Hiện nay, việc điều động, luân chuyển giáo viên ở các địa phương không chỉ là giải pháp cho tình trạng thiếu giáo viên tại các khu vực khó khăn mà còn đóng vai trò quan trọng trong công tác đào tạo và phát triển đội ngũ. Tuy nhiên, quá trình điều động, luân chuyển giáo viên trong thực tế còn gặp nhiều khó khăn nhất là việc đảm bảo quyền lợi và ổn định đời sống cho giáo viên tại nơi công tác mới.
Thách thức trong công tác điều động, luân chuyển giáo viên ở địa phương
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Trương Xuân Dũng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Văn Lang (huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn) cho biết, việc điều động, luân chuyển giáo viên thường diễn ra vào dịp hè, sau khi năm học kết thúc. Đây là thời điểm các giáo viên có thể nộp đơn và đề xuất nguyện vọng của mình nếu muốn chuyển công tác lên các trường vùng khó khăn. Bởi, nhiều thầy cô không chỉ mong muốn thử thách bản thân để có thêm trải nghiệm, mà còn tận dụng cơ hội để cải thiện thu nhập, tạo động lực làm việc tốt hơn.
Thầy Trương Xuân Dũng (bên trái) - Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Văn Lang, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn. (Ảnh: Cổng thông tin điện tử huyện Na Rì)
Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, tình trạng thiếu giáo viên vẫn là một thách thức lớn nên việc điều động, luân chuyển giáo viên giữa các trường không thể thực hiện. Tại nhiều địa phương, đặc biệt là các khu vực vùng sâu, vùng xa, số lượng giáo viên có trình độ chuyên môn phù hợp còn hạn chế. Điều này dẫn đến tình trạng một số môn học, đặc biệt là môn Tiếng Anh, Âm nhạc và Mỹ thuật thường xuyên gặp khó khăn trong việc phân bổ giáo viên.
Đặc biệt, chương trình giáo dục phổ thông 2018 đặt ra những yêu cầu cao về chất lượng giáo viên, từ năng lực chuyên môn đến kỹ năng giảng dạy. Do đó, giáo viên cần liên tục cập nhật kiến thức, kỹ năng và có sự chuẩn bị tốt hơn để đáp ứng các yêu cầu mới. Tuy nhiên, đối với những địa phương chưa có đủ điều kiện kinh tế và cơ sở hạ tầng sẽ gặp khó khăn trong việc thu hút giáo viên chất lượng.
Trong khi đó, thầy Lãnh Trần Quyết - Phó Hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Bảo Lạc (huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng) nhận định, việc điều động, luân chuyển giáo viên trên địa bàn huyện gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong bối cảnh thiếu giáo viên và các điều kiện địa lý phức tạp. Xét theo điều kiện thực tế, Bảo Lạc là một huyện miền núi nằm ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh Cao Bằng, nơi mà việc tuyển dụng và điều động giáo viên luôn là một bài toán nan giải.
Trong những năm gần đây, mặc dù chính quyền địa phương đã cố gắng cải thiện tình hình, nhưng thực tế vẫn tồn tại nhiều thách thức. Một trong những khó khăn lớn nhất là tình trạng thiếu hụt giáo viên, đặc biệt là các bộ môn khoa học tự nhiên như Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, trong khi chương trình giáo dục phổ thông 2018 đòi hỏi sự chuẩn bị và đào tạo giáo viên chuyên sâu. Do đó, sự thiếu hụt giáo viên ở một số môn học tích hợp không chỉ gây ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy mà còn làm cho quá trình điều động, luân chuyển giáo viên trở nên khó khăn hơn. Bởi, không phải giáo viên nào cũng sẵn sàng di chuyển đến những khu vực xa xôi, điều kiện sống thiếu thốn.
Thầy Lãnh Trần Quyết - Phó Hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Bảo Lạc, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng. (Ảnh: Website nhà trường)
Ngoài ra, vấn đề sắp xếp cuộc sống cá nhân, gia đình khiến nhiều giáo viên lo ngại, đặc biệt là giáo viên nữ. Việc đi làm xa gia đình, đến cuối tuần mới về nhà khiến không ít giáo viên dễ bị ảnh hưởng đến việc chăm sóc, nuôi dạy con cái và các mối quan hệ cá nhân. Đặc biệt, đối với những giáo viên sống ở các khu vực thuận lợi, gần trung tâm hoặc thị trấn sẽ khó thích nghi với môi trường và làm việc ở những vùng khó khăn.
Cùng bàn về vấn đề trên, đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ngân Sơn (tỉnh Bắc Kạn) cho biết, hiện nay đơn vị đang thực hiện theo Quyết định số 1673/QĐ-UBND ngày 14 tháng 8 năm 2020 của Ủy ban nhân dân huyện Ngân Sơn về Ban hành Quy chế thuyên chuyển, tiếp nhận viên chức các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn huyện Ngân Sơn; Quyết định số 201/QĐ-UBND ngày 26/01/2021 của Ủy ban nhân dân huyện Ngân Sơn về việc sửa đổi, bổ sung Quy chế thuyên chuyển, tiếp nhận viên chức các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn huyện Ngân Sơn.
Hiện huyện Ngân Sơn có 9/10 xã, thị trấn là khu vực III nên khi chuyển giáo viên ở xã khu vực III đến địa phương thuộc khu vực I thì thu nhập bị giảm, do đó một số giáo viên không có nguyện vọng chuyển đến công tác tại địa phương thuộc khu vực I và ngược lại. Bên cạnh đó, Ngân Sơn là huyện miền núi, địa hình chia cắt, dân cư không tập trung, giao thông còn nhiều khó khăn. Do đó, quá trình điều động, luân chuyển giáo viên lên các trường học ở vùng sâu, vùng xa gặp trở ngại bởi một số giáo viên khó có thể thích nghi với điều kiện làm việc và sinh hoạt.
Theo đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ngân Sơn, hiện nay, đội ngũ giáo viên của huyện cơ bản đủ theo biên chế được giao (gồm giáo viên biên chế và giáo viên hợp đồng). Do đó, trên địa bàn huyện không đối diện với tình trạng thiếu giáo viên nghiêm trọng. Ngoài ra, chế độ của giáo viên khi được điều chuyển đến các vùng khó khăn thực hiện theo Nghị định số 76/2019/NĐ-CP ngày 08/10/2019 của Chính phủ về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Theo đó, các chế độ này cơ bản đảm bảo để động viên giáo viên an tâm công tác. Bên cạnh đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên yên tâm cống hiến, việc điều động, luân chuyển được xem xét trên nhiều yếu tố đảm bảo phù hợp về chuyên môn, nghiệp vụ, nơi cư trú của giáo viên.
Cần đảm bảo quyền lợi và chế độ đãi ngộ để thu hút đội ngũ giáo viên chất lượng cao
Theo Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Văn Lang (huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn), để cải thiện tình trạng thiếu giáo viên, cần có những biện pháp cụ thể và linh hoạt.
Thứ nhất, việc điều động giáo viên cần phải được thực hiện một cách khoa học hơn, dựa trên nhu cầu thực tế của từng trường học, từng khu vực. Thay vì chỉ dựa vào sự tự nguyện, các cơ quan quản lý giáo dục cần có những chính sách khuyến khích và tạo động lực cụ thể cho giáo viên, đặc biệt là ở những khu vực khó khăn.
Thứ hai, một trong những biện pháp cần thiết là tăng cường đầu tư vào đào tạo và bồi dưỡng giáo viên. Đặc biệt, các giáo viên trẻ vừa tốt nghiệp cần được hỗ trợ trong việc nâng cao kỹ năng chuyên môn, tạo điều kiện để họ dễ dàng hòa nhập vào môi trường giáo dục.
Thứ ba, động viên tinh thần giáo viên là một trong những yếu tố quan trọng giúp đội ngũ giáo viên gắn bó hơn với nghề. Bên cạnh việc cải thiện thu nhập, các cơ sở giáo dục cần tạo môi trường làm việc tốt hơn, giúp giáo viên có cơ hội phát triển bản thân, tham gia vào các khóa đào tạo, hội thảo chuyên môn.
Bên cạnh đó, thầy Dũng nhấn mạnh: "Việc điều động, luân chuyển giáo viên để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, đặc biệt trong bối cảnh triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 đòi hỏi sự nỗ lực không chỉ từ các giáo viên mà còn từ các cơ quan quản lý. Theo đó, các cấp quản lý cần có những chính sách linh hoạt, khuyến khích sự tham gia của giáo viên vào các khu vực khó khăn, đồng thời đảm bảo quyền lợi và chế độ đãi ngộ cho họ. Đặc biệt, việc đầu tư vào đào tạo và bồi dưỡng giáo viên cần được chú trọng, từ đó tạo ra đội ngũ giáo viên có đủ năng lực và tâm huyết để đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao của nền giáo dục nước nhà".
Động viên tinh thần giáo viên là một trong những yếu tố quan trọng giúp đội ngũ giáo viên gắn bó hơn với nghề. (Ảnh minh họa: Cổng thông tin điện tử huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn)
Thu Thủy