Đề nghị Nhà nước hỗ trợ cho nhà khoa học 'Hai lúa'

Đề nghị Nhà nước hỗ trợ cho nhà khoa học 'Hai lúa'
6 giờ trướcBài gốc
Đóng góp ý kiến xây dựng Dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV vào chiều nay 13/5, đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum) cho biết, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030) của Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định là phát triển mạnh khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm. Đặc biệt mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Luật Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm thể chế hóa các quan điểm chủ trương trên của Đảng.
Góp ý cho Điều 18 Dự thảo Luật về khuyến khích cải tiến kỹ thuật với quy định “Nhà nước hỗ trợ tài chính cho hoạt động sáng kiến cải tiến kỹ thuật thông qua việc giao hoặc tài trợ các nhiệm vụ theo cơ chế phù hợp”, đại biểu Tô Văn Tám đặt câu hỏi: “Nếu theo quy định này, Nhà nước chỉ hỗ trợ tài chính khi giao nhiệm vụ cho tổ chức, cá nhân. Vậy, các sáng kiến cải tiến kỹ thuật của các cá nhân thì có được hỗ trợ tài chính không?”.
Trích dẫn lời Bác Hồ “Quần chúng là người sáng tạo, công nông là người sáng tạo”, đại biểu nêu thực tiễn những người nông dân sáng kiến được rất nhiều máy móc, thiết bị. Đặc biệt, nông dân các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long sáng chế ra máy gieo hạt ngô, hạt lúa đa năng, rồi tự chế tạo máy phun thuốc trừ sâu có điều khiển từ xa. Các sinh viên sáng tạo ra thiết bị cảnh báo lũ lụt, sạt lở đất... Và các phương tiện thông tin thường gọi họ là những nhà khoa học “Hai lúa”. “Những sáng kiến cải thiện kỹ thuật của người dân được phổ biến rộng rãi, rất phù hợp với điều kiện thực tiễn và đem lại hiệu quả rất tốt. Do vậy, Nhà nước nên có cơ chế hỗ trợ phù hợp cho cá nhân có những sáng kiến cải thiện kỹ thuật như thế này”, đại biểu Tám đề xuất.
Đại biểu Tô Văn Tám nhận xét: "Mục 4 Chương 2 và Chương 5 của Dự thảo Luật nêu quy định thương mại hóa kết quả nhiệm vụ khoa học công nghệ với nhiều hình thức khác nhau như: cho thuê, bán, chuyển nhượng, chuyển giao, liên doanh, liên kết với doanh nghiệp, hợp tác góp vốn, thành lập hoặc tham gia thành lập các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo... Tuy nhiên, những hình thức, chính sách này chỉ dễ áp dụng đối với lĩnh vực khoa học kỹ thuật và khoa học ứng dụng nhưng rất khó áp dụng với lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn".
“Tôi thấy là cần phải có những cơ chế, quy định cụ thể, rõ ràng như thế nào để đưa các kết quả khoa học nghiên cứu và khoa học xã hội nhân văn vào thực tiễn cuộc sống”, đại biểu Tám góp ý thêm. Ông cũng đề nghị Dự thảo Luật bổ sung những cơ chế cụ thể để áp dụng những kết quả nghiên cứu này vào trong cuộc sống.
Hoàng Hợp
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/de-nghi-nha-nuoc-ho-tro-cho-nha-khoa-hoc-hai-lua-329311.htm