Ngày 21-4, Cục Quản lý Dược đã có văn bản chỉ đạo khẩn tới các Sở Y tế, địa phương về vấn đề bán thuốc trên mạng.
Theo đó, thời gian qua, các phương tiện thông tin đại chúng có phản ánh về hiện tượng mua bán thuốc bao gồm cả thuốc kê đơn, thuốc phải kiểm soát đặc biệt, trên các trang mạng xã hội.
Một sản phẩm thuốc giả trong số 21 thuốc vừa bị phát hiện được bán trên mạng. Ảnh chụp màn hình
Trong văn bản gửi các đơn vị, tổ chức bán hàng theo phương thức thương mại điện tử như Meta Platforms Inc, Công ty TNHH Shopee… Cục Quản lý Dược đề nghị có biện pháp kiểm soát và ngăn chặn các hành vi này.
Meta Platforms hiện sở hữu và vận hành một số nền tảng truyền thông xã hội và dịch vụ truyền thông gồm Facebook, Instagram, Threads và WhatsApp.
Cục Quản lý Dược cũng đề nghị các Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo, phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường hoạt động kiểm tra, thanh tra, giám sát các cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn duy trì thực hiện đúng các quy định chuyên môn; đảm bảo việc tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh dược.
Kiểm tra, giám sát các cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn nhằm phát hiện và ngăn chặn việc kinh doanh dược tại nơi không phải là địa điểm kinh doanh ghi trên Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược hoặc đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép (mua bán trực tuyến hiện nay); mua, bán thuốc kê đơn, thuốc phải kiểm soát đặc biệt tại những nơi không đúng quy định và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm (nếu có).
Đại diện Cục Quản lý dược hướng dẫn tra cứu thuốc để tránh mua phải thuốc giả
Tăng cường tuyên truyền, cung cấp thông tin đến người dân chỉ mua thuốc của các cơ sở kinh doanh dược hợp pháp, thuốc có đầy đủ thông tin, rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ.
Trước đó, Cục cũng có văn bản gửi sở y tế các tỉnh, thành phố về việc cảnh báo thuốc giả, thuốc lưu hành trái phép trên thị trường sau khi đường dây sản xuất, tiêu thụ thuốc giả rất lớn bị Công an Thanh Hóa triệt phá.
Theo đó, trong số 21 loại sản phẩm đã bị cơ quan công an bắt giữ có 4 loại giả thuốc tân dược Tetracyclin, Clorocid, Pharcoter, Neo-Codion; còn lại 17 loại sản phẩm giả nghi là thuốc đông dược, sản phẩm có nhãn ghi mục đích sử dụng như thuốc chữa bệnh.
N.Dung