Đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về xử lý một số nội dung liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy

Đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về xử lý một số nội dung liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy
một ngày trướcBài gốc
Tổ chức bộ máy của các cơ quan, tổ chức, đơn vị được sắp xếp, tinh gọn, điều chỉnh hợp lý, khắc phục chồng chéo, giao thoa về chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Bộ Tư pháp cho biết, theo định hướng của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban chỉ đạo của Chính phủ và các cơ quan liên quan về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, tổ chức bộ máy của các cơ quan, tổ chức, đơn vị được sắp xếp, tinh gọn, điều chỉnh hợp lý, khắc phục chồng chéo, giao thoa về chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Cụ thể, tổ chức bộ máy của Chính phủ khóa XV và khóa XVI (nhiệm kỳ 2026-2031) dự kiến được tinh gọn như sau: 13 bộ, 04 cơ quan ngang bộ (giảm 05 Bộ); 04 cơ quan thuộc Chính phủ (giảm 04 cơ quan thuộc Chính phủ), tiếp tục thực hiện sắp xếp, tinh gọn đầu mối, giảm mạnh các tổng cục, cục, vụ, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ, cục, vụ, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tổng cục; điều chỉnh hợp lý về phân công quản lý nhà nước đối với một số ngành, lĩnh vực, khắc phục chồng chéo, giao thoa về chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ, cơ quan ngang bộ.
Theo yêu cầu, định hướng của Ban chỉ đạo của Trung ương và Chính phủ về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện công tác tổng kết chức năng, nhiệm vụ và mô hình tổ chức. Trên cơ sở đó, đề xuất, xây dựng phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của cơ quan, tổ chức, đơn vị, bảo đảm phù hợp với định hướng chỉ đạo của của Trung ương và Chính phủ để thực hiện quyết liệt việc sắp xếp tổ chức bộ máy tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả và hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, kiện toàn cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XV trên cơ sở tổ chức hợp lý các bộ đa ngành, đa lĩnh vực, xây dựng Chính phủ dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch, phục vụ Nhân dân, tăng cường sự quản lý thông suốt từ Trung ương đến địa phương, trên cơ sở phân cấp, phân quyền hợp lý, đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Quá trình thực hiện việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo phương án sau khi cấp có thẩm quyền phê duyệt sẽ có tác động trực tiếp đến hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Do đó, tại Kế hoạch số 141/KH-BCĐTKNQ18 của Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW đã giao: "Các bộ, ngành, cơ quan rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chịu sự tác động của việc sắp xếp tổ chức bộ máy; đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp để xử lý những vấn đề vướng mắc khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy; gửi Bộ Tư pháp để tổng hợp". Bộ Tư pháp đã tổng hợp, báo cáo Chính phủ và Ban Chỉ đạo của Chính phủ kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chịu sự tác động của việc sắp xếp tổ chức bộ máy, trong đó, tổng số văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương chịu sự tác động trực tiếp của việc sắp xếp tổ chức bộ máy là 5.026 văn bản (gồm: 160 luật, bộ luật, 08 nghị quyết của Quốc hội, 10 pháp lệnh, 02 nghị quyết của UBTVQH, 833 nghị định, 01 nghị quyết của Chính phủ, 287 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 03 Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, 3.722 văn bản cấp bộ), tập trung vào một số nhóm nội dung chính: Nhóm văn bản QPPL chỉ liên quan đến việc thay đổi tên gọi của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; Nhóm văn bản QPPL có nội dung "cần xử lý ngay" (ngoài việc thay đổi tên gọi), trong đó có những vấn đề có tính chất chung giữa các bộ và có những vấn đề có tính chất đặc thù riêng của từng bộ, ngành. Ngoài ra, các cơ quan cũng rà soát, đề xuất xử lý theo lộ trình với 326 văn bản.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã rà soát gần 1700 văn bản QPPL do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp ban hành chịu sự tác động của việc sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan Trung ương, trong đó kết quả rà soát tập trung liên quan đến quy định về tên gọi của bộ, cơ quan ngang bộ ở Trung ương khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy dự kiến sẽ thay đổi hoặc quy định trong văn bản địa phương dẫn chiếu đến các văn bản do các bộ, cơ quan ngang bộ ban này (các cơ quan này dự kiến sẽ thay đổi tên gọi, điều chỉnh về chức năng, nhiệm vụ).
Với số lượng cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc diện sắp xếp lớn, phạm vi tác động rộng, nhất là việc sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, chính quyền địa phương liên quan đến điều chỉnh tên gọi, chức năng, nhiệm vụ, mô hình tổ chức của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; sự thay đổi về thẩm quyền, chức danh xử phạt vi phạm hành chính; việc thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành; về việc giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp; quy trình phối hợp xử lý công việc giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị;.... đang được quy định tại nhiều luật chuyên ngành và các văn bản dưới luật có liên quan.
Vì vậy, cùng với việc trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung các luật về tổ chức bộ máy, Nghị quyết về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Nghị quyết về thành lập một số bộ trên cơ sở tổ chức lại một số bộ, cơ quan ngang bộ của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV thì việc nghiên cứu, xây dựng, trình Quốc hội khóa XV xem xét, ban hành Nghị quyết của Quốc hội quy định về việc xử lý một số nội dung liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy tại kỳ họp bất thường tháng 02/2025 là rất cần thiết, bảo đảm cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc sắp xếp tổ chức bộ máy, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, tránh khoảng trống pháp luật, hạn chế tối đa việc thay đổi hệ thống pháp luật liên quan, bảo đảm hoạt động của các cơ quan nhà nước diễn ra liên tục, thông suốt, không bị gián đoạn sau khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy theo đúng yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo của Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW.
Nội dung đề nghị xây dựng Nghị quyết tập trung vào 2 chính sách:
Chính sách 1: Ban hành quy định cụ thể để xử lý một số nội dung liên quan nhằm bảo đảm hoạt động của các cơ quan, xã hội, người dân, doanh nghiệp được liên tục, thông suốt, thuận lợi khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy
Cụ thể, Bộ Tư pháp đề xuất quy định nội dung và nguyên tắc xử lý liên quan đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy:
+ Được tiếp tục thực hiện bởi các cơ quan nhận chuyển giao chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đó (bao gồm cả trường hợp thành lập cơ quan mới; trường hợp thay đổi mô hình tổ chức; trường hợp cơ cấu, chuyển giao chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thuộc Chính phủ hoặc cơ quan khác về các bộ; trường hợp chuyển giao chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn giữa các bộ, cơ quan ngang bộ với nhau);
+ Việc xác định cơ quan thực hiện kiểm sát, kiểm tra, giám sát sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy căn cứ vào nơi đặt trụ sở của cơ quan có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đó. Cơ quan có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn có trụ sở tại địa bàn nào thì chịu sự kiểm sát, kiểm tra, giám sát của cơ quan có thẩm quyền tại địa bàn đó.
+ Việc thực hiện nhiệm phối hợp giữa các cơ quan thuộc trường hợp hợp nhất, sáp nhập hoặc phối hợp với cơ quan thuộc trường hợp chấm dứt hoạt động (cơ quan được hình thành sau khi hợp nhất, sáp nhập hoặc tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chấm dứt hoạt động chịu trách nhiệm thực hiện nội dung công việc đó).
+ Trường hợp sau khi cơ quan sắp xếp tổ chức bộ máy dẫn đến thay đổi quy trình, trình tự, thủ tục giải quyết công việc nhưng chưa sửa đổi ngay được văn bản quy phạm pháp luật quy định về quy trình, trình tự, thủ tục đó thì cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết công việc quyết định điều chỉnh tạm thời quy trình, trình tự, thủ tục giải quyết công việc theo đúng nguyên tắc chuyển giao và tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan.
- Quy định việc xử lý liên quan đến thay đổi tên của các cơ quan đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật do sắp xếp tổ chức bộ máy (tự động chuyển đổi theo tên của cơ quan mới sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy, các cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật không phải ban hành văn bản chỉ có nội dung sửa đổi về tên của cơ quan).
- Quy định việc thực hiện thủ tục hành chính: Cơ quan nhận chuyển giao chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn giải quyết thủ tục hành chính chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện thủ tục hành chính thông suốt, không bị gián đoạn; thực hiện công bố, thông báo công khai việc thay đổi cơ quan thực hiện thủ tục hành chính theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn nhận chuyển giao. Trường hợp sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy dẫn đến thay đổi trình tự, thủ tục thực hiện thủ tục hành chính mà chưa sửa đổi ngay được các văn bản quy phạm pháp luật thì giao một số cơ quan có thẩm quyền (Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) trong phạm vi quản lý nhà nước của mình ban hành hướng dẫn tạm thời để các thủ tục hành chính được thực hiện thông suốt, không bị gián đoạn.
- Quy định việc xử lý một số vấn đề liên quan đến thực hiện chức năng thanh tra: Việc thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành sau khi sắp xếp lại tổ chức, bộ máy của các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra, nhất là đối với trường hợp tổ chức lại Tổng cục; việc thực hiện kế hoạch thanh tra và thực hiện các cuộc thanh tra chưa ban hành kết luận thanh tra.
- Quy định việc xử lý liên quan đến thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính khi sắp xếp tổ chức bộ máy:
+ Trường hợp chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính do sắp xếp tổ chức bộ máy dẫn đến thay đổi tên gọi nhưng không thay đổi về nhiệm vụ, quyền hạn thì chức danh đó tiếp tục thực hiện thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đang được giao.
+ Trường hợp chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính do sắp xếp tổ chức bộ máy dẫn đến thay đổi về nhiệm vụ, quyền hạn, thì chức danh tiếp nhận nhiệm vụ, quyền hạn thực hiện thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn đã tiếp nhận cho đến khi có quy định mới thay thế.
- Quy định việc xử lý liên quan đến thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên (điều ước quốc tế và thỏa thuận quốc tế), trong đó quy định trách nhiệm của cơ quan tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ trong việc thông báo về sự kế thừa thực hiện và trao đổi, thống nhất với đối tác nước ngoài về sự cần thiết sửa đổi quy định liên quan đến tên gọi của cơ quan được quy định trong điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế; dự kiến về trình tự, thủ tục sửa đổi trong trường hợp cần sửa đổi quy định về tên gọi của cơ quan. Bên cạnh đó, quy định một số chủ thể, cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn, xử lý các vấn đề khác trong quá trình thực hiện (Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao) căn cứ các nguyên tắc tại Nghị quyết hướng dẫn trình tự, thủ tục thực hiện.
- Quy định về giá trị của các văn bản, giấy tờ do các cơ quan trước khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy ban hành (tiếp tục có hiệu lực cho đến khi bị thay thế, bãi bỏ hoặc bị xử lý bằng hình thức khác theo quy định của pháp luật; không được yêu cầu tổ chức, cá nhân cấp đổi, giấy tờ đã được các cơ quan trước khi sắp xếp tổ chức bộ máy cấp; trường hợp cá nhân, tổ chức có nhu cầu cấp đổi các giấy tờ đó thì không phải nộp phí, lệ phí thực hiện).
Bộ Tư pháp cho biết, đây là phương án tối ưu để đạt được mục tiêu chính sách, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, kịp thời cho hoạt động của bộ máy sau khi sắp xếp, phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, phù hợp với quy định của Hiến pháp, các luật về tổ chức bộ máy nhà nước; thể chế hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 27-NQ/TW, yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo của Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW. Giải pháp này giúp hạn chế tối đa việc thay đổi hệ thống pháp luật với số lượng lớn văn bản trong khi thời gian thực hiện cần khẩn trương, bảo đảm tính khả thi để đạt được mục tiêu đề ra, tạo thuận lợi, tiết kiệm chi phí thực hiện cho xã hội, người dân, doanh nghiệp.
Chính sách 2: Ban hành quy định về trách nhiệm, thời hạn rà soát, sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan liên quan để xử lý những vấn đề thuộc thẩm quyền ngoài các nội dung có thể thực hiện theo các quy định tại Nghị quyết; quy định về thẩm quyền, trách nhiệm xử lý nội dung khác phát sinh sau khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy mà chưa được quy định tại Nghị quyết và một số nội dung cần chuyển tiếp liên quan đến áp dụng và thực hiện pháp luật sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy.
Cụ thể, Bộ Tư pháp đề xuất xác định cụ thể trách nhiệm, thời hạn rà soát, sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan liên quan để xử lý những vấn đề thuộc thẩm quyền (ngoài các nội dung có thể thực hiện theo các quy định tại Nghị quyết): Đối với văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến bảo đảm cơ sở pháp lý cho hoạt động của các cơ quan sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy thì phải ban hành để có hiệu lực đồng thời với hiệu lực của Nghị quyết; đối với các văn bản quy phạm pháp luật cần rà soát, sửa đổi để phù hợp với tổ chức bộ máy đã được sắp xếp thì thời điểm thực hiện là sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy.
Xác định cụ thể thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan xử lý nội dung khác phát sinh sau khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy mà chưa được quy định tại Nghị quyết: Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, giải quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất; Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, các bộ, cơ quan ngang bộ và các cơ quan khác có liên quan trong phạm vi chức năng, quyền hạn của mình có trách nhiệm xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý, hướng dẫn tạm thời để triển khai thực hiện thống nhất, kịp thời các vấn đề phát sinh.
Xác định cụ thể một số nội dung cần chuyển tiếp liên quan đến áp dụng và thực hiện pháp luật sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy: Việc sử dụng con dấu, thực hiện thủ tục đăng ký mẫu con dấu, thu hồi con dấu sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy; việc sử dụng các bản phôi, mẫu giấy tờ, biểu mẫu đã được in sẵn trước khi sắp xếp tổ chức bộ máy bảo đảm tiết kiệm, đúng quy định.
Theo Bộ Tư pháp, đây là phương án tối ưu để bảo đảm cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc sắp xếp tổ chức bộ máy và xử lý kịp thời các nội dung khác phát sinh sau khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy nhưng chưa được quy định tại Nghị quyết, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; bảo đảm hoạt động của các cơ quan, xã hội, người dân, doanh nghiệp được thông suốt, liên tục, thuận lợi, tiết kiệm chi phí.
Mời bạn đọc xem toàn văn Đề nghị xây dựng Nghị quyết và góp ý tại đây.
Thanh Châu
Nguồn Chính Phủ : https://baochinhphu.vn/de-nghi-xay-dung-nghi-quyet-cua-quoc-hoi-ve-xu-ly-mot-so-noi-dung-lien-quan-den-sap-xep-to-chuc-bo-may-102250107144525284.htm