Đề nghị giữ nguyên quyền chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân của đại biểu HĐND

Đề nghị giữ nguyên quyền chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân của đại biểu HĐND
6 giờ trướcBài gốc
Hội nghị thu được 11 ý kiến đại biểu tham gia đóng góp.
Trên cơ sở dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 do lãnh đạo Sở Tư pháp trình bày, các đại biểu tham luận về các nội dung cần lấy ý kiến, tập trung vào 2 nhóm nội dung quan trọng gồm: Các quy định liên quan đến MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội; các quy định tại Chương IX để thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Thực hiện chủ trương của Đảng về sắp xếp tổ chức bộ máy Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, lãnh đạo MTTQ Việt Nam tỉnh bày tỏ sự đồng thuận cao với các nội dung dự thảo sửa đổi tại 8 Điều (Điều 9, 10, 84, 110, 111, 112, 114 và 115) của Hiến pháp năm 2013.
Trong đó các nội dung quan trọng được sửa đổi tại khoản 1 Điều 9 khẳng định “Mặt trận Tổ quốc là bộ phận của hệ thống chính trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo” và khoản 2 Điều 9 quy định: “Các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được tổ chức và hoạt động thống nhất trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”. Đây là những nội dung sửa đổi quan trọng khẳng định vai trò, vị trí, cơ chế hoạt động của MTTQ là một bộ phận của hệ thống chính trị có các tổ chức thành viên trực thuộc là các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức thành viên khác. Đồng thời các nội dung sửa đổi như trên cũng cần thiết và phù hợp để làm cơ sở cho việc sắp xếp tổ chức bộ máy của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức thành viên thống nhất hoạt động bảo đảm hiệu năng, hiệu lực và hiệu quả.
MTTQ Việt Nam tỉnh còn băn khoăn và đề nghị xem xét 2 nội dung dự thảo sửa đổi như sau:
Tại khoản 3 Điều 110, dự thảo sửa đổi Hiến pháp quy định: “Việc xác định các loại đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và trình tự, thủ tục thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính do Quốc hội quy định” không phải lấy ý kiến Nhân dân địa phương. MTTQ nhận thấy nội dung này cần thiết phải được lấy ý kiến của Nhân dân địa phương như quy định tại khoản 2 Điều 110, Hiến pháp năm 2013, vì những lý do sau: Đơn vị hành chính, địa giới hành chính là địa bàn người dân trực tiếp sinh sống, việc chia tách, sáp nhập, giải thể, thành lập hay điều chỉnh địa giới hành chính đều ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt, quyền và lợi ích của người dân. Do đó khi thực hiện các nội dung này để bảo đảm quyền dân chủ, phù hợp với thực tiễn, tạo sự đồng thuận cao thì việc phải lấy ý kiến Nhân dân là cần thiết.
Tại khoản 2 Điều 115, dự thảo sửa đổi Hiến pháp quy định về quyền chất vấn của Đại biểu HĐND, có sửa đổi, bỏ nội dung đại biểu HĐND có quyền chất vấn đối với Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân. Theo giải trình tại bản thuyết minh kèm theo, bỏ nội dung này là do không còn Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân gắn với chính quyền địa phương cùng cấp mà chỉ có Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân khu vực. MTTQ nhận thấy nội dung này là chưa phù hợp vì: Tòa án nhân dân hay Viện Kiểm sát nhân dân là đơn vị tổ chức theo khu vực, không gắn với chính quyền địa phương cùng cấp, tuy nhiên Tòa án nhân dân hay Viện Kiểm sát nhân dân khu vực vẫn làm nhiệm vụ giải quyết các nội dung thuộc thẩm quyền gắn với quyền, nghĩa vụ của người dân tại địa phương. Do đó, xuất phát từ việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân và đồng thời cũng bảo đảm Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân có trách nhiệm gắn các hoạt động sát với thực tiễn cơ sở thì việc đại biểu HĐND có quyền chất vấn đối với Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân là cần thiết.
Đại diện lãnh đạo Sở Nội vụ tham luận tại hội nghị.
Tham luận của đại diện Sở Nội vụ cho rằng, Hiến pháp năm 2013 hiện đang quy định khá chi tiết về hệ thống các đơn vị hành chính theo ba cấp: Tỉnh, huyện, xã, kèm theo tên gọi cụ thể của từng loại đơn vị hành chính ở mỗi cấp. Tuy nhiên, trong bối cảnh yêu cầu sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước theo hướng tinh gọn, hiệu quả, việc giữ nguyên cách quy định như hiện tại đã bộc lộ một số hạn chế. Quy định quá chi tiết trong Hiến pháp khiến cho việc cải cách mô hình tổ chức đơn vị hành chính gặp khó khăn, vì bất cứ sự thay đổi nào cũng cần phải sửa đổi Hiến pháp – một văn kiện nền tảng có tính ổn định lâu dài. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Điều 110 của Hiến pháp theo hướng không quy định quá chi tiết về tên gọi và cơ cấu của từng loại đơn vị hành chính là hết sức cần thiết. Thay vào đó, Hiến pháp nên chỉ quy định một cách khái quát về hệ thống đơn vị hành chính, tập trung vào hai cấp chính: Cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các đơn vị hành chính dưới cấp tỉnh.
Thảo luận tại Hội nghị, nhiều ý kiến đồng tình đề nghị giữ nguyên khoản 2, Điều 115 của Hiến pháp năm 2013 đang quy định đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân. Lí do: Tại khoản 2 Điều 8, Hiến pháp năm 2013 nhấn mạnh các cơ quan nhà nước phải chịu sự giám sát của Nhân dân, mà đại biểu Hội đồng nhân dân là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân địa phương. Vì vậy, các cơ quan nhà nước tại địa phương ( kể cả mô hình tổ chức theo khu vực) thì việc chịu sự giám sát của Nhân dân thông qua chất vấn của đại biểu HĐND là phù hợp với các quy định khác của Hiến pháp...
Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Đăng Bình, Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm của các đại biểu khi có nhiều ý kiến đóng góp sâu sắc, tâm huyết, thẳng thắn, chất lượng đối với các dự thảo. Những ý kiến này sẽ được tổng hợp đầy đủ để báo cáo cấp có thẩm quyền nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện, bảo đảm Hiến pháp thật sự là nền tảng pháp lý vững chắc cho công cuộc xây dựng, phát triển đất nước trong giai đoạn mới./.
Xuân Nghiệp
Nguồn Bắc Kạn : https://baobackan.vn/de-nghi-giu-nguyen-quyen-chat-van-chanh-an-toa-an-nhan-dan-vien-truong-vien-kiem-sat-nhan-dan-cua-dai-bieu-hdnd-post70804.html