Đề nghị sớm công nhận di tích lịch sử địa điểm máy bay chở tướng Mỹ bị du kích Puih Glớ bắn rơi

Đề nghị sớm công nhận di tích lịch sử địa điểm máy bay chở tướng Mỹ bị du kích Puih Glớ bắn rơi
4 giờ trướcBài gốc
Các ý kiến tại hội thảo đều thống nhất với tên gọi của di tích “Địa điểm máy bay Mỹ bị du kích B6 Puih Glớ cùng đồng đội bắn rơi năm 1970”.
Cựu du kích Ksor Hiếu mong muốn địa điểm máy bay Mỹ bị du kích B6 Puih Glớ cùng đồng đội bắn rơi sớm được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh. Ảnh: P.D
Trong ký ức của cựu du kích Ksor Hiếu (Hyiu) thì đồng đội Puih Glớ là người vô cùng nhanh nhẹn, gan dạ. Cả hai cùng tham gia du kích địa phương từ năm 1968. “Chiều ngày 12-5-1970, tổ du kích của tôi đang thực hiện nhiệm vụ tại làng Grit thì nghe tin tổ du kích của Puih Glớ, Puih Blơn, Puih Minh đã bắn rơi chiếc máy bay trực thăng của Mỹ. 3 người, chỉ với 2 khẩu súng đã bắn cháy “con chim sắt”. Tinh thần chiến đấu dũng cảm ấy đã tiếp thêm sức mạnh và niềm tin rất lớn cho lực lượng du kích chúng tôi lúc bấy giờ”.
Theo hồ sơ lý lịch di tích, xác chiếc máy bay trực thăng bị du kích làng Maih bắn hạ không còn hiện hữu, sau ngày 12-5-1970. Địa điểm máy bay bị bắn rơi thuộc cánh đồng Ia Thu (làng Maih, xã Ia Hrung). Với mong muốn nơi đây sớm được công nhận trở thành di tích lịch sử cấp tỉnh để trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cho thế hệ mai sau, UBND huyện Ia Grai đã xây dựng kế hoạch, ra quyết định về việc phê duyệt đề cương và dự toán chi tiết Dự án: Lập hồ sơ khoa học xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh “Điểm máy bay Mỹ bị thiếu niên Puih Glớ cùng du kích xã Ia Hrung, huyện Ia Grai bắn rơi”.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân-nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Gia Lai tham gia ý kiến tại hội thảo. Ảnh: P.D
Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân-nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh-cho hay: “Việc huyện lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh cho địa điểm máy bay Mỹ bị Puih Glớ cùng du kích xã Ia Hrung bắn rơi là cần thiết. Vì địa điểm này ghi dấu một sự kiện quan trọng, gây được tiếng vang ở trong tỉnh, trong nước và quốc tế khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang bước vào giai đoạn quan trọng. Hồ sơ lý lịch di tích được thực hiện khá công phu, nghiêm túc, đáp ứng được yêu cầu khoa học. Các sự kiện và các yếu tố, các thành phần làm nên sự kiện được phân tích logic, tỉ mỉ và thuyết phục. Danh sách tham khảo tài liệu phong phú và tôi đánh giá cao việc sưu tầm đối với một số tư liệu từ phía Mỹ để có các thông tin cũng như xác minh công phu về chiếc máy bay bị bắn rơi”.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân cũng đề xuất, hồ sơ lý lịch di tích nên thống nhất xã Ia Hrung là xã B6 để đảm bảo tính lịch sử và để thế hệ sau khi nhắc đến địa danh B6 sẽ gắn liền với sự kiện lịch sử này. Mặt khác, đây là di tích có tính đặc thù, vì xác định được vị trí máy bay Mỹ bị bắn rơi, song không có hiện vật gốc do đó khi tiến hành khoanh vùng nên tập trung cho khu vực bao quanh, tiếp giáp. Vì ngoài ý nghĩa lưu giữ lịch sử, giáo dục truyền thống thì các di tích lịch sử còn là điểm đến hấp dẫn của người dân, du khách.
Quang cảnh tại hội thảo. Ảnh: P.D
Tham gia ý kiến tại hội thảo, Bí thư Huyện ủy Ia Grai Tống Thới Mốc nhấn mạnh về ý nghĩa quan trọng của sự kiện du kích Puih Glớ cùng đồng đội bắn rơi máy bay Mỹ năm 1970. Việc lập hồ sơ đề nghị công nhận địa điểm nơi chiếc máy bay Mỹ bị bắn rơi là di tích lịch sử cấp tỉnh nhằm tri ân chiến công của Trung đội du kích B6 và du kích Puih Glớ.
Huyện cũng có thêm “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống cho thế hệ mai sau. Hơn nữa, khu vực máy bay Mỹ bị bắn rơi cách tuyến đường liên xã Ia Dêr-Ia Hrung-Ia Bă không xa, thuận tiện cho việc kết nối để có thể phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch. Bí thư Huyện ủy Ia Grai đề nghị xã Ia Hrung phối hợp với phòng chuyên môn của huyện tham mưu UBND huyện trong công tác quy hoạch, quản lý diện tích đã được xác định.
Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Trần Ngọc Nhung khẳng định, hồ sơ lý lịch di tích rất đáng tin cậy. Các tài liệu có sự so sánh, đối chiếu, đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng. Trong đó, có 18 loại tài liệu để các đơn vị tư vấn nghiên cứu, 15 bài báo trong nước, 7 tài liệu nước ngoài, 6 nhân chứng cùng thời và 7 nhân chứng là con cháu của các du kích. Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh đề nghị đơn vị tư vấn tiếp thu các ý kiến của đại biểu tại hội thảo, nghiên cứu những nội dung phù hợp, sớm hoàn chỉnh hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền xem xét.
Tổ công tác của huyện Ia Grai cùng các cựu du kích xã B6 (nay là xã Ia Hrung) chụp ảnh lưu niệm tại khu vực máy bay Mỹ bị bắn rơi. Ảnh: B.P.L
Lịch sử Đảng bộ tỉnh Gia Lai (1945-2005) có ghi: “… Anh du kích Puih Glớ, 16 tuổi, dân tộc Jrai, quê ở làng Maih, xã B6 (khu 4), vào ngày 12-5-1070, với ba viên đạn súng trường đã bắn rơi chiếc trực thăng, tiêu diệt tên tướng ba sao Giôn Đin La, Tư lệnh công binh Mỹ ở miền Nam Việt Nam và tên tướng hai sao Ađam cùng đi. Ngày 15-10-1970, anh được Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên tặng thưởng Huân chương chiến công hạng Ba”.
Tại hội thảo, anh Puih Huông-con trai du kích Puih Glớ-bày tỏ mong muốn: “Đảng, Nhà nước quan tâm, sớm công nhận địa điểm máy bay Mỹ do bố tôi và đồng đội bắn rơi năm 1970 trở thành di tích lịch sử cấp tỉnh, để thế hệ con cháu và dân làng sau này nắm rõ lịch sử, thêm tự hào về truyền thống cha ông”.
PHƯƠNG DUNG
Nguồn Gia Lai : https://baogialai.com.vn/de-nghi-som-cong-nhan-di-tich-lich-su-dia-diem-may-bay-cho-tuong-my-bi-du-kich-puih-glo-ban-roi-post297780.html