Dự án trung tâm thương mại hơn 13.500m2 của Công ty TNHH EIE bị thu hồi do hết thời hạn gia hạn vẫn chưa hoàn thành đầu tư công trình
UBND TP. Hải Phòng đề nghị HĐND thành phố xem xét bãi bỏ Nghị quyết số 06/NQ-HĐND sau hơn 8 năm thực hiện kiểm tra rà soát xử lý đối với các dự án, địa điểm có dấu hiệu vi phạm pháp luật về đất đai. Theo UBND TP. Hải Phòng, Nghị quyết số 06 còn bộc lộ không ít hạn chế, hơn nữa pháp luật đã có đầy đủ các quy định để xử lý dự án vi phạm pháp luật về đất đai nên cần chấm dứt hiệu lực của Nghị quyết số 06.
NGHỊ QUYẾT 06 VẪN CÒN KHÔNG ÍT HẠN CHẾ
UBND TP. Hải Phòng cho rằng bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện, Nghị quyết số 06/NQ-HĐND của HĐND thành phố còn bộc lộ không ít tồn tại hạn chế. Cụ thể, công tác rà soát, lập danh sách các địa điểm có dấu hiệu vi phạm pháp luật về đất đai chưa được các địa phương phối hợp thực hiện chặt chẽ kịp thời dẫn đến tình trạng nhiều dự án nằm trong nghị quyết nhưng khi kiểm tra hồ sơ thì lỗi không thuộc về nhà đầu tư nên không thực hiện xử lý vi phạm, thu hồi đất theo kế hoạch mà nghị quyết đề ra.
Trong số 254 dự án mà các quận huyện rà soát bổ sung thì có tới 30% số dự án nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất nhưng chưa thực hiện cưỡng chế thuế nên chưa đủ căn cứ pháp lý thực hiện thủ thục thu hồi.
[Bài 1]: Hải Phòng thu hồi 13 dự án vi phạm đất đai theo nghị quyết của Hội đồng nhân dân
[Bài 2]: Khắc phục tình trạng quy hoạch treo, dự án treo kéo dài
Do một số dự án có quyết định thu hồi nhưng chưa xác định được giá trị hoàn trả cho doanh nghiệp hoặc đã xác định nhưng chưa hoàn thành việc hoàn trả giá trị đầu tư hợp pháp cho doanh nghiệp nên chưa thực hiện thu hồi được hết các dự án theo tiến độ của nghị quyết số 06. Cụ thể các như khu đất của Công ty cổ phần ACS Việt Nam (quận Dương Kinh), Công ty cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi dầu khí (quận Hải An), Công ty cổ phần đầu tư phát triển Vạn Xuân (quận Dương Kinh) do chưa hoàn thành việc hoàn trả nên chưa thể đưa đất vào sử dụng.
Mặt khác, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 06 mới chủ yếu tập trung ở công tác kiểm tra, rà soát, xử lý đối với các dự án cụ thể, một số nhóm giải pháp được nêu ra trong Nghị quyết số 06 chưa được quan tâm thực hiện hiệu quả như nhóm giải pháp về cơ chế chính sách, nhóm giải pháp về tài chính, nhóm giải pháp về bồi thường, giải phóng mặt bằng.
UBND TP. Hải Phòng cho rằng những hạn chế tồn tại này ngoài các nguyên nhân chủ quan như việc phối hợp kiểm tra, quản lý sau khi giao đất chưa được quan tâm đúng mức còn có nguyên nhân khách quan là do trong quá trình thực hiện nghị quyết, ngày 6/1/2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 01/2017/NĐ-CP đã ảnh hưởng đến tiến độ thu hồi đất các dự án vi phạm.
Nghị định này đã bổ sung quy định gia hạn tiến độ sử dụng đất 24 tháng đối với dự án chậm sử dụng đất, chỉ thực hiện thủ tục thu hồi đất sau 24 tháng gia hạn trong trường hợp chủ sử dụng đất tiếp tục không sử dụng đất. Nghị định cũng bổ sung quy định về thu hồi đất trong trường hợp chấm dứt hoạt động dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư thì chủ đầu tư được tiếp tục sử dụng đất 24 tháng để thực hiện chuyển quyền sử dụng đất, bán tài sản hợp pháp gắn liền với đất cho nhà đầu tư khác.
Bên cạnh đó, một số nội dung về xây dựng các quy định trong Nghị quyết số 06 đã được Chính phủ, các bộ ban ngành ban hành trong các văn bản quy phạm pháp luật, không giao cho UBND cấp tỉnh ban hành như thẩm định nhu cầu sử dụng đất, thẩm định năng lực của nhà đầu tư, ký quỹ đảm bảo thực hiện dự án, định mức giao đất cho thuê đất sử dụng vào mục đích sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp…
Hơn nữa, một số khu đất không có dự án đầu tư được duyệt nên chưa có căn cứ để gia hạn sử dụng đất 24 tháng như các khu đất của các doanh nghiệp cổ phần hóa (Công ty cổ phần Đầu tư phát triển nông nghiệp, Công ty cổ phần Thành Tô…). Các khu đất của các bộ ngành trung ương quản lý hay các khu đất của các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) chưa thể xử lý ngay được.
Ngoài ra, các tổ chức bị thu hồi đất sử dụng đất phản đối quyết liệt, không phối hợp làm việc với đoàn kiểm tra, khiếu nại khiếu kiện khiến cơ quan Nhà nước phải xử lý kéo dài, một số tổ chức sử dụng đất thế chấp ngân hàng nhưng không có khả năng trả nợ hoặc đã phá sản nên đất, tài sản trên đất do ngân hàng quản lý, phát mại (quá trình này thường phát sinh tranh chấp, kiện tụng nên mất nhiều thời gian để hoàn thành phát mại đưa đất vào sử dụng).
TẠI SAO DỪNG THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 06?
Để tiếp tục xử lý dứt điểm các dự án vi phạm còn lại và hoàn thành mục tiêu nhiệm vụ đề ra tại Nghị quyết số 06, UBND TP. Hải Phòng cho rằng trong thời gian tới cần triển khai thực hiện việc thu hồi dứt điểm các địa điểm đã có quyết định thu hồi đất nhưng tổ chức sử dụng đất chưa thực hiện bàn giao đất cho Nhà nước. Đồng thời, xây dựng phương án đưa quỹ đất đã thu hồi ra đấu giá quyền sử dụng đất để đưa đất vào sử dụng đúng quy hoạch.
Theo UBND TP. Hải Phòng, cơ quan chức năng cần tiếp tục giám sát đốn đốc các tổ chức đưa đất vào sử dụng đối với các địa điểm được gia hạn sử dụng đất 24 tháng, xác định tiền tổ chức sử dụng đất phải nộp bổ sung khi được gia hạn sử dụng đất. Cùng với đó, thực hiện xử lý dứt điểm các địa điểm mà Sở Tài nguyên và Môi trường đã tổng hợp theo kết quả rà soát của UBND các quận huyện. Ngoài ra, cần tập trung xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của UBND và HĐND thành phố được giao trong Luật Đất đai năm 2024, các nghị định của Chính phủ, đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu quản lý đất đai được phê duyệt.
UBND TP. Hải Phòng nhận định trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 06, nhiều nội dung, giải pháp tại nghị quyết đã được Chính phủ, các bộ ngành ban hành văn bản quy định chi tiết, đồng thời, có nhiều nội dung không còn phù hợp với quy định pháp luật. Luật Đất đai năm 2024 và các nghị định hướng dẫn thi hành có hiệu lực từ 1/8/2024 đã tiếp tục kế thừa hoàn thiện, bổ sung các quy định về xử lý vi phạm trong sử dụng đất đai đã quy định tại Luật Đất đai năm 2013. Mặt khác, các quy định về xử lý dự án chậm tiến độ cũng đã được quy định trong pháp luật về đầu tư.
Theo UBND TP. Hải Phòng, pháp luật đã có đầy đủ các quy định để kiểm tra xử lý các dự án chậm tiến độ, không sử dụng đất, chậm đưa đất vào sử dụng. Hơn nữa, đây là những công việc thường xuyên của cơ quan quản lý đất đai các cấp. Do đó, cần thiết đề nghị HĐND thành phố dừng thực hiện Nghị quyết số 06/NQ-HĐND. Tuy nhiên, theo thông báo của Thường trực HĐND TP. Hải Phòng, kỳ họp thường kỳ cuối năm 2024 (dự kiến diễn ra từ ngày 4-6/12/2024), HĐND thành phố chưa xem xét bãi bỏ nghị quyết này.
Nam Khánh - Đỗ Hoàng