Tại phiên họp, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, ông Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội cho biết, về phòng cháy có một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định riêng về điều kiện bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) đối với cơ sở, nhà ở, nhà ở riêng lẻ, đặc biệt là nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Có ý kiến đề nghị tách riêng quy định PCCC đối với nhà ở và nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.
Ông Lê Tấn Tới báo cáo trước Quốc hội (Ảnh: Quang Vinh)
Theo ông Tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tiếp thu, tách Điều 17 về Phòng cháy đối với nhà ở thành 2 điều gồm 1 điều về Phòng cháy đối với nhà ở (Điều 19) và 1 điều về Phòng cháy đối với nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh (Điều 20); đồng thời phân loại, bổ sung quy định đầy đủ, phù hợp hơn đối với hai loại hình này.
Liên quan đến một số ý kiến đề nghị làm rõ việc không có quy định riêng về PCCC nhà cao tầng, chợ, trung tâm thương mại, khu chế xuất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, các loại hình nêu trên đều được định nghĩa là “cơ sở” tại khoản 7 Điều 2 và quy định cụ thể tại Điều 22.
Tiếp thu ý kiến ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo nghiên cứu, bổ sung đầy đủ các quy định về phòng cháy đối với cơ sở và thể hiện cụ thể tại Điều 22 dự thảo Luật đã tiếp thu, chỉnh lý. Đồng thời, tại khoản 5 Điều 54 đã giao các Bộ chức năng ban hành, sửa đổi các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan đến phòng cháy và chữa cháy thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, trong đó có quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về PCCC đối với từng loại cơ sở như nhà cao tầng, chợ, trung tâm thương mại, khu chế xuất.
“Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép không quy định cụ thể về phòng cháy đối với nhà cao tầng, chợ, trung tâm thương mại, khu chế xuất trong dự thảo Luật này”, ông Tới giải trình.
Ông Dương Khắc Mai phát biểu (Ảnh: Quang Vinh)
ĐB Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) cho hay, thực tế các năm qua số lượng vụ cháy không ngừng gia tăng. Đặc biệt là đám cháy xảy ra ở khu dân cư đông người ngày càng nguy hiểm khi dễ dàng lan rộng. “Hậu quả cháy gây nổ, thiệt hại về người, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân và kéo theo nhiều hệ lụy. Có thể thấy, để dập tắt đám cháy cần huy động rất nhiều lực lượng, phương tiện tham gia. Trước mắt, là nguồn chi từ ngân sách Nhà nước. Sau đó là tổ chức cấp cứu người bị nạn, huy động giúp đỡ người thiệt hại ổn định đời sống, kịp thời phục vụ sản xuất và nhiều vấn đề khác nhằm khắc phục hậu quả cháy. Nếu đám cháy lớn như cháy rừng, cháy, nổ kho nguyên liệu thì mức độ ảnh hưởng sẽ là cấp số nhân đối với nền kinh tế địa phương, quốc gia”, ông Mai đánh giá.
Do đó, tại Điều 20 quy định về phòng cháy đối với nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, ông Mai đề nghị cần xem xét lại quy định này theo hướng khuyến khích, hoặc nếu thực hiện phải có lộ trình hợp lý vì chưa thực sự phù hợp với điều kiện thực tiễn hiện nay.
Ông Đỗ Văn Yên phát biểu (Ảnh: Quang Vinh)
Cũng đề cập đến vấn đề phòng cháy đối với nhà ở kết hợp với sản xuất kinh doanh, ĐB Đỗ Văn Yên (Đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu) cho rằng, hiện nay nhiều cơ sở không đáp ứng được được tiêu chuẩn về PCCC nhưng vẫn hoạt động, hoặc là chỉ khi có sự cố mới phát hiện ra các vi phạm. Cho nên cần có những quy định chi tiết hơn về tiến độ kiểm tra định kỳ và công khai, minh bạch kết quả kiểm tra PCCC tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Ông Yên cũng đề nghị, bổ sung thêm quy định các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải công khai kết quả kiểm tra PCCC hàng năm trên trang thông tin điện tử của cơ quan chức năng và tại cơ sở. Bên cạnh đó, các cơ sở kiểm tra định kỳ 6 tháng 1 lần về tình trạng hoạt động của các hệ thống PCCC.
Ông Đỗ Ngọc Thịnh phát biểu (Ảnh: Quang Vinh)
Còn ĐB Đỗ Ngọc Thịnh (Đoàn Khánh Hòa) nhấn mạnh, trong PCCC thì phòng cháy giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Do đó, dự thảo Luật cần quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, hộ gia đình trong việc phòng cháy, mà trực tiếp là thiết kế, sử dụng điện trong cơ quan, tổ chức, gia đình. Bởi dự thảo Luật có quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tuy nhiên lại chưa nêu rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, hộ gia đình. Vì vậy bổ sung quy định người đứng đầu cơ quan, tổ chức, hộ gia đình phải chịu trách nhiệm chính trong việc phòng cháy, trong trường hợp để xảy ra cháy tại cơ quan, tổ chức, gia đình mình.
Quang Vinh, Việt Thắng