Đẻ nhiều… 'biết rồi, khổ lắm', nhưng phải nói

Đẻ nhiều… 'biết rồi, khổ lắm', nhưng phải nói
6 giờ trướcBài gốc
ĐẺ NHIỀU… “BIẾT RỒI, KHỔ LẮM”, NHƯNG PHẢI NÓI
(Báo Bình Phước, 19-11-1997)
Phóng sự: Đoàn Phú - Nhật Thanh
Đi sâu vào các buôn sóc, làng bản đồng bào dân tộc ít người ở Bình Phước, mới thấy hết cái khó, cái khổ của họ phải chịu đựng: bệnh tật, đói nghèo, trình độ dân trí thấp… Nguyên nhân xuất phát từ đâu? Có trăm điều đáng nói, đáng bàn, nhưng nguyên nhân chính yếu là do đẻ nhiều, đẻ dầy, đẻ “thoải mái” ngoài sự vận động thuyết phục của cán bộ dân số. Có gia đình 9-10 con phổ biến như ở: Bom Bo (Bù Đăng), sóc Cần Lê, Phố Lố (Thanh Lương - Bình Long), Chà Là, Cần Dựt (Lộc Ninh)… Quả là tình trạng tăng dân số tự nhiên rất đáng bàn, đáng dóng lên hồi chuông cảnh báo cho hơn 400 ngàn người dân tộc Sê-tiêng, Tày, Nùng, Mơ Nông, Khơme… đang sinh sống tại Bình Phước.
ĐẺ THÊM CÁI NGHÈO, CÁI KHỔ
Điểu Y (Đồng Búa - Thuận Lợi - Đồng Phú) than: Bồ thóc nhà mình năm nay kém 18 bao, thế là trên 4 tháng chịu đói. Một mình Điểu Y phải chạy ăn cho 6 nhân khẩu. Ấy vậy mà Thị Luy - vợ của Điểu Y lại vừa sinh thêm một “Điểu” nữa. Bù lại, Điểu Y có sức khỏe, chịu khó làm ăn, ít rượu chè nên mấy mẹ con Thị Luy dù ăn uống kham khổ nhưng vẫn còn tương đối. Chỉ tội mấy đứa trẻ, học được lớp 4-5 là nghỉ để giúp Điểu Y làm rẫy, làm nương. Xong mùa rẫy, mùa thóc là Điểu Y đi chặt lồ ô thuê, đi lấy măng hoặc đi làm thuê cho người Kinh. Mới trên 30 tuổi mà trông Điểu Y già lắm. Thị Luy cũng héo hon ở tuổi ngoài 20. Bầu vú không còn căng tròn, đã khan sữa nên thằng bé cố sức hút mà chẳng no được. Không riêng gì vợ chồng Điểu Y đông con chịu cảnh đói nghèo, thất học, toàn xã Thuận Lợi (Đồng Phú) có hơn 463 hộ với 2.133 khẩu là đồng bào dân tộc thiểu số, trung bình mỗi hộ 4,3 khẩu. Riêng dân tộc Sê-tiêng có 232 hộ với 1.215 khẩu, trung bình 5,2 người/hộ.
Chưa nói đến hộ gia đình “ghép” - một ông 2 bà, mỗi hộ từ 10-12 con. Con số thật đáng ngại. Như gia đình Hoàng Báo (Thuận Tân - Thuận Lợi) có 13 con, lũ trẻ thật xơ xác, dù ở cạnh trường học, nhưng cái chữ vẫn còn xa lạ với chúng. Tuy Hoàng Báo cật lực lao động mà đói vẫn đói, nghèo vẫn nghèo. Bởi vì, theo Hoàng Báo: “Hai con vợ của mình nó đẻ nhiều quá, mình không thể ngăn được, cán bộ dân số khuyên, nhưng nó vẫn đẻ”!
Chính cái cảnh nheo nhóc này, đồng bào dân tộc ít người cứ quẩn quanh sự nghèo. Đồng vốn mà Nhà nước cho vay có hạn, chưa kịp đầu tư cho sản xuất, thì cái đói ập đến, thêm cảnh đông con, thế là hết sạch vốn. Đồng bào kêu đói, xã, huyện cấp vài chục ký gạo cứu tế, vài trăm ngàn, mấy hôm sau là hết nhẵn, chả thấm gì với 8-10 miệng thèm ăn của bọn trẻ đang sức lớn. Riêng “cái vợ” thì cứ mỗi ngày một còm cõi dần, tay yếu và tuổi xuân cứ cạn dần như con suối mùa khô, chỉ cái hay đẻ là khỏe.
Cái đẻ ở Bom Bo (Bù Đăng) không kém gì ở Thuận Lợi (Đồng Phú), Cần Lê, Phố Lố (Thanh Lương - Bình Long). Tôi hỏi chuyện Điểu Xen, Trưởng thôn Bom Bo: Ở đây có bao nhiêu gia đình từ 10 con trở lên? Không một chút ngập ngừng, Điểu Xen trả lời: Hiếm lắm, chỉ có những gia đình 6-8 con là nhiều!?!
Kể ra đồng bào cũng có ý thức, hiểu biết về đặt vòng tránh thai, triệt sản, nhưng con số này vẫn còn thấp. Có hộ, cả hai vợ chồng còn quá trẻ mà đã có từ 6-8 con. Quả là mẹ chưa lớn kịp thì con vội ra đời.
Qua khảo sát số hộ đói nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số, lẫn người Kinh ở Đồng Phú, Phước Long, Bù Đăng… chúng tôi thấy 100% đói nghèo, thiếu ăn đều xuất phát từ đông con. Trong khi nương rẫy vẫn được mở rộng, rừng vẫn còn bị chặt phá, lấn chiếm mà đồng bào vẫn chưa thoát đói, thoát nghèo. Quả đúng như lời của Điểu Quyết ở Đặc Son - Đức Hạnh - Phước Long: Gia đình mình có 8 con. Mình chỉ thấy cái bụng của vợ no khi chưa đẻ. Còn mấy đứa nhỏ tuy to bụng, nhưng trong ruột nó chẳng có gì.
CẦN CÁI “VÒNG KIM CÔ”
Cán bộ phụ trách DS-KHHGĐ ở xã Tân Thành - Đồng Phú, Nguyễn Thị Nga cho biết: Ở Tân Thành hiện nay, trung bình mỗi hộ có từ 5 con trở lên. Riêng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì tỷ lệ này cao hơn. Công tác truyền thông dân số trên địa bàn xã có tiến bộ, tỷ lệ đặt vòng, đình sản có tăng. Nhưng chúng tôi cần có chiếc “vòng kim cô” mới đủ sức hạn chế tỷ lệ sinh dưới 3 con trong đồng bào dân tộc. Hiện tại bây giờ 59 cộng tác viên dân số chúng tôi gặp nhiều khó khăn, chỉ nói, tuyên truyền thôi thì cũng chưa đủ mà còn phải thể hiện bằng việc làm cụ thể như: Hỗ trợ kinh phí, tiền bồi dưỡng, tiền xe cho cán bộ dân số và người tự nguyện đình sản, đặt vòng khi vừa sanh con thứ 2. Vì từ cơ sở đi ra huyện, xã vừa tốn tiền, thời gian, nên đồng bào rất ngại. Nếu ta không làm tới nơi tới chốn, chẳng khác gì “khua chuông” rầm rộ vài lần rồi im bặt, để mặc đồng bào cứ đẻ rồi ta dóng chuông báo động.
Nếu vậy thì tỷ lệ tăng dân số của tỉnh ta vẫn còn cao, vẫn còn tiếp tục tình trạng sinh đẻ vô tội vạ, nguyên nhân đói nghèo chưa thuyên giảm. Vẫn còn tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ dưới 5 tuổi chiếm 45%, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 3,8%/năm. Do đó cần có một cái “vòng kim cô” đủ mạnh khóa lại sự gia tăng dân số tự nhiên ở tỉnh nhà.
NHỮNG NGUY CƠ TỒN TẠI NẾU NHƯ…
Bình Phước vốn là tỉnh nghèo, và có 90% dân số sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp, dân trí còn thấp và một số phong tục tập quán lạc hậu vẫn còn duy trì như: tảo hôn, trời sinh voi trời sinh cỏ, đã có nếp phải có tẻ… Tuy mật độ dân số còn thấp (80 người/km2) nhưng tỷ lệ đất nông nghiệp trên đầu người chỉ với 390 m2/người. Với tỷ lệ đó, đời sống nhân dân khó được nâng cao, cải thiện, hoặc giàu có từ nông nghiệp. Trong khi đó, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên vẫn thuộc loại cao (3,8%/năm) và đất đai ngày càng bạc màu.
Trước thực trạng này, nếu cứ tiếp tục sinh đẻ nhiều thì nguy cơ đói nghèo, thất học, suy dinh dưỡng… trong đồng bào dân tộc ít người và các hộ nông dân nghèo khó được cải thiện, đời sống buôn sóc khó được đổi mới và khó khăn cứ chồng chất khó khăn. Tất cả cũng chỉ vì cái “sự đẻ” không kế hoạch. Mong rằng, tỉnh nhà sớm có một chính sách đủ mạnh “khỏe” như chiếc “vòng kim cô” buộc các ông bố, bà mẹ thực hiện đúng, triệt để các biện pháp tránh thai, để mỗi cặp vợ chồng chỉ nên có từ 1 hoặc 2 con.
Nói đến việc sinh đông, đẻ dầy toàn là những chuyện “biết rồi, khổ lắm” nhưng chúng cần phải nói và không thể không nói.
Nguồn Bình Phước : https://baobinhphuoc.com.vn/news/548/172810/de-nhieu-biet-roi-kho-lam-nhung-phai-noi