Ông Phan Văn Mãi - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính báo cáo trước Quốc hội (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội)
Trong trường hợp đối với kinh phí phát sinh lớn hơn 44.000 tỷ đồng, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định việc bổ sung dự toán đối với nhiệm vụ chi này.
Sáng 5/5, sau khi Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày trước Quốc hội báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội (KTXH) và ngân sách năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch năm 2025, ông Phan Văn Mãi - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Quốc hội đã trình bày báo cáo thẩm tra về báo cáo này của Chính phủ.
Về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện năm 2024, Ủy ban Kinh tế và Tài chính tán thành với nhận định về kết quả đạt được về KTXH năm 2024 tại Tờ trình báo cáo của Chính phủ; tuy nhiên cơ quan này nhấn mạnh và lưu ý Chính phủ một số khó khăn, thách thức cần tập trung khắc phục.
Cụ thể, tăng trưởng kinh tế quý I/2025 chưa đạt kịch bản đề ra, gây áp lực lên công tác điều hành nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng cả năm từ 8% trở lên (bình quân các quý còn lại của năm 2025 phải tăng trưởng khoảng 8,4%). Tiêu dùng trong nước tăng chậm, chưa phát huy vai trò động lực; khu vực kinh tế tư nhân chưa tạo được đột phá về quy mô và năng lực cạnh tranh; hoạt động sản xuất, kinh doanh còn nhiều khó khăn; trung bình mỗi tháng có gần 26,3 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Giải ngân đầu tư công đã có chuyển biến nhưng nhìn chung vẫn chưa đạt kỳ vọng, cần tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ hơn (đến hết tháng 3 đạt 9,53% kế hoạch thấp hơn so với mức 12,27% của cùng kỳ năm 2024). Xuất khẩu hàng hóa có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại...
Về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện NSNN năm 2024, Ủy ban Kinh tế và Tài chính tán thành với nhận định về kết quả đạt được tại Tờ trình, tuy nhiên lưu ý một số vấn đề như: công tác dự báo kết quả thu NSNN năm 2024 phục vụ việc lập dự toán NSNN năm 2025 và nhiều năm gần đây chưa thực sự sát thực tiễn.
Về tình hình phân bổ và giao dự toán NSNN năm 2025, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn về số kinh phí thường xuyên chưa phân bổ chi tiết của các bộ, cơ quan Trung ương, đồng thời, quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành đôn đốc, khẩn trương phân bổ, giao số dự toán còn lại.
Đối với các địa phương, về thu nội địa, phần lớn các địa phương lập dự toán thấp, nhưng lại giao cao hơn so với dự toán Trung ương giao cho thấy công tác lập dự toán còn chưa sát, vẫn còn dư địa để tăng thu NSNN. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương có giải pháp khắc phục.
Với các khoản dự toán ngân sách Trung ương năm 2025 chưa phân bổ, ông Mãi nhấn mạnh số kinh phí còn lại chưa phân bổ là khá lớn chiếm khoảng 77,4% số kinh phí chưa phân bổ.
"Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan Trung ương khẩn trương xây dựng phương án phân bổ, trình Chính phủ theo đúng quy định, tránh gây áp lực giải ngân vào cuối năm, giảm hiệu quả sử dụng NSNN", cơ quan thẩm tra yêu cầu.
Về thu NSNN những tháng đầu năm 2025, theo Báo cáo của Chính phủ, hầu hết các khoản thu nội địa đều đạt khá so với dự toán. Tuy nhiên, nợ thuế hiện vẫn ở mức cao, tổng nợ thuế nội địa đến 30/4/2025 ước khoảng 222.700 tỷ đồng, tăng 12,3% so thời điểm 31/12/2024.
Cơ quan thẩm tra đề nghị cần có giải pháp tích cực hơn nữa trong thu hồi nợ thuế, góp phần bảo đảm thu NSNN.
Về chi và cân đối NSNN, đề nghị Chính phủ sớm có phương án phân bổ đối với nguồn kinh phí sự nghiệp chưa phân bổ và có giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân chi đầu tư phát triển.
Về chi cho các chương trình mục tiêu quốc gia, đề nghị Chính phủ bổ sung báo cáo cụ thể, rõ hơn về tình hình triển khai thực hiện, giải ngân 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia.
Trong đó làm rõ tiến độ thực hiện, giải ngân vốn chuyển nguồn sang năm 2025 đã được Quốc hội cho phép; Tình hình thực hiện, giải ngân vốn ODA, các giải pháp khắc phục tình trạng giải ngân chậm, phải thực hiện hủy dự toán, trong đó có việc nghiên cứu chế tài xử lý đối với việc trả lại kế hoạch vốn do nguyên nhân chủ quan.
Về nội dung đề xuất về việc rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án, cho phép áp dụng rộng rãi cơ chế xử lý khó khăn, vướng mắc tương tự các dự án, đất đai đã có kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án như Nghị quyết số 170/2024/QH15 trên phạm vi toàn quốc, Ủy ban Kinh tế và Tài chính ủng hộ việc rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án, trên cơ sở ý kiến cấp có thẩm quyền, đề nghị Chính phủ hoàn thiện hồ sơ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, quyết định.
Quốc hội họp phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9 sáng 5/5 tại Hà Nội
Về kiến nghị của Chính phủ trình Quốc hội xử lý một số nhiệm vụ chi phát sinh trong điều hành NSNN năm 2025 như việc bổ sung dự toán ngân sách Trung ương năm 2025 để chi trả chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi thực hiện sắp xếp, kiện toàn bộ máy,
Ông Phan Văn Mãi cho biết đa số ý kiến nhất trí việc trình Quốc hội xem xét, quyết định bố trí 44.000 tỷ đồng như phương án Chính phủ trình và giao Chính phủ tổ chức thực hiện cụ thể theo đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.
Tuy nhiên, về việc sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư của ngân sách Trung ương trong trường hợp đối với kinh phí phát sinh lớn hơn 44.000 tỷ đồng: Căn cứ khoản 2 Điều 55 Hiến pháp và khoản 2 Điều 8 Luật Ngân sách Nhà nước, đề nghị Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định việc bổ sung dự toán đối với nhiệm vụ chi này.
Trường hợp giữa hai kỳ họp, kiến nghị Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. Trường hợp chưa rõ phương án phân bổ cụ thể, trên cơ sở dự toán được cấp có thẩm quyền quyết định, giao Chính phủ tổ chức thực hiện theo quy định Luật Ngân sách Nhà nước.
Về chuyển nguồn dự toán chi thường xuyên ngân sách Trung ương năm 2024 chưa phân bổ sang năm 2025 để có nguồn thực hiện chính sách miễn học phí, thực hiện các nhiệm vụ phát sinh do sắp xếp tổ chức bộ máy, cơ quan thẩm tra nhất trí phương án Chính phủ trình.
Song đề nghị Chính phủ bố trí thực hiện nhiệm vụ chi theo đúng mục đích, đối tượng, chế độ, định mức theo quy định của pháp luật, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí.
"Trường hợp kinh phí phát sinh lớn hơn số kinh phí được bố trí, đề nghị sử dụng kinh phí từ dự phòng ngân sách Trung ương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Quốc hội nêu.
Minh Minh