Ông Ngân Văn Hạnh ở bản Hắc với mô hình trồng cây đu đủ đực.
Xã Trí Nang là một trong những địa phương đi đầu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng cũng gặp không ít khó khăn khi một số mô hình “chết yểu” sau thời gian ngắn triển khai. Ông Hà Đức Liên - một nông dân tiên phong ở bản Hắc từng tham gia nhiều mô hình liên kết, như trồng chanh leo, gai xanh, gần đây nhất là trồng cây đu đủ đực. Theo ông Liên, trước khi đưa mô hình cây gai xanh vào trồng, địa phương tuyên truyền cho bà con nhiều ưu điểm về loại cây này như thời gian thu hoạch ngắn, giá trị kinh tế cao, được hỗ trợ các chính sách của tỉnh và huyện. Vì vậy, gia đình đã chuyển đổi 1,3ha đất trồng keo sang trồng cây gai xanh. Tuy nhiên, dù thực hiện đúng kỹ thuật, cây gai xanh vẫn phát triển chậm, ra hoa rồi cỗi dần, không cho thu hoạch, dẫn đến thất thu.
Tháng 1/2023, ông Liên tiếp tục tham gia mô hình liên kết trồng cây đu đủ đực lấy hoa. Lần này ông liên kết với một HTX nông nghiệp đóng trên địa bàn huyện đầu tư 30 triệu đồng, mua 5.000 cây giống, hy vọng việc liên sản xuất theo chuỗi giá trị, mô hình sẽ đạt hiệu quả. Thực tế, sau thời gian triển khai, tỉ lệ cây đu đủ ra quả chiếm hơn 50%; đơn vị liên kết cũng không thu mua đúng tiến độ, buộc ông Liên phải chặt bỏ, quay lại với cây trồng truyền thống như mía, sắn, ngô...
Tương tự, hộ gia đình ông Ngân Văn Hạnh ở bản Hắc cũng vì tin tưởng mô hình liên kết trồng cây đu đủ đực lấy hoa nên đã sẵn sàng thuê 1,7ha đất của bà con để cải tạo triển khai mô hình nhưng kết quả không được như mong muốn. Ông Hạnh cho rằng, đơn vị liên kết thiếu uy tín đã đẩy mô hình đi đến thất bại, gây thiệt hại về kinh tế, giảm đi niềm tin của người nông dân.
Theo Chủ tịch UBND xã Trí Nang Vi Văn Thu, hầu hết các mô hình đều được xây dựng một cách chi tiết, bài bản từ khâu khảo sát cho đến thuyết trình dự án. Tuy nhiên, yếu tố thị trường thiếu bền vững; hợp đồng liên kết thiếu sự ràng buộc về pháp lý dẫn đến tính hiệu quả trong liên kết triển khai mô hình chưa cao, chủ yếu chỉ hiệu quả ở giai đoạn đầu. Về sau, vì nhiều nguyên nhân, hoặc do người nông dân thực hiện không đúng với hợp đồng, không đúng kỹ thuật, sản phẩm không đạt yêu cầu; hoặc do đơn vị liên kết gặp khó đầu ra, thiếu trách nhiệm trong giải quyết những bất cập, tồn đọng trong triển khai, dẫn đến thiếu tiếng nói chung giữa các bên, khiến mô hình liên kết dần bị phá sản.
Đơn cử như với mô hình trồng cây gai xanh, ban đầu để vận động người dân chuyển sang trồng loại cây này ở địa phương rất khó khăn. Cán bộ xã, đến các đoàn thể thôn đã phải đi tuyên truyền, vận động thường xuyên để chuyển đổi, nhưng trồng chưa được bao lâu thì bà con lại phải phá bỏ, lý do bởi công ty nợ tiền thanh toán, chính sách thu mua thay đổi, khắt khe, khiến người dân mất niềm tin.
Phó Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh Lê Đức Tiến cho biết: Huyện Lang Chánh rất trăn trở về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị về nông nghiệp. Tuy nhiên, việc thu hút các doanh nghiệp lớn vào địa phương đầu tư còn hạn chế. Trong khi các doanh nghiệp nhỏ liên kết chưa đạt hiệu quả. Chủ yếu các doanh nghiệp này có năng lực hạn chế, thị trường bấp bênh dẫn đến việc cam kết bao tiêu cũng như tính bền vững trong các mô hình liên kết chưa cao. Một số đơn vị, doanh nghiệp vào địa phương đấu mối liên kết trực tiếp với người nông dân không thông qua các cấp chính quyền, ngành chuyên môn dẫn đến nhiều rủi ro cho người dân khi tham gia liên kết.
Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc liên kết trong sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm nâng cao giá trị, tuy nhiên sẽ có sự lựa chọn, đánh giá kỹ lưỡng các mô hình liên kết. Đó phải là những đơn vị có năng lực, uy tín, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người nông dân khi tham gia liên kết.
Bài và ảnh: Đình Giang