Để nông dân gắn bó với cây lúa hữu cơ

Để nông dân gắn bó với cây lúa hữu cơ
5 giờ trướcBài gốc
Dù có kinh nghiệm trồng và liên kết sản xuất lúa hữu cơ với doanh nghiệp qua nhiều vụ sản xuất nhưng trong năm 2025, nông dân một số hợp tác xã (HTX) trên địa bàn huyện Hải Lăng không tham gia nữa. Đơn cử như HTX Văn Quỹ, xã Hải Phong, vụ này không thực hiện được kế hoạch mở rộng diện tích lúa hữu cơ từ 24 ha lên 40 ha.
Nguyên nhân vì HTX và doanh nghiệp không thuyết phục được thành viên tham gia do chi phí sản xuất lúa hữu cơ cao nhưng năng suất, chất lượng và giá tiêu thụ chưa tương xứng (nhất là khi năm 2024 giá lúa thông thường tăng cao khiến khoảng cách chênh lệch lợi nhuận với lúa hữu cơ càng bị thu hẹp).
Trong khi đó, HTX Kim Long, xã Hải Quế cũng tạm dừng liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất lúa hữu cơ vụ hè thu 2025 vì thấy, giống lúa ST25 sản xuất vụ này không phù hợp (do trời nắng nóng, tỉ lệ hạt lem lép nhiều dẫn đến năng suất thấp). Ngoài ra, ST25 có thời gian sinh trưởng dài ngày (thường đến ngày 10/9 mới thu hoạch) trong lúc kế hoạch của huyện ngày 25/8 là phải thu hoạch xong lúa hè thu để tránh lũ sớm. HTX này đang đề xuất doanh nghiệp đổi bộ giống khác cho phù hợp với đồng ruộng Hải Lăng.
Từ năm 2017, ngành nông nghiệp Quảng Trị bắt đầu triển khai trồng thử nghiệm lúa hữu cơ. Đến nay, diện tích lúa hữu cơ đã được mở rộng thông qua mô hình liên kết trồng lúa hữu cơ do Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị và Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị thực hiện ở một số địa phương. Giống lúa hữu cơ được đưa vào sản xuất là ST25 (loại lúa làm ra hạt gạo hai lần được công nhận ngon nhất thế giới).
Đầu năm 2023, gạo hữu cơ Quảng Trị được xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Để đạt được kết quả này, thời gian qua, tỉnh và một số địa phương đã ban hành các chính sách hỗ trợ, kích cầu sản xuất nông nghiệp hữu cơ, trong đó có trồng lúa hữu cơ.
Tuy nhiên, thực tế việc mở rộng diện tích lúa hữu cơ vẫn chậm, chưa tương xứng tiềm năng (khảo sát của một đơn vị tư vấn cho thấy, Quảng Trị có khoảng 3.000 ha đủ điện để sản xuất lúa hữu cơ, chiếm khoảng 10% tổng diện tích lúa toàn tỉnh).
Hiện nay, diện tích trồng lúa hữu cơ trên địa bàn tỉnh vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, trong khi độ cao đồng ruộng nhiều nơi không đồng đều, kênh mương, giao thông nội đồng xuống cấp, chưa đồng bộ gây khó khăn trong việc tưới tiêu, áp dụng cơ giới hóa, khoa học công nghệ vào sản xuất. Đặc biệt, số lượng doanh nghiệp liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa hữu cơ còn ít, lợi ích chưa hài hòa giữa các bên nên chưa tạo được sự đột phá mạnh mẽ.
Cuối năm 2024, UBND tỉnh đã ban hành Đề án phát triển lúa hữu cơ gắn với liên kết theo chuỗi giá trị bền vững giai đoạn 2025 - 2030 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các huyện Hải Lăng, Triệu Phong, Gio Linh, Vĩnh Linh và Cam Lộ được quy hoạch sản xuất lúa hữu cơ. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, mỗi địa phương có ít nhất 250 ha lúa hữu cơ, canh tác tự nhiên; đến năm 2030 có ít nhất 500 ha lúa hữu cơ, canh tác tự nhiên.
Việc phân bổ diện tích rõ ràng cho từng huyện như trên sẽ giúp mỗi địa phương có thể lượng hóa, từ đó hoạch định thành các hoạt động cụ thể trong việc cải tạo đồng ruộng, quy hoạch lại hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng, khuyến khích người dân tích tụ đất đai...
Đây được xem là cơ sở quan trọng để các địa phương xây dựng kế hoạch trồng lúa hữu cơ phù hợp với yêu cầu cũng như tiềm năng, lợi thế của từng vùng sản xuất, từ đó huy động được các bên (HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp, nông dân) cùng tham gia vào chuỗi liên kết.
Vì thế, mỗi địa phương cần khẩn trương rà soát, đánh giá toàn diện về thực trạng sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn, xác định chỉ tiêu cụ thể để định hướng phát triển. Đồng thời tham mưu tỉnh ban hành các chính sách phù hợp tình hình thực tiễn và đảm bảo đủ mạnh để thu hút doanh nghiệp tham gia, bởi chính họ là những người giúp tìm kiếm thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, từ đó nâng cao giá trị hạt gạo, giúp nông dân có nguồn thu nhập bền vững.
Các địa phương cũng cần chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức khảo nghiệm, thí điểm để lựa chọn bộ giống lúa mới phù hợp thời vụ sản xuất và đồng đất Quảng Trị để đưa vào canh tác hữu cơ.
Đặc biệt, cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức và năng lực sản xuất để nông dân hiểu được lợi ích thiết thực, lâu dài của nền nông nghiệp hữu cơ, từ đó mỗi người chủ động thay đổi phương thức canh tác, gắn bó và trở thành mắt xích quan trọng làm nên chuỗi liên kết sản xuất lúa hữu cơ.
Mai Lâm
Nguồn Quảng Trị : http://www.baoquangtri.vn/de-nong-dan-gan-bo-voi-cay-lua-huu-co-193213.htm