Sụt giảm nghiêm trọng cả về quy mô và giá trị xuất khẩu
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy, trong hơn thập kỷ qua, ngành hàng sầu riêng của Việt Nam tăng trưởng vượt bậc, từ 32 nghìn héc-ta năm 2015 tăng lên gần 180 nghìn héc-ta vào năm 2024 (tăng 6 lần). Sản lượng cũng tăng tương ứng, vượt ngưỡng 1,5 triệu tấn vào năm 2024, đưa sầu riêng trở thành một trong những ngành hàng trái cây phát triển nhanh nhất cả nước.
Sau khi Nghị định thư xuất khẩu với Trung Quốc được ký kết vào tháng 7-2022, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam có bước nhảy vọt. Năm 2024, chỉ sau hai năm, kim ngạch xuất khẩu đã cán mốc hơn 3 tỷ USD, đưa sầu riêng trở thành mặt hàng nông sản xuất khẩu chiến lược, đóng góp quan trọng vào chỉ tiêu tăng trưởng khu vực nông, lâm, thủy sản...
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Báo Nông nghiệp và Môi trường Việt Nam
Tuy nhiên, sự phát triển và tăng trưởng “nóng” cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trong 4 tháng đầu năm 2025, ngành hàng sầu riêng đối mặt với sự sụt giảm nghiêm trọng cả về quy mô và giá trị xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam chỉ đạt khoảng 130 triệu USD, giảm 74% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này tác động trực tiếp đến thực hiện mục tiêu tăng trưởng, chỉ tiêu xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2025 của ngành Nông nghiệp và Môi trường; ảnh hưởng giá trị gia tăng và lợi nhuận của người sản xuất và doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng.
“Việc sụt giảm quy mô và kim ngạch xuất khẩu thời gian qua là tín hiệu cảnh báo về sự mất cân đối giữa tăng trưởng sản xuất và năng lực tổ chức sản xuất; giữa yêu cầu ngày càng cao của thị trường nhập khẩu với khả năng đáp ứng của sản xuất trong nước, nhất là về chất lượng", Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Báo Nông nghiệp và Môi trường Việt Nam
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thiên Văn cho biết, diện tích sầu riêng của tỉnh này đạt 38.800ha, chiếm 21,7% diện tích sầu riêng của cả nước. Tốc độ tăng sản lượng sầu riêng khoảng 126 nghìn tấn/năm; sản lượng sầu riêng năm 2024 đạt hơn 1,5 triệu tấn.
Tuy nhiên, hiện còn nhiều thách thức và hạn chế, như: Tỷ lệ vùng trồng và cơ sở đóng gói được cấp mã số xuất khẩu còn thấp; ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất còn hạn chế, chất lượng chưa đồng đều; liên kết chuỗi giá trị còn lỏng lẻo; sản phẩm chủ yếu là chế biến thô, chưa nâng cao giá trị gia tăng; một số vi phạm về an toàn thực phẩm và gian lận trong sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói ảnh hưởng đến thương hiệu sản phẩm.
Theo Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) Huỳnh Tấn Đạt, thị trường xuất khẩu chính của sầu riêng Việt Nam là Trung Quốc (năm 2024 chiếm 97,2%). Do đó, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng khi có bất kỳ biến động nào từ thị trường Trung Quốc.
Năm 2025, Việt Nam vẫn là nhà cung cấp sầu riêng lớn thứ hai cho Trung Quốc, nhưng có sự sụt giảm nghiêm trọng tới 71,3% về lượng và 74% về kim ngạch. Thị phần sầu riêng của Việt Nam tại Trung Quốc giảm từ 42,1% (năm 2024), xuống còn 28,2%.
Hiện Tổng cục Hải quan Trung Quốc yêu cầu rất khắt khe về kiểm soát an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật đối với sầu riêng xuất khẩu của Việt Nam. Cụ thể, sầu riêng xuất khẩu phải được phê duyệt mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói; không nhiễm sinh vật gây hại; bảo đảm an toàn thực phẩm về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng, vàng O, vi sinh vật và chất cấm khác...
Tránh tình trạng mở rộng tự phát
Các đại biểu dự hội nghị cho rằng, để khắc phục hạn chế về chất lượng sầu riêng, cần triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp. Trước mắt, cần hoàn thiện cơ sở pháp lý, kỹ thuật, quy trình kiểm soát toàn chuỗi sản xuất - xuất khẩu; nâng cao năng lực kiểm soát an toàn thực phẩm, tăng cường phòng thử nghiệm đạt chuẩn quốc tế, tổ chức đoàn công tác sang Trung Quốc để đàm phán kỹ thuật, mở rộng thị trường và thúc đẩy xúc tiến thương mại.
Về lâu dài, cần cơ cấu lại ngành hàng theo hướng tăng tỷ trọng sản phẩm đông lạnh và chế biến sâu; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, xây dựng thương hiệu quốc gia; nâng cấp hệ thống logistics, tổ chức lại chuỗi liên kết, nâng cao năng lực thực thi của doanh nghiệp và địa phương…
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy thăm, động viên người trồng sầu riêng tại tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Phạm Hoài.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp kiến nghị các bộ, ngành sớm ban hành quy định về chế tài xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói; ban hành quy định về hệ thống cơ quan chuyên ngành cấp tỉnh, cấp xã thực hiện nhiệm vụ thiết lập, xây dựng, quản lý vùng trồng, cơ sở đóng gói; sớm ban hành tiêu chuẩn chất lượng trái cây Việt Nam, nhằm bảo đảm chất lượng và tiêu chuẩn xuất khẩu; ban hành quy trình thiết lập, xây dựng, quản lý mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói.
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy nhấn mạnh, ngành sầu riêng khẩn trương rà soát lại các vùng trồng phù hợp, tránh tình trạng mở rộng tự phát, lạm dụng đất rừng, đất dốc. Cần quản lý nghiêm ngặt quy hoạch, không để việc phát triển "nóng" làm tổn hại đến cân bằng sinh thái và an toàn sản xuất.
Hiện tại, diện tích sầu riêng được cấp mã số vùng trồng chỉ chiếm khoảng 20-25% tổng diện tích cả nước - tỷ lệ này khá thấp. Nếu nâng được tỷ lệ này lên mức 70-80%, giá trị xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam sẽ tăng mạnh, tạo lợi thế rõ rệt trong cạnh tranh quốc tế.
Bên cạnh đó, việc siết chặt quản lý vùng trồng và cơ sở đóng gói là yêu cầu cấp thiết, cần xác định rõ trách nhiệm từng chủ sở hữu mã số theo quy định; phát triển hệ thống kiểm soát nội bộ tại từng địa phương. Việc kiểm tra định kỳ, xử lý nghiêm hành vi gian lận mã số sẽ được quy định rõ trong Thông tư sắp ban hành…
Kiểm soát chất lượng sầu riêng từ sản xuất tới sơ chế, chế biến và xuất khẩu để phát triển bền vững. Ảnh: Phạm Hoài.
Để ngành sầu riêng phát triển bền vững, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy kêu gọi hỗ trợ doanh nghiệp hình thành chuỗi liên kết khép kín, trong đó cần khuyến khích đầu tư kho lạnh, trung tâm logistics, cơ sở sơ chế hiện đại. Đây là yếu tố then chốt để nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường xuất khẩu.
Mặt khác, các địa phương cần thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình, phản ánh kịp thời khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn sản xuất, xuất khẩu sầu riêng để Bộ Nông nghiệp và Môi trường có cơ sở điều chỉnh chính sách phù hợp…
Ngọc Quỳnh