn như: gốm trang trí, gốm mỹ nghệ cao cấp và quà tặng gốm thủ công. Điều này giúp sản phẩm gốm Tân Vạn có thêm cơ hội cạnh tranh với các mặt hàng gốm nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc.
Những sản phẩm gốm được cải tiến từ các phương pháp nung thân thiện với môi trường.
Tuy nhiên, một trong những rào cản lớn nhất đối với làng gốm Tân Vạn là vấn đề tài chính. Việc chuyển đổi từ lò củi sang lò gas hoặc lò điện đòi hỏi nguồn vốn lớn, trong khi nhiều hộ làm gốm truyền thống không đủ tiềm lực đầu tư.
Một số nghệ nhân mong muốn có thêm sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, như các chính sách vay vốn ưu đãi hoặc khu vực sản xuất tập trung có hệ thống xử lý khí thải đạt chuẩn.
Khó khăn lớn nhất ở thời điểm hiện tại của làng gốm là vấn đề tài chính.
Dù còn nhiều thách thức, sự kiên trì của những nghệ nhân trẻ không chỉ giữ cho ngọn lửa nghề gốm không tắt mà còn mở ra cơ hội hồi sinh cho một làng nghề truyền thống. Đó là minh chứng cho tinh thần bền bỉ của những con người yêu gốm, quyết không để một di sản văn hóa bị mai một giữa guồng quay của thời đại.
Ông Nguyễn Xuân Thanh, Phó Chủ tịch UBND Tp.Biên Hòa, cho rằng, nghề gốm được xem là một trong những "báu vật" của Biên Hòa cần được gìn giữ và bảo tồn nhằm phát huy và lan tỏa các giá trị độc đáo của nó. Một trong những cách thức có thể tôn vinh và nâng tầm giá trị sử dụng, giá trị biểu tượng của gốm Biên Hòa là việc tích hợp khai thác các giá trị của nghề gốm gắn với thực hành du lịch.
Na Anh - Mỹ Hậu