Cơ hội phát triển lớn
Việt Nam đã có nhiều bước tiến quan trọng trong nỗ lực tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của ngành công nghiệp bán dẫn. Hiện, một số nhà đầu tư tên tuổi đã triển khai dự án tại Việt Nam như Amkor, Intel, Samsung… Một số DN trong nước, như Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) hoặc Tập đoàn FPT cũng đã có những bước đi rất đáng ghi nhận. Trong đó, FPT đã cung cấp các dịch vụ thiết kế vi mạch và thiết kế thành công chip bán dẫn.
Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
Chính phủ mới đây đã ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2045 và phê duyệt Chương trình phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050, với mục tiêu đưa đất nước trở thành một trọng tâm công nghiệp bán dẫn, điện tử toàn cầu.
Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội DN Điện tử Việt Nam Đỗ Thúy Dương nhìn nhận, qua Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2045 cho thấy, lãnh đạo cấp cao nhất của Chính phủ Việt Nam rất quan tâm và muốn phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Đây chính là căn cứ pháp lý để huy động tối đa nguồn lực đất nước trong các chương trình hành động cụ thể tiếp theo nhằm từng bước hiện thực hóa các mục tiêu mà chiến lược đã đưa ra, để Việt Nam trở thành một phần quan trọng trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.
Đánh giá tiềm năng ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty CoAsia Semi (Hàn Quốc) tại Việt Nam, thành viên ban quản trị Cộng đồng Vi mạch Việt Nam Nguyễn Thanh Yên cho biết: Việt Nam có vị trí đặc biệt, là khu vực chiếm tỷ trọng lớn của thị trường bán dẫn toàn cầu và được đánh giá là nơi định hình sự phát triển tỏng tương lai của lĩnh vực này. Chính trị ổn định, vị trí tối ưu về chi phí logistics… cũng là những ưu thế nổi bật của đất nước. Trong 20 năm qua, Việt Nam đã sở hữu nguồn nhân lực hơn 5.000 kỹ sư thiết kế chip. Các kỹ sư của đất nước đã và đang chứng minh được năng lực trong công việc, từ đó chiếm được lòng tin của các cấp quản lý ở nước ngoài.
Hiện nay, trong các dự án thiết kế chip quan trọng của các tổ chức, kỹ sư Việt Nam được giao những công việc đòi hỏi chuyên môn cao và nhiều thách thức. Bên cạnh đó, ngày càng có thêm những công ty lớn quyết định đặt văn phòng hoặc mở rộng quy mô kỹ sư thiết kế chip ở Việt Nam.
Ngoài ra, hàng năm, chúng ta có hơn nửa triệu học sinh đăng ký xét tuyển đại học. Đây là con số rất ấn tượng, bảo đảm yếu tố nguồn nhân lực cho bất kỳ hế hoạch đầu tư, phát triển lĩnh vực bán dẫn nào ở Việt Nam.
Đặc biệt, hành lang pháp lý nhằm tạo điều kiện cho việc ưu tiên thu hút đầu tư và phát triển bán dẫn đã được quan tâm xây dựng. Theo đó, Luật Đầu tư và Luật Thuế thu nhập DN đã bổ sung các ưu đãi đặc biệt cho các dự án công nghệ cao, quy mô lớn, giá trị gia tăng cao, trong đó bao gồm các dự án sản xúat bán dẫn. Đây là sức hút các DN lớn đầu tư vào lĩnh vực tiềm năng này.
Cần đầu tư mạnh mẽ, đồng bộ
Theo dự báo của Hiệp hội Bán dẫn toàn cầu (SEMI), thị trường bán dẫn Việt Nam sẽ đạt khoảng 7,01 tỷ USD vào năm 2028, tốc độ tăng trưởng khoảng 6,69%/năm trong giai đoạn 2023-2028. Trong xu thế ngành bán dẫn toàn cầu tiếp tục phát triển, SEMI nhận định Việt Nam sẽ trở thành thị trường tiềm năng trong ngành bán dẫn, thu thút những DN công nghệ “khổng lồ” đổ bộ vào đầu tư, kỳ vọng về sự tăng trưởng lớn.
Không ít ý kiến cho rằng, để nắm bắt và hiện thực hóa cơ hội này, cần có sự đầu tư mạnh mẽ, đồng bộ vào các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu và phát triển, cũng như cải thiện cơ sở hạ tầng công nghệ. Đồng thời, cần tạo điều kiện cho sự hợp tác giữa DN, viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo để tăng cường khả năng cạnh tranh của nước ta cho lĩnh vực này trong tương lai.
Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam Hong Sun đưa ra 3 khuyến nghị để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam. Trước hết về khung pháp lý, những quy định pháp luật phải tạo nền tảng, điều kiện cho các nhà đầu tư yên tâm đầu tư và có những chế độ ưu đãi đặc biệt. Tiếp đến, sản xuất chất bán dẫn yêu cầu về nguồn điện rất lớn, gấp rất nhiều lần so với ngành công nghiệp thông thường, nên Việt Nam cần đặc biệt quan tâm tới nguồn cung cấp điện. Cuối cùng là về nguồn nhân lực. Chất bán dẫn không phải 100% sản xuất bằng máy móc, thiết bị, mà phải có con người hiểu biết và xử lý, tham gia vào các công đoạn. Do đó, Việt Nam phải đầu tư để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Phó Chủ tịch Hiệp hội DN có vốn đầu tư nước ngoài (VAFIE) Nguyễn Văn Toàn cho rằng, Việt Nam cần phát huy cao hơn nữa quyền sở hữu trí tuệ. Hiện nay Luật Sở hữu trí tuệ đã có nhưng việc triển khai cần làm tốt, rốt ráo, triệt để hơn để luật đi vào cuộc sống, ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Bên cạnh đó, cần xây dựng hạ tầng xã hội, như xây dựng chỗ ở cho công nhân, người lao động an toàn, tiện nghi, lành mạnh ở. Đây là việc phải làm, bởi đã có những bài học đắt giá khi chúng ta đã có những kỹ sư, cán bộ khoa học – kỹ thuật giỏi nhưng không phát huy được khi làm việc ở Việt Nam, vì môi trường sống, môi trường làm việc chưa tốt, nên họ đã lựa chọn làm việc, định cư ở nước ngoài. Đồng thơi, có cơ chế chính sách đột phá như chính sách ưu đãi về thuế, cơ chế về hỗ trợ học phí, ưu đãi về đất đai để xây dựng các cơ sở nghiên cứu, sản xuất và đào tạo.
Phương Nga