Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ án “Vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Vinafood II và các đơn vị liên quan.
Bộ Công an đề nghị truy tố 6 bị can cùng về tội danh nói trên, gồm: Trương Thanh Phong (72 tuổi, cựu ủy viên HĐQT, Tổng giám đốc Vinafood II); Trần Văn Vẹn (76 tuổi, cựu Chủ tịch HĐQT Vinafood II); Trần Bảy (65 tuổi, cựu Trưởng phòng Kế hoạch chiến lược Vinafood II, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Vĩnh Hội); Vũ Bá Vinh (66 tuổi, cựu ủy viên HĐQT kiêm Trưởng ban Kiểm soát Vinafood II); Trương Văn Húa (75 tuổi) và Trương Văn Ảnh (69 tuổi), cùng là cựu ủy viên HĐQT Vinafood II).
Bán rẻ đất công tinh vi
Vinafood II có tiền thân là Tổng công ty Lúa gạo miền Nam, là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.
Khu đất số 132 Bến Vân Đồn, phường 6, quận 4 có diện tích 7.890m2 là tài sản nhà nước, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao cho Vinafood II quản lý, sử dụng từ năm 1994 đến nay.
Thực hiện quyết định của Thủ tướng về việc xử lý, sắp xếp lại nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn TPHCM, Vinafood II đề xuất lập dự án xây dựng Trung tâm thương mại kết hợp cao ốc văn phòng và nhà ở, căn hộ cao cấp trên khu đất nói trên.
Đầu năm 2005, UBND TPHCM có văn bản thông báo Bộ Tài Chính chấp thuận cho chuyển mục đích sử dụng đất.
Các lãnh đạo Vinafood II (từ trái qua phải) gồm: Trương Thanh Phong, Trần Văn Vẹn và Trần Bảy. Ảnh: Bộ Công an
Quyết định của Bộ Tài Chính nêu rõ: “Vinafood II có trách nhiệm lập, phê duyệt, tổ chức thực hiện dự án theo đúng quy định hiện hành của pháp luật về đầu tư và xây dựng", "Sau 24 tháng, nếu Vinafood II không triển khai thực hiện dự án thì nhà nước sẽ thu hồi lại đất”.
Tại thời điểm đó, theo thẩm định của cơ quan chức năng, khu đất có tổng giá trị hơn 117,7 tỷ đồng.
Theo quy định, Vinafood II phải làm chủ đầu tư dự án. Tuy nhiên, biết rõ đơn vị không có đủ năng lực nên ông Trương Thanh Phong - khi đó là ủy viên HĐQT, Tổng giám đốc Vinafood II - họp bàn cùng một số lãnh đạo tổng công ty tìm đối tác thực hiện dự án.
Ông Phong ký văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với nội dung sau khi Vinafood II được cấp quyền sử dụng đất sẽ tiến hành góp vốn, chuyển giao quyền sử dụng đất cho công ty cổ phần. Nhưng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu Vinafood II thực hiện theo đúng quy định.
Dù vậy, ông Phong cùng các lãnh đạo Vinafood II đã lựa chọn rồi quyết định cho Công ty Nguyễn Kim, Công ty Thái Sơn cùng tham gia và hình thành pháp nhân mới là Công ty Vĩnh Hội.
Bộ Công an làm rõ bản chất của sự việc là Vinafood II đứng ra mua hộ khu đất rồi chuyển giao cho Công ty Vĩnh Hội và nhận được 10% vốn điều lệ của công ty này, có giá trị 15 tỷ đồng. Số tiền 15 tỷ đồng này Vinafood II nhận và sử dụng vào mục đích kinh doanh.
6 bị can "không ai hưởng lợi" và vai trò của Công ty Nguyễn Kim
Ông Phong đã giao cho Công ty Vĩnh Hội sử dụng danh nghĩa Vinafood II thực hiện các thủ tục lập và trình các cơ quan chức năng phê duyệt dự án.
Khi Vinafood II được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ông Phong chỉ đạo cấp dưới không lập hồ sơ tài sản, bỏ ngoài sổ sách khu đất nói trên. Việc này nhằm che giấu và để tiến hành chuyển quyền sử dụng đất cho Công ty Vĩnh Hội theo hình thức chỉ định, không thẩm định lại giá, không tổ chức đấu giá.
Từ giai đoạn 2009-2015, Công ty Nguyễn Kim đã mua 99,32% vốn điều lệ Công ty Vĩnh Hội và bán lại cho một công ty khác, công ty này thực hiện hoàn chỉnh dự án căn hộ cao cấp có tên là Millennium. Dự án gồm 2 block với hơn 1.000 căn hộ, đã được bán hết cho khách hàng.
Phối cảnh dự án tại số 132 Bến Vân Đồn, quận 4. Ảnh: T.L.
Cơ quan CSĐT kết luận hành vi của các bị can gây thiệt hại cho nhà nước hơn 113,7 tỷ đồng. Đây là phần chênh lệch được xác định là giá trị thực tế của khu đất tại thời điểm chuyển quyền sử dụng đất (cuối tháng 1/2011) là 241,5 tỷ đồng so với giá trị 127,7 tỷ đồng mà Vinafood II tự đưa ra.
Tuy nhiên, 6 bị can trong vụ án khai nhận không hưởng lợi gì từ việc bán rẻ đất nhà nước vào tay tư nhân.
Bộ Công an cũng phát hiện Công ty Nguyễn Kim có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế khi mua, bán cổ phần tại Công ty Vĩnh Hội và trong việc ký kết, thực hiện hợp đồng tư vấn cũng với Công ty Vĩnh Hội. Tuy nhiên, xét thấy việc này không liên quan đến hành vi của các bị can trong vụ án này, cơ quan CSĐT đã chuyển thông tin cho Công an TPHCM để xem xét, xử lý theo quy định pháp luật.
Đàm Đệ