Đề nghị cấm vĩnh viễn tổ chức, cá nhân tái phạm nghiêm trọng an toàn thực phẩm

Đề nghị cấm vĩnh viễn tổ chức, cá nhân tái phạm nghiêm trọng an toàn thực phẩm
6 giờ trướcBài gốc
Chiều 8/7, HĐND TP Hà Nội đã thảo luận tại tổ về một số nội dung chuyên đề quan trọng được trình tại kỳ họp. Một trong những nội dung được nhiều đại biểu đề cập là vấn nạn hàng giả, hàng nhái, cũng như việc mất an toàn thực phẩm ngày càng nghiêm trọng.
Phát biểu tại tổ, đại biểu Phạm Đình Đoàn nhấn mạnh, thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe trôi nổi cũng rất nhiều. Đặc biệt, vấn đề an toàn thực phẩm trước cổng trường học rất đáng lo ngại. Học sinh ăn uống vô tư, trong khi các món bán rong như thịt nướng, xúc xích giá rẻ, khó đảm bảo vệ sinh.
“Nếu không kiểm soát tốt, lâu dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thế hệ trẻ, nhất là trong bối cảnh mỗi năm Việt Nam có khoảng 170.000-180.000 ca mắc ung thư, một trong những tỷ lệ mắc ung thư cao đáng báo động”, ông Phạm Đình Đoàn cảnh báo.
Cùng nội dung này, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng dẫn số liệu Hà Nội hiện có trên 80.000 cơ sở kinh doanh thực phẩm, trong khi lực lượng quản lý chuyên trách về an toàn thực phẩm chỉ có khoảng 250 người.
Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội nêu ý kiến về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.
“Đây là một trong những nguyên nhân khiến công tác kiểm tra, giám sát gặp rất nhiều khó khăn”, ông Nguyễn Đình Hưng nói và cho biết, từ năm 2023 đến nay, các cấp của thành phố đã tiến hành hơn 200.000 lượt kiểm tra, xử phạt trên 12.900 cơ sở vi phạm, tổng số tiền phạt hơn 52 tỷ đồng. Một số cơ sở vi phạm nghiêm trọng đã bị đình chỉ hoạt động hoặc buộc ngừng sản xuất.
Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, điều đáng lo ngại là tình trạng hàng giả, hàng nhái, sản phẩm không đảm bảo chất lượng vẫn diễn ra phổ biến, đặc biệt là trong các nhóm thực phẩm chức năng, sữa, đồ uống và bếp ăn tập thể.
Để xử lý căn cơ vấn đề này, ông Hưng đưa ra một loạt đề xuất, trong đó cần nâng gấp đôi mức xử phát so với hiện hành để có tính răn đe hơn.
“Cần gắn vi phạm với mã định danh cá nhân, tiến tới đình chỉ kinh doanh vĩnh viễn với cá nhân, tổ chức tái phạm nghiêm trọng. Tránh tình trạng cơ sở vi phạm bị tước giấy phép, xong lại chuyển địa điểm khác”, ông Nguyễn Đình Hưng đề nghị.
Đảm bảo chất lượng chất lượng bữa ăn miễn phí học đường
Phát biểu tại tổ về đề án hỗ trợ bữa ăn trưa miễn phí cho học sinh, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn, Phó Giám đốc Sở GD&DT Hà Nội cho rằng, đây là một chính sách rất nhân văn, thể hiện sự quan tâm của thành phố với thế hệ tương lai. Tuy nhiên, việc triển khai cần được nhìn nhận một cách toàn diện, không chỉ dừng lại ở việc “có bữa ăn” hay “miễn phí”, mà phải đảm bảo dinh dưỡng, an toàn thực phẩm và phù hợp với thể trạng của trẻ.
“Không thể chỉ nghĩ rằng cứ có kinh phí hỗ trợ là đủ. Các yếu tố về điều kiện ăn, nghỉ của học sinh cũng rất quan trọng, nhất là với học sinh tiểu học và mầm non. Bàn ghế, không gian sinh hoạt, vệ sinh, thói quen ăn uống, cả yếu tố tâm lý, giới tính… đều phải tính đến”, ông Tuấn lưu ý.
Hiện nay, gần 100% trường tiểu học của Hà Nội đã tổ chức cho học sinh ăn bán trú. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điểm trường chưa đảm bảo điều kiện để tổ chức bữa ăn trưa hiệu quả. Với quy mô lớn, việc đảm bảo các suất ăn nóng, đủ dinh dưỡng, an toàn và đúng giờ cho hàng trăm nghìn học sinh là không dễ dàng, đặc biệt là tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa.
Phó Giám đốc Sở GD&DT Hà Nội cho biết, thành phố đang triển khai song song hai giải pháp, đầu tiên hỗ trợ kinh phí bữa ăn học sinh, trong đó học sinh ở các vùng khó khăn được hỗ trợ 100% (tương đương 30.000 đồng/suất), học sinh khu vực nội đô được hỗ trợ khoảng 70% (tức 20.000 đồng/suất). Cùng với đó, Hà Nội cũng đang xây dựng cơ chế đấu thầu minh bạch để lựa chọn đơn vị cung cấp suất ăn, đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm theo quy định.
Quang Phong- Trung Nguyên/Báo Tin tức và Dân tộc
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/ha-noi/de-nghi-cam-vinh-vien-to-chuc-ca-nhan-tai-pham-nghiem-trong-an-toan-thuc-pham-20250708165347560.htm