Đề nghị tăng mức hưởng trợ cấp để đảm bảo quyền lợi của người lao động thất nghiệp

Đề nghị tăng mức hưởng trợ cấp để đảm bảo quyền lợi của người lao động thất nghiệp
7 giờ trướcBài gốc
Lao động làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Ảnh: PM.
Mới đây, khi phản biện về dự án Luật Việc làm (sửa đổi), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề nghị nghiên cứu, không quy định giới hạn tối đa hưởng trợ cấp thất nghiệp. Việc này để đảm bảo quyền lợi tương xứng với mức đóng và thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động.
TRỢ CẤP THẤT NGHIỆP CHƯA ĐẢM BẢO CUỘC SỐNG TỐI THIỂU
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, chính sách cũng nhằm hỗ trợ người lao động trong giai đoạn khó khăn khi chưa tìm được việc làm, đặc biệt đối với nhóm lao động lớn tuổi hoặc trong các ngành nghề đặc thù. Bên cạnh đó, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp hiện nay được đánh giá là ổn định và có kết dư để hỗ trợ người lao động tốt hơn, nhất là khi chỉ có một phần nhỏ người lao động đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp dài hạn.
Bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), đánh giá bảo hiểm thất nghiệp đã trở thành công cụ quan trọng trong chính sách an sinh xã hội của Việt Nam. Việc có trợ cấp thất nghiệp giúp người lao động thất nghiệp có nguồn thu nhập hàng tháng, hỗ trợ cho họ trang trải sinh hoạt, duy trì cuộc sống trước khi tìm việc mới, giảm áp lực kinh tế cho người lao động. “Đây là chính sách nhân văn, ưu việt”, bà Ngân nói.
Bên cạnh đó, chính sách trợ cấp thất nghiệp không chỉ tập trung vào trợ cấp, mà còn đi kèm hỗ trợ như tư vấn tìm việc làm mới để người lao động quay lại thị trường, tiếp tục làm việc, chứ không phải hưởng trợ cấp trong một thời gian rồi thôi.
Ngoài ra, còn có chế độ hỗ trợ học nghề, đào tạo nghề. Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) cũng đang đề xuất có chính sách hỗ trợ đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề để người lao động đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi số trong biến động nghề hiện nay của thị trường.
Tuy nhiên, theo bà Ngân, người lao động thất nghiệp được hưởng trợ cấp 60% tiền lương, song số tiền thực tế hưởng thì không cao. Với mức đóng bảo hiểm thất nghiệp 4 - 5 triệu đồng/tháng, thì mức trợ cấp thất nghiệp nhận được khoảng 2-3 triệu/tháng, không thể trang trải được chi phí sinh hoạt. “Nếu không đủ trang trải thì người lao động sẽ tìm công việc tay chân như bán nước, xe ôm… để có thêm thu nhập, chứ không thể đi học để đúng với trình độ, mong muốn của họ”, bà Ngân băn khoăn.
Do đó, bà cho rằng việc sửa luật phải đảm bảo quyền lợi của người lao động, theo hướng tốt hơn, minh bạch hơn. “Chưa tính đến mức hưởng 60% là cao hay thấp, vì cao hay thấp chúng ta phải so sánh với điều gì. Hiện chế độ ốm đau được hưởng 75%, chế độ thai sản được hưởng 100%, trong khi trợ cấp thất nghiệp chỉ được 60%.
Số tiền người lao động được hưởng không đủ trang trải, trong khi chúng ta luôn nói rằng chế độ trợ cấp thất nghiệp là bù đắp một phần cho rủi ro trong quá trình lao động. Nhưng bù đắp phải đảm bảo một phần cuộc sống để họ có động lực, cơ hội quay lại thị trường. Nếu không tương xứng thì sẽ không hấp dẫn được người lao động”, bà Ngân nhấn mạnh.
Thêm rằng, đây là vấn đề được nhiều người lao động phản ánh với tổ chức Công đoàn. Vì vậy, trong quá trình thực hiện chính sách còn có nhiều ý kiến người lao động cần được lắng nghe.
XEM XÉT NÂNG MỨC HƯỞNG
Liên quan đến mức hưởng trợ cấp thất nghiệp, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) tiếp tục đề xuất giữ nguyên quy định về mức hưởng trợ cấp. Theo đó, mức hưởng hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng đã đóng bảo hiểm thất nghiệp gần nhất, trước khi chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, hoặc chấm dứt làm việc.
Mức tối đa không quá 5 lần mức lương tối thiểu tháng theo vùng do Chính phủ công bố được áp dụng tại tháng cuối cùng đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Giải quyết hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động. Ảnh: PM.
Góp ý về dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), đại biểu Thạch Phước Bình, đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh, cho rằng dự thảo Luật quy định mức hưởng bằng 60% tiền lương là mức thấp, khó đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động trong bối cảnh mất thu nhập hoàn toàn, đặc biệt trong các thời kỳ suy thoái kinh tế, dịch bệnh, thiên tai, khi khả năng tìm việc mới giảm mạnh.
Đại biểu dẫn chứng tham chiếu quốc tế cho thấy, theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), mức hưởng trợ cấp thất nghiệp lý tưởng là 65 - 75% thu nhập bình quân, trong khi nhiều nước như Hàn Quốc, Đức, Nhật Bản đang áp dụng mức 66 - 70%.
Từ đó, đại biểu kiến nghị dự thảo Luật sửa đổi theo hướng nâng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng tối thiểu bằng 65% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp. Trường hợp khủng hoảng kinh tế, dịch bệnh quy mô lớn thì Chính phủ được phép nâng mức hưởng lên tối đa 75%.
Vấn đề này, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, đoàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng nhấn mạnh, trong bối cảnh thị trường lao động linh hoạt, nhiều lao động hợp đồng ngắn hạn, thì mức hưởng trợ cấp thất nghiệp 60% lương bình quân như quy định tại dự thảo Luật là chưa phù hợp với mặt bằng chi phí sinh hoạt hiện nay.
Vì vậy, ông cũng đề nghị xem xét tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp lên 70% lương bình quân 6 tháng gần nhất trong giới hạn không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng. Đồng thời, cải tiến cách tính thời gian hưởng, theo hướng cứ mỗi 6 tháng đóng thêm được cộng thêm 1 tháng trợ cấp thay vì 12 tháng như hiện nay.
Phúc Minh
Nguồn VnEconomy : https://vneconomy.vn/de-nghi-tang-muc-huong-tro-cap-de-dam-bao-quyen-loi-cua-nguoi-lao-dong-that-nghiep.htm