Chiều 17-5, tham gia thảo luận tại tổ về Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi), Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (đoàn TP HCM) cho biết ông quan tâm nhất đến các điều 35, 36, 37 quy định các khoản thu, chi của ngân sách trung ương và địa phương.
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân
Theo vị ĐB là chuyên gia kinh tế, với TP HCM, hiện nay tỉ lệ điều tiết ngân sách TP được giữ lại là 21%, còn mức hưởng của Bình Dương là 33% và Bà Rịa - Vũng Tàu là 52%. "Chia bình quân 3 địa phương này trong một thể thống nhất sau khi sáp nhập thì tỉ lệ hưởng của địa phương là 32%, nếu được tỉ lệ này được thì quá tốt" - ông Ngân mong muốn.
Trong 63 địa phương trên cả nước thì hiện có 18 địa phương đã tự chủ được tài chính, điều tiết ngân sách về Trung ương; còn lại 45 địa phương chưa tự chủ được tài chính và ngân sách Trung ương phải điều tiết lại.
Dù vậy, tới đây tiến hành sáp nhập tỉnh, cả nước chỉ còn 34 tỉnh, thành. Vì vậy, ĐB Ngân thống nhất cao việc không thực hiện chia nhỏ tỉ lệ điều tiết ngân sách cho từng địa phương như trước. Ví dụ trước đây, 18 địa phương tự chủ được tài chính, thì tỉ lệ điều tiết cho TP HCM là 21%, Hà Nội 32%, Bình Dương 33%, Đồng Nai 50%, Quảng Ninh 51%, Bà Rịa - Vũng Tàu là 52%, Hải Phòng 76%, Đà Nẵng 83% …
Theo Luật Ngân sách hiện hành, các khoản thu phân chia theo tỉ lệ phần trăm (%) giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, gồm: Thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, theo ông Ngân, tại khoản 2, Điều 35 dự thảo Luật Ngân sách (sửa đổi) đã phân chia như sau. Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân: Ngân sách trung ương hưởng 70% số thu trên địa bàn Hà Nội và TP HCM; 25% số thu trên địa bàn Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Ninh, tỉnh Đồng Nai; 20% đối với các địa phương còn lại. Ngân sách từng địa phương hưởng tương ứng tỉ lệ phân chia phần còn lại. Ông Ngân đánh giá quy định này là hợp lí.
Đối với thuế tiêu thụ đặc biệt, ngân sách trung ương hưởng 80% số thu trên địa bàn Hà Nội và TP HCM, có nghĩa 2 địa phương này chỉ được hưởng 20% còn lại, ông Ngân cho rằng tỉ lệ này là thấp, cần nâng lên tỉ lệ 30%.
Ông Ngân cũng đồng thuận với quy định thuế bảo vệ môi trường, ngân sách trung ương hưởng 80%, ngân sách địa phương hưởng 20% số thu trên địa bàn hay ngân sách trung ương hưởng 70% thuế giá trị gia tăng, ngân sách các địa phương hưởng 30%.
Còn với tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, trừ thu tiền sử dụng đất gắn với tài sản trên đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý quy định tại điểm h khoản 1 Điều này, các địa phương không nhận bổ sung cân đối, ngân sách trung ương thì hưởng 30%; ngân sách địa phương hưởng 70%. Còn các địa phương nhận bổ sung cân đối, ngân sách trung ương hưởng 20%; ngân sách địa phương hưởng 80%.
Cho ý kiến nội dung này, ông Trần Hoàng Ngân cho rằng với TP HCM, hằng năm, nguồn thu này chiếm tới 40-50% trong chi đầu tư phát triển của TP. Theo Luật Ngân sách Nhà nước hiện hành, TP được hưởng 70%.
Trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình, cần có nhiều động lực tăng trưởng. Khi thực hiện sáp nhập tỉnh, thành cần mở rộng không gian phát triển. Muốn làm vậy mà ngân sách địa phương bị thu hẹp thì rất khó. Như Hà Nội, TP HCM tới đây sẽ triển khai rất nhiều dự án, nhất là hệ thống đường sắt đô thị, cần nguồn kinh phí rất lớn.
"Vì vậy, ở khoản này, đề nghị quy định lại theo hướng ngân sách trung ương thì hưởng 15-20%; ngân sách địa phương hưởng 80-85%. Còn không thì quy định chung với tất cả các địa phương: ngân sách trung ương hưởng 20%; ngân sách địa phương hưởng 80%" - ông Ngân đề xuất.
Văn Duẩn - Minh Chiến