Đề nghị áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml

Đề nghị áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml
13 giờ trướcBài gốc
Tiếp tục chương trình của Kỳ họp thứ 9, sáng 9/5, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (ĐBQH tỉnh Hải Dương) nhất trí cao với việc bổ sung mặt hàng nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, như dự thảo luật đã đề xuất. Theo đại biểu, trong các phiên thảo luận tổ, phiên thảo luận tại hội trường trong Kỳ họp thứ 8, nhiều đại biểu Quốc hội có ý kiến về tác động tiêu cực của việc lạm dụng đồ uống có đường tới sức khỏe con người, nhất là với trẻ em.
Các ĐBQH tại Kỳ họp 9, Quốc hội khóa XV.
Đại biểu cho biết, việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng này không chỉ nhằm tăng thu ngân sách, mà trước hết là để định hướng tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và thúc đẩy doanh nghiệp cải tiến sản phẩm theo hướng lành mạnh hơn. Trên thực tế, nhiều quốc gia như Thái Lan, Philippines, Anh, Mexico… đã áp dụng thuế đối với đồ uống có đường và đạt được kết quả tích cực: giảm tiêu dùng sản phẩm có đường cao, tăng nhận thức về dinh dưỡng, đồng thời tạo nguồn lực tài chính cho các chương trình y tế dự phòng.
“Tôi cũng cho rằng quy định rõ ràng về ngưỡng đường từ 5g/100ml trở lên theo tiêu chuẩn Việt Nam là cần thiết để tạo sự minh bạch, tránh áp dụng tràn lan đối với các sản phẩm có lợi cho sức khỏe như sữa, nước trái cây nguyên chất không đường bổ sung. Điều này cũng giúp chính sách thuế hướng trúng vào nhóm sản phẩm cần điều chỉnh mà không làm ảnh hưởng tiêu cực đến các ngành sản xuất thực phẩm lành mạnh”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga phân tích.
Tuy nhiên, theo quy định hiện nay, các sản phẩm, thực phẩm, đồ uống đều do doanh nghiệp sản xuất tự công bố chỉ tiêu chất lượng nên để ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp gian lận bằng cách tự công bố sai hàm lượng đường trong sản phẩm, đại biểu đề nghị, nghiên cứu quy định bắt buộc kiểm nghiệm độc lập đối với sản phẩm chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, tăng cường hậu kiểm, lấy mẫu ngẫu nhiên trong thị trường và áp dụng chế tài mạnh hơn nữa với các hành vi gian lận, công bố sai chỉ tiêu chất lượng sản phẩm.
Cho ý kiến vào nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (ĐBQH tỉnh Bến Tre) đồng tình việc bổ sung đối tượng nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm hạn chế tiêu dùng, định hướng trong việc tiêu dùng của người dân.
Theo đại biểu, hiện nay, với thói quen tiêu dùng, đặc biệt trong thế hệ trẻ, rất đáng báo động đối với các loại nước ngọt có đường hàm lượng cao, thức ăn nhanh cùng với những thói quen sinh hoạt thiếu lành mạnh.
Theo đại biểu, đối với đối tượng chịu thuế có hàm lượng đường 5g/100ml cũng cần phải loại trừ đối với những sản phẩm nước trái cây tự nhiên, trong đó phải kể đến nước dừa đóng hộp. Nhiều nghiên cứu cho thấy nước dừa rất tốt cho sức khỏe, bởi nước dừa chứa nhiều khoáng chất cần thiết cho con người như là cali, natri, canxi và magie. Đây cũng là những sản phẩm có thể là một trong những lựa chọn có thể thay thế tốt hơn cho nước ngọt có ga hoặc là các loại nước uống đóng chai nhiều đường.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi đồng tình việc bổ sung đối tượng nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Đồng quan điểm, đại biểu Trần Văn Khải (ĐBQH tỉnh Hà Nam) cho biết, khái niệm nước giải khát có đường theo tiêu chuẩn của Việt Nam chưa được định nghĩa cụ thể, dẫn đến lo ngại sản phẩm tự nhiên như nước dừa, nước trái cây có thể bị đánh đồng với nước ngọt có ga.
“Thực tế 200.000 nông dân trồng dừa và hàng trăm doanh nghiệp chế biến rất lo lắng sản phẩm nước dừa chế biến của họ có thể bị coi là nước giải khát chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Việc áp dụng ngay mức 10% cho nước gọt có ga là chưa phù hợp, ảnh hưởng xấu tới sản xuất nông nghiệp”, đại biểu Trần Văn Khải kiến nghị.
Do đó, đại biểu đề nghị sửa Điều 2 khoản 1 điểm 1 và Điều 8, lùi thời điểm áp thuế 1 năm, áp 8% năm đầu và 10% các năm tiếp theo. Theo đại biểu, giải pháp này giúp cho doanh nghiệp điều chỉnh sản xuất, người dân thay đổi dần thói quen, Nhà nước đạt mục tiêu bảo vệ sức khỏe và hài hòa lợi ích của các bên.
Phát biểu tiếp thu, giải trình các ý kiến đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, cơ quan soạn thảo cũng như cơ quan thẩm tra đã tiếp thu vấn đề mức thuế và thời gian theo hướng giãn thời hạn áp và giảm tỷ lệ theo mức năm 2027 là 8%, năm 2028 là 10%. Thời hạn đối với tất cả các mặt hàng, về phía cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra sẽ rà soát để xem mặt hàng nào sẽ áp từ 1/1/2026 và những mặt hàng nào lùi sang 1/1/2027, để vừa thực hiện được mục tiêu của Quốc hội, nhưng đồng thời cũng tránh cú sốc đối với các doanh nghiệp.
Nhật Minh
Nguồn CAND : https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/de-nghi-ap-thue-tieu-thu-dac-biet-doi-voi-nuoc-giai-khat-co-ham-luong-duong-tren-5g-100ml--i767791/