Nghị quyết số 55-NQ/TW đưa qua quan điểm phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hóa các loại hình năng lượng (Nguồn: Bộ Công Thương)
Nổi bật trong đó là Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nghị quyết đưa ra quan điểm: Phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hóa các loại hình năng lượng; ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo. Về mục tiêu cụ thể, Nghị quyết nêu rõ, tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15-20% vào năm 2030; 25-30% vào năm 2045.
Bên cạnh đó, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) được ban hành, thể hiện sự cam kết của Việt Nam đối với năng lượng tái tạo và phát triển điện gió ngoài khơi trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Nhà máy điện gió Bạc Liêu đặt tại xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu.
Nhận thấy tiềm năng của điện gió sẽ góp phần to lớn vào các nỗ lực giảm thiểu sự biến đổi khí hậu và đảm bảo an ninh năng lượng của đất nước, Chính phủ đã đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng về công suất điện gió ngoài khơi, nhắm tới đạt 6 GW vào năm 2030 theo Quy hoạch điện VIII và tầm nhìn đến năm 2050 sẽ đạt từ 70-90,5 GW. Bước đi quan trọng này dự kiến sẽ thúc đẩy làn sóng đầu tư và tăng trưởng mới trong thị trường điện trong nước, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng tái tạo trong thời gian tới.
Ngoài ra, Luật Điện lực (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/2/2025 đã dành từ điều 20 đến điều 29 cho các quy định về phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới với các quy định bảo đảm minh bạch, hiệu quả trong quản lý điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới; đồng thời giao Chính phủ quy định điều kiện và thời hạn áp dụng các cơ chế, chính sách ưu đãi đối với dự án này.
Luật Điện lực (sửa đổi) đóng vai trò hành lang pháp lý liên quan đến phát triển điện năng lượng tái tạo và năng lượng mới. (Nguồn: Tuổi trẻ)
Các điều luật này trong Luật Điện lực (sửa đổi) đóng vai trò hành lang pháp lý liên quan đến phát triển điện năng lượng tái tạo và năng lượng mới, đồng thời, khuyến khích phát triển các hệ thống điện tự sản xuất và tự tiêu thụ từ nguồn năng lượng tái tạo, mang lại tính linh hoạt và giảm áp lực lên lưới điện quốc gia.
TS. Trần Du Lịch, Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) nhận định, việc thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, nhất là các loại năng lượng như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng sinh khối không chỉ giúp ứng phó các tác hại đối với môi trường, mà còn tạo lợi thế lớn cho địa phương, quốc gia trong xu hướng xanh hóa toàn cầu.
Thế nhưng, vị TS này nhận thấy, doanh nghiệp Việt vẫn chưa thực sự quen với những cụm từ như xanh hóa hay năng lượng tái tạo. Nguyên nhân bởi khung quy định cho lĩnh vực này tại Việt Nam cũng chưa đầy đủ.
Doanh nghiệp Việt vẫn chưa thực sự quen với những cụm từ như xanh hóa hay năng lượng tái tạo. (Nguồn: Shutterstock)
Việc thiếu quy định, hướng dẫn còn làm tăng nguy cơ phát sinh tranh chấp khiến nhà đầu tư và nhà nước đều quan ngại. Vì vậy, TS. Trần Du Lịch kỳ vọng, các chuyên gia có kinh nghiệm, đặc biệt về mặt pháp lý có thể đồng hành để tư vấn, hỗ trợ các nhà đầu tư trong tiến trình thu hút đầu tư và triển khai các dự án năng lượng tái tạo.
Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam ở Ninh Thuận: (Nguồn: Trungnam Group)
“Phải thay đổi khung chính sách, hợp đồng mẫu để ‘gỡ rối’ cho nhà đầu tư” là đề xuất của ông Seck Yee Chung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam. Theo ông, các nhà đầu tư nước ngoài rất mong muốn có cơ hội tham gia vào thị trường phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam. Tuy nhiên, họ phải đối mặt rất nhiều thách thức, nhất là khả năng vay vốn không cao cho các dự án tại Việt Nam.
Ông Seck Yee Chung cho rằng, để thu hút đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, công tác quy hoạch, chuẩn bị quỹ đất, minh bạch trong đấu thầu và các chính sách hỗ trợ, thủ tục phê duyệt, cấp phép dự án cần cụ thể, rõ ràng, nhanh chóng.
Công trình điện gió ở huyện Ea H'leo, Đắk Lắk. (Ảnh: H. Gig)
Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) Phạm Nguyên Hùng thì nhận định, khung pháp lý cao nhất để phát triển năng lượng tái tạo là khi luật về năng lượng tái tạo được nghiên cứu và ban hành. Tuy nhiên, việc nghiên cứu xây dựng luật này sẽ đòi hỏi nhiều thời gian.
Việc có thêm khung pháp lý phù hợp sẽ giúp năng lượng tái tạo không bị “lỡ nhịp”, phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Việt Nam, đóng góp tích cực vào đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Mai Hương