Dễ phát tán nhưng khó kiểm soát: Hiểm họa từ tác nhân CBRN đang gia tăng

Dễ phát tán nhưng khó kiểm soát: Hiểm họa từ tác nhân CBRN đang gia tăng
3 giờ trướcBài gốc
Hiểm họa từ CBRN
Theo ông Bùi Thế Nghị - Trung tâm Ứng phó sự cố và An toàn hóa chất - Cục Hóa chất – Bộ Công Thương: Nguy cơ hóa học, sinh học, bức xạ và hạt nhân (CBRN) đang đe dọa đến sức khỏe, cuộc sống con người và môi trường.
Nguy cơ hóa học (Chemical) có thể đến từ việc sản xuất, vận chuyển, lưu trữ và sử dụng các hóa chất nguy hiểm trong ngành công nghiệp, nông nghiệp hoặc dân dụng. Ảnh: HC
Trong đó, nguy cơ hóa học (Chemical) có thể đến từ việc sản xuất, vận chuyển, lưu trữ và sử dụng các hóa chất nguy hiểm trong ngành công nghiệp, nông nghiệp hoặc dân dụng. Sự cố hóa học có thể gây ra tình trạng nhiễm độc môi trường, làm tổn hại đến sức khỏe con người và hệ sinh thái.
Nguy cơ sinh học (Biological) thường liên quan đến sự bùng phát dịch bệnh từ virus, vi khuẩn hoặc các sinh vật gây hại, ví dụ đại dịch Covid-19 đã làm nổi bật mối nguy cơ về sinh học. Đặc biệt, ngoài sự cố sinh học còn có thể xảy ra do sự rò rỉ hoặc sử dụng sai mục đích các tác nhân sinh học trong nghiên cứu, sản xuất.
Nguy cơ bức xạ (Radiological) có thể phát sinh từ việc sử dụng các nguồn phóng xạ trong y tế, công nghiệp và nghiên cứu khoa học. Rò rỉ hoặc thất thoát nguồn phóng xạ có thể dẫn đến ô nhiễm môi trường và gây hại nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng.
Nguy cơ hạt nhân (Nuclear) liên quan đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân hoặc sự cố tại các cơ sở hạt nhân. Ngoài ra, Việt Nam có thể chịu ảnh hưởng từ sự cố hạt nhân ở các nước láng giềng.
Như vậy, tác nhân CBRN tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ đối với cuộc sống con người. Cụ thể, theo ông Bùi Thế Nghị, mối đe dọa từ tác nhân CBRN được thể hiện qua 5 nội dung, bao gồm: Thứ nhất, để lại hậu quả nghiêm trọng và lâu dài: Các sự cố liên quan đến CBRN có khả năng gây thiệt hại nghiêm trọng về con người, môi trường và kinh tế. Chỉ cần một vụ rò rỉ hóa chất hoặc sự cố phóng xạ, hậu quả có thể kéo dài hàng thập kỷ và ảnh hưởng đến hàng triệu người.
Thứ hai, khó kiểm soát và dễ phát tán: Các tác nhân CBRN có khả năng phát tán nhanh chóng và rất khó kiểm soát nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.
Thứ ba, mối đe dọa an ninh quốc gia và quốc tế: CBRN có thể được sử dụng như vũ khí trong các cuộc tấn công bằng khủng bố hoặc xung đột quân sự. Các nhóm cực đoan hoặc quốc gia thù địch có thể sử dụng các chất hóa học, sinh học hoặc hạt nhân để gây thiệt hại lớn, làm mất ổn định an ninh quốc gia.
Thứ tư, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Cụ thể, khi tiếp xúc với các tác nhân CBRN có thể gây ra những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, từ các bệnh cấp tính như bỏng hóa chất, ngộ độc, cho đến các bệnh mãn tính như ung thư hoặc các biến chứng về di truyền đối với các thế hệ tương lại.
Thứ năm, đòi hỏi sự chuẩn bị và sự hợp tác quốc tế: Việc ứng phó với các mối đe dọa CBRN đòi hỏi sự chuẩn bị toàn diện, từ chính sách quản lý, đào tạo, trang thiết bị đến hợp tác quốc tế. Vì các tác nhân này có thể vượt biên giới quốc gia, việc phối hợp quốc tế là rất quan trọng trong việc ngăn chặn và kiểm soát các tác nhân CBRN.
Ứng phó với nguy cơ và sự cố CBRN tại Việt Nam nói chung và sự cố hóa chất nói riêng là một nhiệm vụ quan trọng trong bối cảnh toàn cầu hóa và nguy cơ từ thiên tai, thảm họa. Ảnh: HC
Chính sách ứng phó của Việt Nam
Ứng phó với nguy cơ và sự cố CBRN tại Việt Nam nói chung và sự cố hóa chất nói riêng là một nhiệm vụ quan trọng trong bối cảnh toàn cầu hóa và nguy cơ từ thiên tai, thảm họa, cũng như các mối đe dọa an ninh phi truyền thống ngày càng gia tăng. Theo đó, Việt Nam đã và đang xây dựng các chiến lược, cơ chế và lược lượng nhằm ứng phó với các tình huống khẩn cấp liên quan đến CBRN, đảm bảo an toàn cho người dân và sự phát triển bền vững.
Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành nhiều nghị định và văn bản pháp luật liên quan đến quản lý an toàn hóa chất, những văn bản này là cơ sở pháp lý quan trọng để đảm bảo an toàn hóa chất trong quá trình phát triển kinh tế. Cụ thể, năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 104/QĐ-TTg về phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về phòng ngừa, phát hiện và chuẩn bị ứng phó nguy cơ, sự cố hóa học, sinh học, bức xạ và hạt nhân (CBRN) giai đoạn 2019-2025.
Theo ông Bùi Thế Nghị, Kế hoạch hành động của Thủ tướng Chính phủ đưa ra phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Việt Nam, khẳng định cam kết của Việt Nam về không phổ biến vũ khí CBRN theo Nghị quyết 1540 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, cam kết không phổ biến được đề ra tại Kế hoạch hành động ASEAN – EU giai đoạn 2018-2022 và các điều ước quốc tế về an toàn, an ninh và không phổ biến vũ khí CBRN khác Việt Nam đã tham gia.
Nhằm thực thi Kế hoạch tại Quyết định số 104/QĐ-TTg của Chính phủ, năm 2020, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định 834/QĐ-BCT về Kế hoạch hành động của Bộ Công Thương thực hiện Quyết định số 104/QĐ-TTg. Nhiệm vụ của Quyết định 834/QĐ-TTg được Bộ Công Thương đưa ra nhằm hoàn thiện chính sách pháp luật về phòng ngừa, phát hiện và ứng phó nguy cơ, sự cố CBRN, tập trung vào nguy cơ, sự cố hóa chất; tăng cường công tác phòng, ngừa, phát hiện và ứng phó sự cố CBRN; tuyên truyền, nâng cao nhận thức về CBRN và thúc đẩy hợp tác quốc tế.
Nguyễn Hòa
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/de-phat-tan-nhung-kho-kiem-soat-hiem-hoa-tu-tac-nhan-cbrn-dang-gia-tang-365171.html